Một số người cho rằng, đêm khuya, phố phường im ắng, đường thông, hè thoáng thì xe cứu thương chẳng cần phải hụ còi inh ỏi để giành quyền ưu tiên cũng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ cấp cứu. Việc hụ còi trong thời gian này sẽ gây ảnh hưởng đến việc ngủ, nghỉ của những người ở hai bên đường xe chạy qua. Mới nghe thấy cũng có lý vì mỗi khi đường phố vắng vẻ cũng đồng nghĩa sự cản trở đối với xe cứu thương đã được giảm đi rất nhiều, song sự khách quan ấy chưa phản ánh một cách đầy đủ những tai ương khó lường trong thực tiễn.
Rủi ro, bất ngờ là sự tàng hình, luôn lởn vởn, quẩn quanh ở đâu đó nếu chúng ta bất cẩn chỉ cần trong tích tắc. Còn nhớ, trên địa bàn thành phố đã từng xảy ra vụ va chạm giao thông giữa hai xe cứu thương trên đường chở bệnh nhân đi cấp cứu tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu), vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm đường sá lúc đó rất vắng vẻ, cả hai xe không bật đèn chớp trần và một số người dân ở gần đó cho biết họ không hề nghe tiếng hụ còi của xe cấp cứu, mặc dù trong đó có một xe chở bệnh nhân từ quận Sơn Trà tới Bệnh viện Đà Nẵng. Rõ ràng trong vụ này chí ít có một lái xe đang chở người trên đường tới cơ sở y tế để cấp cứu, họ hoàn toàn được quyền bật đèn, hụ còi ưu tiên theo quy định của pháp luật nhưng chắc có lẽ do chủ quan đường vắng người, xe qua lại.
Điều 22 về “Quyền ưu tiên một số loại xe” của Luật Giao thông đường bộ thì xe cứu thương đang thi hành nhiệm vụ cấp cứu là một trong các xe được quyền ưu tiên. Xe cứu thương khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, đèn theo quy định, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào các đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Tại điều 3, Nghị định 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
Do được quyền ưu tiên như đề cập ở trên, xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu thường di chuyển với tốc độ cao nếu không sử dụng các tín hiệu đặc trưng được quyền thì khó bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Điều gì sẽ xảy ra nếu các phương tiện từ trong những kiệt, hẻm nhỏ bất ngờ lao ra khi ở ngoài đường có xe cấp cứu làm nhiệm vụ phóng nhanh mà không có còi hụ cảnh báo?
Đừng bao giờ tự tin đường quang, phố vắng thì xe cứu thương không nhất thiết phải hụ còi gây ồn ào phố xá, bởi tai nạn giao thông vẫn có thể xảy ra ở trong “cái khung” cứ tưởng không thể ấy. Âm thanh còi hụ của xe cứu thương sẽ vèo qua chóng vánh nhưng nếu tai nạn xảy ra thì hậu quả dễ gì vơi đi. Trở lại vụ tai nạn giữa hai xe cứu thương tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai, nếu hai xe đều chấp hành nghiêm túc việc hụ còi xe cứu thương theo quy định thì vụ tai nạn không thể xảy ra.
Điều 22, Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, xe cứu thương khi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, đèn. Cần hiểu chữ “phải” trong cụm từ này là yếu tố bắt buộc trong lúc xe cứu thương đang làm nhiệm vụ trên đường. Pháp luật có được thượng tôn nghiêm chỉnh hay không, trong đó phần quan trọng nhất là hiểu về các nội dung quy định. Không ai có quyền đứng trên pháp luật và thực hiện tùy tiện pháp luật.
THÁI MỸ