Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi học đường, tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tình trạng này trở nên nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, quá tải học hành hay áp lực đối mặt với các kỳ thi… cũng khiến nhiều học sinh bị căng thẳng, khủng hoảng tinh thần.
Trường Tiểu học Nguyễn Du thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các trò chơi đầy ý nghĩa nhằm khơi dậy cho học sinh những cảm xúc tích cực để học tập tốt hơn. Ảnh: Đ.H.L |
Chia sẻ và đồng cảm
Trong mỗi giờ ra chơi, phòng y tế của Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) thường xuyên tiếp nhận sơ cứu cho các em bị trầy xước. Sau hơn một năm rưỡi học trực tuyến, tình trạng rối loạn tâm lý ở các em học sinh nhiều hơn, nhiều em bị mắc chứng tăng động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, cảm xúc và tự kỷ…
Vì lý do này, đầu năm học 2022-2023, mỗi ngày phòng y tế nhà trường sơ cứu một số ca do tăng động, may mắn thay, tình trạng này giảm dần cho đến nay. Các em chủ yếu bị trầy xước do tự té hoặc xô ngã hoặc đánh nhau do không kiềm chế được hành vi. Trong những trường hợp này, nếu không có sự giải quyết khéo léo của nhà trường sẽ dễ ảnh hưởng đến tâm lý của các em và gây ra mâu thuẫn với phụ huynh học sinh.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành thông tin, hiện nhà trường có khoảng 10 em có hành vi tăng động. Trong đó, khối lớp 1 có 4 em. Nhà trường theo sát các em cũng như phối hợp phụ huynh để các em được tư vấn, điều trị kịp thời. Đồng thời, nhà trường thường xuyên vận động phụ huynh trong lớp mở rộng vòng tay, chia sẻ với các bạn tăng động, chứ không để các em phải chuyển lớp, chuyển trường.
Trong những trường hợp không có tổng phụ trách đội thì cô hiệu trưởng phải trực tiếp xử lý tất cả các vụ việc lớn nhỏ khi các em tìm đến thưa gửi. Cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết, thời gian gần đây, mỗi năm học, nhà trường có khoảng vài em có biểu hiện tự kỷ ở nhiều dạng khác nhau như rối loạn hành vi, đánh bạn, trầm cảm…
Có trường hợp, một trẻ mới vào lớp 1 nhưng có biểu hiện thích gì làm nấy. Khi tìm hiểu ra mới biết hoàn cảnh gia đình em này rất đặc biệt, bố mất sau khi mãn hạn tù, mẹ phụ quán ăn, cô Lệ thường xuyên mời riêng em lên phòng cho em xem những bức hình để trò chuyện nhằm khơi gợi tình yêu thương, từ đó nhẹ nhàng khuyên nhủ. Bên cạnh đó, cô còn làm công tác tư tưởng với giáo viên chủ nhiệm và bộ môn để họ chia sẻ, đồng cảm và đồng hành với học sinh trong quá trình dạy học.
Đối với những bạn có hành vi đánh bạn trong lớp, cô hiệu trưởng thường trao đổi với giáo viên chủ nhiệm tìm giải pháp, sau đó phối hợp phụ huynh thực hiện các liệu pháp tâm lý để điều chỉnh hành vi cho học sinh. Đặc biệt, với những phụ huynh bức xúc, có lời lẽ khiếm nhã đối với học sinh đánh bạn, cô Lệ vận động phụ huynh nên có cái nhìn tích cực, cùng hỗ trợ các bạn hòa đồng nhằm tạo điều kiện cho học sinh vi phạm chuyển biến tốt hơn.
Tăng cường tư vấn tâm lý
Thực tế bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng trong thời gian qua cho thấy, hầu hết các em ở lứa tuổi cấp 1 thường rơi vào các trường hợp tăng động, chậm phát triển trí tuệ…; học sinh cấp 2 thì rối loạn hành vi, cảm xúc…; còn học sinh cấp 3 chủ yếu rối loạn lo âu, trầm cảm…
Giải thích về nguyên nhân xảy ra các trường hợp này, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Hải Vân, phụ trách mảng chăm sóc sức khỏe học đường, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho rằng, một phần là do tính cách hoặc do cơ sở bệnh lý nội sinh và yếu tố môi trường xung quanh.
Đặc biệt việc sử dụng internet với liều lượng quá nhiều cũng khiến các em tự thu mình lại. Bên cạnh đó, bố mẹ đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái cũng tạo áp lực cho các em, khiến các em thiếu tự tin dẫn đến lo âu, trầm cảm. Do đó, phụ huynh cần hiểu con và đồng hành, chia sẻ, động viên con nhằm tạo động cơ cho con tự tin học tập tốt hơn, tránh áp đặt, cấm cản.
Theo báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam (V-NAMHS) do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 18-11-2022, trong 12 tháng qua, 1/5 số trẻ vị thành niên Việt Nam (21,7%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó 1/30 đáp ứng các tiêu chí đối với rối loạn tâm thần (3,3%).
Lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%). Tuy nhiên, chỉ có 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Do đó, việc quan tâm tuyên truyền và tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh là nhu cầu bức thiết hiện nay.
Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 của ngành giáo dục nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tâm thần trong trường học. Theo đó, Bệnh viện Tâm thần liên kết Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khởi động chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường THPT bằng hội thảo “Chăm sóc sức khỏe học đường”.
Thông qua hội thảo này, Bệnh viện Tâm thần đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu 7 trường học của 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố ở các khối lớp 10, 11, 12 để đánh giá tình hình sức khỏe tâm thần của các em, đồng thời xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe học đường ở thành phố Đà Nẵng. Qua đó, thực hiện đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ trẻ và sinh viên tâm lý có kỹ năng để tuyên truyền về sức khỏe tâm thần và phương pháp vượt qua khủng hoảng tâm lý trong cuộc sống.
“Trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, chúng tôi đã mời hàng trăm giáo viên cấp 3 đến tham dự để nghe báo cáo về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần học đường, những vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp phải và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Ban đầu đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần, ai cũng ngỡ ngàng nhưng sau khi hiểu rõ thì họ thấy gần gũi.
Nhiều giáo viên chủ nhiệm còn mong muốn hỗ trợ con mình, từ đó giúp hiểu học sinh của mình hơn. Qua thực hiện chương trình, chúng tôi nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh rất cao. Chúng ta cần cung cấp kiến thức để giúp các em hiểu biết và phát hiện kịp thời những rối loạn của bản thân”, bác sĩ Trần Thị Hải Vân nhấn mạnh.
"Hiện nay, áp lực từ giáo viên, bạn bè cùng lứa tuổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều học sinh. Qua khảo sát nhu cầu, chúng tôi nhận thấy nhiều em không biết tìm ai để hỏi ngoài bạn bè. Do đó, việc cung cấp kiến thức cho các em để các em cùng chia sẻ cho nhau là rất cần thiết. Trong tháng 3 này, lực lượng bác sĩ trẻ và sinh viên tâm lý sau khi được Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đào tạo về kỹ năng chuyên môn sẽ đi về các trường phổ thông để tuyên truyền, tư vấn cho các em học sinh". Bác sĩ chuyên khoa II Lâm Tứ Trung, |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG