Thực tiễn cuộc sống cũng như nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đòi hỏi nhà trường phải làm tốt hơn công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng, chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Dẫu vậy, nguồn nhân lực cũng như kinh phí đầu tư trang thiết bị cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, có sự khác nhau giữa các trường, các cấp.
Y tế học đường góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh và thân thiện. TRONG ẢNH: Học sinh trong giờ học tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu). Ảnh: K.H |
Tấm lá chắn an toàn cho học sinh
Thực tế tại các trường THPT, THCS cũng như khối tiểu học cho thấy, trong quá trình học tập tại trường, không ít trường hợp học sinh bị chấn thương liên quan tới hoạt động thể thao, ngã, va đập, bạo lực học đường, thậm chí điện giật, bỏng, ngộ độc thức ăn… Những thương tích trên có thể phòng tránh được nếu thầy, cô giáo, cha mẹ và các em có ý thức, thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng ngừa.
Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, tỷ lệ bệnh tật lứa tuổi học đường ngày càng tăng cao như tật khúc xạ, bệnh răng miệng, thừa cân, béo phì, rối loạn tâm thần học đường, bạo lực học đường… Tất cả những thực trạng nói trên càng cho thấy vai trò quan trọng của y tế học đường nhằm góp phần xây dựng toàn diện môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và hạnh phúc.
Ở khối THPT và THCS, hoạt động y tế học đường gắn với xử lý các sự vụ liên quan đến các tai nạn, chấn thương, bạo lực học đường hay các căn bệnh bộc phát bất ngờ của học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) chia sẻ, nhà trường luôn dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động y tế học đường.
Đặc biệt, từ khi hoạt động này được phụ trách bởi một y sĩ từng có nhiều năm công tác tại một cơ sở y tế có uy tín trên địa bàn thành phố, nhà trường yên tâm và chủ động hơn khi xử lý sơ cứu kịp thời và ngay lập tức các trường hợp học sinh bị bệnh hoặc tai nạn trong trường học trước khi chuyển đến cơ sở y tế để khám, điều trị.
Với khối tiểu học, do các em còn trong độ tuổi non nớt, vai trò của y tế học đường càng nổi trội, gần như bao trùm toàn bộ hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh khi thời gian học bán trú tại trường kéo dài xuyên suốt cả ngày. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà), hằng năm, nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần cho toàn bộ học sinh, trong đó, chú trọng đến các bệnh lý thường gặp ở độ tuổi tiểu học là mắt, béo phì và cột sống.
Hiện nay, 100% học sinh của trường tham gia bảo hiểm y tế, 70% bảo hiểm thân thể, nhà trường có một cán bộ y tế có chuyên môn, bằng cấp đầy đủ để chăm lo cho hoạt động y tế học đường; lồng ghép các buổi sinh hoạt dã ngoại, hướng dẫn các em cách phòng chống tai nạn, thương tích trong những hoạt động ngoại khóa.
Ngoài việc thăm khám sức khỏe, nhà trường có sự đầu tư, thay đổi về cơ sở vật chất, nhất là độ cao của bàn ghế để phù hợp với chiều cao, cân nặng trung bình của học sinh. Đồng thời, tiến hành cắt tỉa các cây xanh trong sân trường, thay bóng đèn mới ở các lớp học, vệ sinh sạch sẽ cảnh quan môi trường nhằm không để xảy ra các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Nhà trường cũng trích một phần kinh phí bảo hiểm y tế để trang bị tủ thuốc tại trường, tại các lớp học. "Ở độ tuổi tiểu học, các em chưa hoàn thiện các kỹ năng tự chăm sóc bản thân nên nhà trường luôn chú trọng việc giữ gìn cho các em một môi trường sinh hoạt an toàn.
Thường ngày, ở lớp học, cô giáo chủ nhiệm và cô quản sinh chăm lo từng chút cho việc học cũng như các bữa ăn của học sinh; vệ sinh thường xuyên bàn ghế, các dụng cụ các em sử dụng hằng ngày. Đặc biệt, khu vực nhà vệ sinh, bồn rửa tay luôn được chú trọng vệ sinh sạch sẽ để giữ gìn vệ sinh chung”, thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
Là phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà), chị Nguyễn Bảo Thục Quyên bộc bạch, phần lớn thời gian trong ngày, con học tập, ăn, ngủ, nghỉ tại trường nên sức khỏe, an toàn của con phần lớn đều “trông cậy” vào sự quan tâm, chăm sóc của thầy, cô giáo. Đầu năm học 2022-2023, từ đợt khám sức khỏe tại trường, gia đình mới biết được cháu bị cận gần 2 độ. Nếu nhà trường không phát hiện và thông báo kịp thời, e rằng tình trạng sẽ tệ hơn.
Đóng vai trò quan trọng và được các trường, cấp học quan tâm nhưng trên thực tế, hoạt động y tế học đường vẫn còn một số hạn chế như một số trường học chưa có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, khó và thiếu cán bộ y tế có chuyên môn tốt để phụ trách hoạt động này, nguồn kinh phí chi cho hoạt động y tế học đường còn hạn hẹp...
Cần đầu tư hơn nữa
Xác định công tác y tế học đường đóng vai trò quan trọng trong xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực, ngành giáo dục thành phố có nhiều chương trình, hoạt động để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động này. Trong đó, có “Dự án chăm sóc mắt học đường tại thành phố Đà Nẵng” do Ngân hàng Standard Chartered và Quỹ Fred Hollows của Úc tài trợ với kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Mắt và trung tâm y tế các quận cử cán bộ tham gia báo cáo chuyên đề tại các lớp tập huấn cho nhân viên y tế, báo cáo chuyên đề tại các hội thảo và phối hợp khám sàng lọc tại các nhà trường, tổ chức khám chuyên khoa các bệnh về mắt và tật khúc xạ cho học sinh.
Nhìn nhận về vai trò của y tế học đường, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Giáo dục chính trị, học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố) cho rằng, hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường, xây dựng khung dinh dưỡng - y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước.
Nhân viên y tế trong trường học phải là những người có năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh việc sơ cứu, khám, tư vấn còn là vấn đề an toàn thực phẩm, một yếu tố còn nhiều lo ngại hiện nay. Ở một số trường học, nhân viên y tế chính là người giám sát khâu vệ sinh và lưu mẫu thức ăn hằng ngày để kiểm tra nếu không may xảy ra ngộ độc. Nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc phòng các bệnh trong trường học như sốt xuất huyết, cúm A, bệnh tay - chân - miệng, viêm màng não mô cầu...
Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là người chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của học sinh trong suốt năm học thông qua bệnh án được khám bệnh vào mỗi đầu năm. Chính những nhiệm vụ nặng nề đó, nhân viên y tế trong nhà trường phải được tập huấn, cập nhật thường xuyên kiến thức y khoa nhằm bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe học đường được hiệu quả nhất.
Từ thực tế công tác y tế học đường cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động này, thiết nghĩ cần phải bắt đầu từ chính ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường phải là nơi tổ chức, đáp ứng trực tiếp việc bảo đảm, rèn luyện và nâng cao sức khỏe của học sinh bằng những việc làm cụ thể từ tuyển dụng nhân viên, đầu tư, trang thiết bị, triển khai thiết thực các hoạt động y tế học đường có ích cho học sinh.
Ngoài ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh cũng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của y tế học đường để sẵn sàng phối hợp xây dựng kế hoạch, đồng thời, đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung phù hợp với tình hình, đặc điểm giáo dục của từng địa phương, từng cấp, từng ngành học.
KHÁNH HÒA