Những nền văn minh cổ đại đón chào năm mới

.

Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ hơn 3.000 năm trước vào thời nhà Thương, còn được gọi là triều đại Yin - một triều đại hoàng gia Trung Quốc ở thung lũng sông Hoàng Hà vào thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Ngày lễ bắt đầu như một cách để đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ trồng trọt mùa xuân.
Để khuyến khích khởi đầu tốt lành cho năm mới, người dân trang trí nhà cửa và quây quần cùng người thân trong gia đình. Tết Nguyên đán dựa trên lịch âm có từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, ngày lễ thường rơi vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng hai, vào ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí. Mỗi năm gắn liền với một trong 12 con giáp.

Chào đón năm mới ở Trung Quốc.
Chào đón năm mới ở Trung Quốc.

Lễ hội Wepet Renpet gắn liền với văn hóa Ai Cập cổ đại và sông Nile. Năm mới của họ tương ứng với mùa lũ lụt hằng năm. Theo nhà văn La Mã Censorinus, năm mới của người Ai Cập được dự đoán khi Sirius - ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm - xuất hiện trở lại sau 70 ngày vắng bóng. Hiện tượng này thường xảy ra vào giữa tháng 7, ngay trước đợt ngập lụt hằng năm của sông Nile, giúp bảo đảm các vùng đất nông nghiệp vẫn màu mỡ trong năm tới. Người Ai Cập ăn mừng sự khởi đầu mới này bằng lễ hội Wepet Renpet, có nghĩa là “khởi đầu của năm”. Năm mới được coi là thời điểm của sự tái sinh và trẻ hóa. Nó được tôn vinh bằng những bữa tiệc và nghi thức tôn giáo đặc biệt.

Lễ kỷ niệm Janus của người La Mã cổ đại có tên bắt nguồn từ vị thần hai mặt Janus. Trong tôn giáo và thần thoại La Mã cổ đại, Janus là vị thần của sự khởi đầu, chuyển tiếp và kết thúc. Vị thần này thường được miêu tả có 2 khuôn mặt, một nhìn về tương lai và một nhìn về quá khứ. Janus được coi là biểu tượng nhìn lại cái cũ và hướng tới cái mới, ý tưởng này gắn liền với khái niệm chuyển đổi từ năm này sang năm khác.

Người La Mã sẽ kỷ niệm ngày 1 tháng 1 bằng cách dâng lễ vật cho thần Janus với hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ngày này được coi là tiền đề cho 12 tháng tới. Bạn bè, gia đình, láng giềng sẽ có một khởi đầu tích cực cho năm mới bằng cách trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp cùng món quà là trái sung và mật ong. Theo nhà thơ Ovid, hầu hết người La Mã cũng chọn làm việc trong ngày đầu năm mới vì sự lười biếng được coi là điềm xấu trong thời gian còn lại của năm.

Lễ hội Akitu là lễ hội lâu đời nhất được biết đến với các ghi chép có từ 4.000 năm trước ở Babylon cổ đại. Lễ hội Akitu diễn ra vào mùa xuân, đánh dấu sự tái sinh của thiên nhiên, sự tái lập vương quyền của thần linh và bảo đảm cuộc sống, vận mệnh của con người trong năm tới.

Sau kỳ trăng non đầu tiên sau điểm xuân phân vào cuối tháng 3, người Babylon ở vùng Lưỡng Hà cổ đại tôn vinh sự tái sinh của thế giới tự nhiên bằng lễ hội kéo dài nhiều ngày Akitu. Trong thời gian diễn ra lễ hội Akitu, tượng của các vị thần được diễu hành qua những đường phố và các nghi thức được thực hiện để tượng trưng cho chiến thắng của họ trước các thế lực hỗn loạn. Thông qua những nghi lễ này, người Babylon tin rằng thế giới đã được các vị thần thanh tẩy và tái tạo một cách tượng trưng để chuẩn bị cho năm mới và mùa xuân trở lại.

HOÀNG ĐẶNG (Theo History.com)

;
;
.
.
.
.
.