Nghề câu cá là kế mưu sinh của bà con làng biển từ xa xưa. Nay, đi câu trở thành thú vui tao nhã, là sự trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng cảm giác mới mẻ và không khí trong lành của những ngày sóng yên, biển lặng.
Tàu câu cá tại vịnh Đà Nẵng. Ảnh: T.M |
Ban ngày cá mới cắn câu
4 giờ sáng, anh em chúng tôi đã tập trung tại quán cà phê trên đường Như Nguyệt, phường Thuận Phước, quận Hải Châu để chuẩn bị rời bến. Khi anh Quốc, chủ tàu chuyển thùng nước đá xuống, chúng tôi ai nấy đều lỉnh kỉnh túi cần câu, thùng đựng cá và các vật dụng khác theo anh bước lên tàu. Con tàu rẽ sóng thẳng về phía cửa Hàn, vịnh Đà Nẵng khi sương đêm còn giăng giăng, hòa trời và biển cùng một màu trắng xóa.
Do làm nghề chuyên chở người đi câu nhiều năm nên anh Quốc đã tích lũy được không ít kinh nghiệm cho việc phục vụ anh em câu cá gần bờ. Tôi cũng là người theo anh Sáu Thước đi câu gần chục năm nên cũng chẳng xa lạ gì với con nước lớn, nước ròng nơi cửa biển và núi non quanh bán đảo Sơn Trà.
Khi mũi tàu còn cách phao tiêu hàng hải mà ngư dân đặt tên là “phao số 0” gần với dãy Hải Vân vài chục mét thì trời bắt đầu sáng rõ. Chiếc neo được thả xuống tại vị trí này với độ sâu chừng 30m.
Đây là vùng biển đáy cát, vào thời điểm từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 dương lịch năm sau xuất hiện loài cá ngân khá nhiều nên chúng tôi dùng loại cần thích hợp để câu.
Không giống như việc câu các loài cá khác bằng mồi tươi sống, câu cá ngân chỉ cần móc sợi dây mồi giả có từ 12-14 lưỡi câu mua ở chợ Hàn, thường gọi là dây câu lông, buộc cục chì ở đoạn cuối thả xuống nước rồi cầm cần nhấc lên, thả xuống.
Những sợi lông óng ánh của sợi dây câu đã làm cho các chú cá ngân lầm tưởng đây là những miếng mồi hấp dẫn nên lao vào đớp say sưa. Có những lúc cá ngân mắc mỗi lưỡi câu một con, khi kéo lên cá chạy lùng nhùng, vít cong cần như cánh cung làm cho người câu thích thú.
Những chú cá ngân thân tròn hơi dẹp, da trắng trơn nung núc thịt còn giãy đành đạch được chủ tàu bỏ ngay vào nồi lẩu đang sôi sùng sục cho bữa điểm tâm buổi sáng thật hấp dẫn.
Như trở thành quy luật, cá ngân tại khu vực xung quanh phao số 0 thường ăn mồi từ sáng sớm đến chừng 9-10 giờ trưa thì biệt tăm, ai kiên trì bám cần lắm may ra dính lèo tèo vài chú be bé, chẳng thấm tháp gì so với khi sớm.
Mặt trời lên càng cao, cá ngân càng biến mất, anh Quốc nhổ neo cho tàu tiến ra phía Hòn Chảo để anh em chúng tôi câu cá mú đỏ. Khác với cá ngân, cá mú đỏ chuyên ẩn nấp, kiếm ăn trong các bãi rạn lởm chởm đá dưới đáy biển.
Chính vì vậy nên việc câu cá mú cũng phải thay đổi “chiến thuật” mới bắt được chúng. Chỉ móc miếng mồi tôm lột hoặc con cá ve bằng đầu đũa vào hai chiếc lưỡi câu số 10, cách bên dưới chừng một gang tay buộc cục chì để tăng trọng cho chìm trong nước và thả câu từ từ xuống đáy nhử cá. Nằm trong các hốc đá, cá mú thấy mồi lơ lửng lao ngay ra đớp.
Tuy cá mú ăn mồi bất kể thời gian nào, song việc câu loài cá này cũng chẳng hề dễ dàng, bởi khi cá mú nằm trong các hang hốc phát hiện mồi liền lao ra đớp và chạy ngay vào kẽ đá.
Do cá dính lưỡi câu nằm trong hốc đá nên không thể kéo được đành phải bứt cước chấp nhận mất cả… cá lẫn chì mới có thể móc lại mồi câu con khác.
Lúc biết được cá cắn câu thì nhanh tay nhấc bổng cần lên cho cá không có thời gian kéo vào hang hốc rồi từ từ quay máy quấn cước để kéo cá lên mới hết trật. Cá mú đỏ tuy thân nhỏ nhưng thịt hơi dai, chắc, chế biến nhiều món ngon, những người sành ăn vẫn ghiền món canh măng chua cá mú đỏ.
Rọi đèn cho mực mới mau thấy mồi
Khi màn đêm trùm xuống, gió từ phía khơi xa thổi nhè nhẹ làm cho từng đợt sóng cứ mải miết ì oạp vào mạn tàu. Trên mặt biển vô vàn ánh đèn từ các chiếc thuyền câu nhấp nhô như những vì sao lấp lánh.
Một con cá phèn đá mắc câu. Ảnh: T.M |
Việc câu mực cũng được lựa chọn ở vùng nước khác hẳn với khu vực câu cá ngân, cá mú. Loài mực rất kỳ lạ, hễ thấy ánh sáng từ những chóa đèn chụp xuống mặt nước thì chúng mới xúm tới kiếm mồi. Đèn càng sáng, sức chiếu rọi càng sâu thì chúng tụ tập càng nhiều.
Câu mực đêm có phần đơn giản hơn câu các loại cá. Chỉ cần chiếc cần thân ngắn, đọt mềm, cước mảnh, móc cái lưỡi rườn 6 chấu có cọng nho nhỏ được dán giấy phản quang là xong.
Vùng nước có ánh sáng điện phủ xuống khi thả lưỡi rườn phản quang dưới làn nước biển trong veo sẽ ánh lên nhiều sắc màu nhằm đánh lừa mực. Cũng như cá ngân, mực cứ ngỡ đó là mồi xông tới ăn nên bị mắc câu.
Đêm câu mực đầu tiên, tôi bị mấy anh bạn trêu cười no bụng bởi khi biết mực vừa dính lưỡi, tôi quấn cước thật nhanh rồi đưa tay gỡ thì bị mực phun một vãi nước vào mặt cay xè, đành bỏ cần câu để lau chùi mắt mũi, con mực lại rơi tõm xuống biển. Hiện tượng này là bản năng tự vệ của mực.
Sau khi mực dính câu được kéo lên khỏi mặt nước chừng 2m, nó bắt đầu phun một làn nước mạnh như bình xịt và chỉ một lần thôi. Những tay câu có kinh nghiệm bao giờ cũng giơ cần để né đợi cho mực phun xong mới gỡ bỏ vào thùng đá.
Giống như câu cá, câu mực cũng nhờ vào sự may, rủi, có đêm bắt hàng ký nhưng cũng không ít bữa chỉ lác đác vài con, ngư dân thường bảo biển giả là thế. Con mực cũng có biểu hiện khó hiểu mà không ai giải thích được.
Nhiều đêm nhìn thấy mực bơi lội dày đặc dưới nước, song chúng lại không hề cắn câu, chỉ những lúc không ai trông thấy, chúng mới ăn mồi. Bàn luận về sự bí ẩn này, có người bảo do… thời tiết, do con nước.
Đêm bồng bềnh trên biển thật đẹp. Trên trời, dưới nước đều đầy sao. Từ Hòn Chảo nhìn vào phố phường Đà Nẵng giống như một tấm áo choàng đầy gấm hoa rực rỡ.
Con tàu cứ nhấp nhô nhịp nhàng theo từng đợt sóng, gió liu riu như bản hòa tấu không lời từ biển cả mênh mông. Bên cạnh cái cảm giác thích thú khi cá, mực cắn câu còn kéo theo những giờ phút bắt buộc phải kiên nhẫn, đợi chờ…
THÁI MỸ