Yêu thương, an toàn và tôn trọng là 3 tiêu chí cốt lõi xây dựng trường học hạnh phúc. Dựa trên cơ sở này, nhiều trường học đã thiết kế các chương trình giáo dục phù hợp, tăng cường tính kết nối giữa thầy và trò, với thông điệp “trước khi chạm đến khối óc, hãy chạm đến trái tim mỗi người”.
Tăng cường các môn năng khiếu, nghệ thuật tạo cơ hội cho học sinh phát triển bản thân. Ảnh: T.Y |
Mang lại nhiều nụ cười
Đôi bàn tay lấm bẩn. Mặt lấm tấm mồ hôi. Tiếng cười rộn rã góc vườn. Thầy, trò cùng nhau nhổ cỏ, xới đất, trồng cây. Cạnh đó, mùi khoai, sắn, bắp nướng thơm lừng vấn vít. Vài chiếc lều vừa dựng lên dưới hàng dương… Những thú vị đó nằm trong buổi học ngoại khóa mang tên “Làm vườn và kỹ năng sinh tồn”, thuộc dự án “Ăn sạch, sống khỏe” của Trường Sky-Line Hill Hội An (Hệ thống Giáo dục Sky-Line).
Miệng cười không ngớt, Phạm Uyên Phương, học sinh lớp 5CLC nói mọi hoạt động diễn ra khá tuyệt vời. Khu vườn nằm ngay sau dãy học, nơi em có thể tưới nước và ngắm cây lớn mỗi ngày. Phương có cách đánh dấu riêng để biết cây nào do mình trồng. “Ngắm cây lớn thật thú vị. Đó là sự hồi hộp, mong chờ, hy vọng và cả lo lắng khi thấy trời mưa gió. Qua một đêm mưa, điều bật ra trong đầu em lúc thức dậy là không biết cây mình trồng có sao không. Quả thật điều này mang đến cho em thật nhiều cảm xúc”, Uyên Phương nói.
Làm vườn giúp mọi người gắn kết, học sinh có thể phụ thầy, cô nhổ cỏ, tưới nước và ngược lại. Từ lóng ngóng, vụng về, nhiều em đã thành thục các khâu xới đất, trồng và quy trình chăm sóc cây cối. Sau vài lần tham gia làm vườn tại trường, Đào Ngọc Khoa Nguyên, học lớp 4INT cho hay em đã có dịp “trổ tài” khi về nhà. Nguyên xin mẹ một chậu lớn, tách cây nhỏ trồng vào đó và chờ chúng lớn lên. Em chăm tưới vườn, phụ mẹ nhổ cỏ. Nhiều hôm, hai mẹ con vừa trồng cây, vừa líu ríu kể chuyện trường, chuyện lớp. Hơn hết, Nguyên vui vì có thể thoải mái khám phá bản thân.
Phương châm giáo dục của Sky-Line là học để sống hạnh phúc, nơi học sinh được đào tạo thành người có trách nhiệm, biết yêu thương, tự lập và hợp tác. Ngoài chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngôi trường này xây dựng nhiều tiết học năng khiếu, nghệ thuật, các môn học kỹ năng sống, cảm xúc xã hội, hoạt động ngoại khóa Tuần lễ công dân nhỏ nhằm giúp học sinh có thái độ sống tích cực, hài hòa, yêu thiên nhiên, yêu gia đình, trường lớp và mọi người xung quanh.
Thầy Lê Văn Cơ, giáo viên môn Làm vườn và kỹ năng sinh tồn cho hay, ngoài học cách làm vườn, nhận biết các loài thực vật (có độc và không độc), học sinh được dạy cách làm lều trại, giữ an toàn nếu đi lạc, kỹ năng ở nhà một mình, kỹ năng bơi lội, kỹ năng phản ứng với các trường hợp khẩn cấp… “Hầu hết các em rất hào hứng tham gia môn học trồng cây, sinh tồn, nơi bản thân có thể hình thành những phản ứng phòng vệ và phòng tránh sự việc tiêu cực có thể xảy ra”, thầy Lê Văn Cơ chia sẻ.
Là một trong số ít trường học tại Đà Nẵng có vườn thực hành rộng 10.000m2, Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Đức Trí thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho thầy và trò. Hoạt động dã ngoại và hoạt động trải nghiệm tại vườn thực hành được nhà trường xây dựng theo mô hình quân đội. Tại đây, học sinh được tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất giúp tăng cường thể lực, tăng khả năng chịu đựng, sẵn sàng đối mặt với các tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Dưới sự giúp đỡ, quan sát của thầy cô, học sinh tự mình giải quyết, vượt qua các tình huống sinh tồn. Để tạo không gian học tập lành mạnh, vui vẻ, nhiều năng lượng cho thầy và trò, khu vườn trồng nhiều cây ăn quả như nhãn, mít, mận, bưởi, ổi, cam, quýt, đu đủ, chuối. Có cả khu vực nuôi cá, trồng sen, súng và khu vực nuôi gà, vịt, heo, trồng nhiều loài hoa, rau sạch theo mùa.
Theo bà Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Đức Trí, song song hoạt động trải nghiệm, nhà trường tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng kỹ năng thực hành và tiếp cận khoa học, công nghệ mới. Hầu hết học sinh được trải nghiệm phương pháp thiết kế robot, thuyết trình song ngữ, thí nghiệm khoa học, khám phá thiên văn học, thiên nhiên…
Bên cạnh đó, nhà trường tích cực tổ chức các khóa học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thầy cô nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục mới. “Làm mới các tiết học ngoại khóa, tăng thời lượng thực hành đã giúp học sinh, giáo viên cười nhiều hơn, gắn kết hơn. Theo tôi, môi trường học tập hạnh phúc phải tạo ra những con người hạnh phúc, nơi học sinh, giáo viên cùng lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau”, bà Nga nói.
Tăng tính kết nối giữa thầy và trò
Mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai năm 2019, góp phần thay đổi quan điểm dạy và học ở nhiều trường, cơ sở giáo dục cả nước. Trong 21 tiêu chí đi kèm, các chuyên gia giáo dục đánh giá cao 3 tiêu chí: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Dựa vào đó, đã có nhiều nét đổi mới trong phương pháp giáo dục hiện đại.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, mỗi ngày đến trường là một ngày vui luôn là mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục. Giá trị cốt lõi đó không dành riêng cho học trò, mà còn cho mỗi thầy, cô trong môi trường sư phạm. Do vậy, trong kế hoạch, mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, Đà Nẵng tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Thành lập tổ tư vấn tâm lý trong các đơn vị, trường học; phát động phong trào nói lời hay, làm việc tốt; mở cửa thư viện; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa; khéo léo phòng ngừa, tư vấn, xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ… Bà Thuận nói thêm, để vận hành tốt hệ thống giáo dục này, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường tăng cường hoạt động nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực.
Trong một hội thảo về giáo dục diễn ra tại Đà Nẵng năm 2022, nhiều thầy cô mong mỏi trường học sẽ là nơi bản thân và học sinh được sống trong tri thức, chia sẻ và yêu thương. Câu hỏi được đặt ra là, ở đó, người thầy có thể làm gì để giúp học sinh không cảm thấy bị áp lực bởi điểm số, thành tích và có quỹ thời gian vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi cho trẻ. Đã có rất nhiều tiếng vỗ tay vang lên, khi một cô giáo đứng lên nói rằng, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi người thầy cần biết điều chỉnh cảm xúc, công bằng, không tạo áp lực cho trẻ.
Chính sự yêu thương, kết nối, hỗ trợ, lắng nghe, sẽ giúp kéo gần khoảng cách giữa thầy và trò. Muốn làm được điều này, hiệu trưởng mỗi trường cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, nơi tất cả học sinh, giáo viên đều được lắng nghe và thấu hiểu. Chỉ như vậy, trường học mới có thêm nhiều tiếng cười, không chỉ của học sinh.
Quan điểm này cũng được ông Lê Đức Kế, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đồng tình. Theo ông, đổi mới tư duy giúp thay đổi cách tiếp cận kiến thức của cả thầy lẫn trò. Môi trường lớp học chỉ thật sự hạnh phúc khi nó được tạo nên bởi những hành vi chuẩn mực, tôn sư trọng đạo, nơi thầy cô giáo là tấm gương về tri thức, lối sống, đạo đức, nơi học trò ngoan ngoãn, yêu thương, kết nối.
Dựa trên những tiêu chí đó, tùy trường hợp cụ thể, mỗi trường sẽ xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, tăng cường tính kết nối, với thông điệp “trước khi chạm đến khối óc, hãy chạm đến trái tim của mỗi người”. Nơi đó, giáo viên đóng vai trò người dẫn dắt, định hướng, cố vấn, thay vì ép học sinh tuân theo những quy định cứng nhắc, không phù hợp.
TIỂU YẾN