Ludwig van Beethoven, nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, tác giả của nhiều tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển nhân loại, đã tạ thế ở Vienna (Áo) gần 200 năm trước. Nhưng mãi tới nay, người ta mới khám phá ra được một số manh mối có thể có liên quan tới nguyên nhân cái chết của ông bằng các kết quả phân tích gene từ tóc của nhà soạn nhạc này.
Những sợi tóc xác định của Beethoven đã được phân tích trong nghiên cứu. Ảnh: Anthi Tiliakou/Max Planck Institute For The Sci/Afp Via Getty |
“Bệnh tình của Beethoven đã hạn chế rất nhiều công việc sáng tạo của ông ấy, và với các bác sĩ, điều gì thực sự phía sau đó vẫn luôn là một bí ẩn”, một trong các nhà nghiên cứu dự án giải mã gene từ tóc của Beethoven nói với tạp chí People. Thực tế, suốt gần hai thế kỷ qua, các nhà tiểu sử học đã cố tìm cách lý giải các nguyên nhân khiến Beethoven qua đời ở tuổi 56.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã dùng kỹ thuật giải trình tự gene của Beethoven với việc sử dụng một số món tóc đã được chứng thực của ông để tìm lời giải cho những thắc mắc nói trên. Tình trạng tổn thương gan, hay bệnh xơ gan, là nguyên nhân gần như chắc chắn đã dẫn tới cái chết của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức. Chứng bệnh này bắt nguồn từ một số nguyên nhân, trong đó có thói quen uống rượu, theo nhóm nghiên cứu. “Chúng tôi quan sát các nguyên nhân di truyền có thể của ba hội chứng chính của ông ấy: sự mất thính lực tăng dần, các triệu chứng ở đường tiêu hóa, và bệnh gan - rốt cuộc đã dẫn tới việc ông ấy qua đời vì suy gan”, ông Markus Nothen thuộc Viện di truyền học con người thuộc Đại học Bệnh viện Bonn và một trong các tác giả của nghiên cứu chia sẻ với Hãng tin AFP.
Cũng theo ông Nothen, Beethoven có “một kiểu gen rất dễ mắc bệnh gan”, và nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy các trình tự trong đoạn gene của virus viêm gan B trong tóc ông ấy. “Chúng tôi tin là căn bệnh phát sinh từ sự tác động qua lại của đặc điểm di truyền, thói quen uống rượu kinh niên đã được chứng minh trong các tài liệu còn lưu lại, và việc nhiễm virus viêm gan B”, ông Nothen nói.
Chuyên gia hóa sinh Johannes Krause thuộc Viện Nghiên cứu Nhân chủng Tiến hóa Max Planck (Đức) cho rằng virus viêm gan B “có thể rất phổ biến vào khoảng đầu thế kỷ 19”. “Ít nhất là trong vài tháng cuối cùng trước khi chết, ông ấy đã bị nhiễm virus viêm gan B”, ông Krause nói.
Dù vậy, trong nghiên cứu về nguyên nhân cái chết của nhà soạn nhạc Beethoven đăng trên tạp chí Current Biology ngày 22-3, nhóm tác giả vẫn chưa thể xác định được liệu có nguyên nhân nào về di truyền đã gây ra chứng mất thính lực tăng dần và rốt cuộc đã khiến Beethoven bị điếc vào năm 1818 không. Họ cũng chưa rõ nguyên nhân nào đã gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa với nhà soạn nhạc.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 8 món tóc được cho là của Beethoven thu thập từ các bộ sưu tập công và tư trong khoảng từ tháng 11-1821 đến khi Beethoven mất vào tháng 3-1827. Họ khẳng định được 5 trong số đó “gần như chắc chắn là thật”, theo nghiên cứu sinh Tristan Begg, cũng là tác giả chính của nghiên cứu. “Vì chúng tôi đã tái lập bản đồ gene từ những đoạn trình tự DNA siêu ngắn, chúng tôi chỉ có thể tự tin sơ đồ hóa được khoảng 2/3 trong đó”, ông Begg nói với AFP.
Một trong những sợi tóc nổi tiếng nhất có tên “Hiller lock” là chủ đề của một nghiên cứu trước đây được phát hiện có hàm lượng chì cao. Tuy nhiên sợi tóc này sau đó được xác định không phải của nhà soạn nhạc mà là của một phụ nữ.
Trần Đắc Luân
Nguyện vọng của Beethoven Nhà soạn nhạc Beethoven sinh năm 1770 tại thành phố Bonn (Đức), mất năm 1827. Ở nhiều giai đoạn khác nhau trong đời ông đã gặp các vấn đề sức khỏe như bệnh đường ruột và chứng vàng da. Theo ông Begg, “có những giai đoạn bệnh nặng tới mức ông không thể làm việc, một khoảng thời gian bệnh nặng kéo dài cả tháng với ông là vào mùa xuân năm 1825”. Trong lá thư gửi năm 1802 cho các anh em trai, Beethoven đã đề nghị rằng các vấn đề sức khỏe của ông, nhất là chuyện mất thính lực, cần được mô tả sau khi ông chết. “Ông ấy muốn sau khi chết được khám nghiệm tử thi”, chuyên gia Krause nói rồi tiếp: “Và có lẽ, về cơ bản thì chúng tôi đã hoàn thành nguyện vọng của ông ấy ở một mức độ nào đó với dự án nghiên cứu này”. |