Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều vùng ven thành phố được mở rộng và khoác lên mình chiếc áo mới với những khu đô thị khang trang, hiện đại. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu đặt tên đường, tên phố ngày càng gia tăng. Cũng như một con người tồn tại bởi lịch sử dòng họ và gia đình thì việc đặt tên đường rất quan trọng vì mang lại ý nghĩa về giá trị văn hóa, lịch sử của một địa phương.
Khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 1 được đặt tên đường trên sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Ảnh: Đ.H.L |
Ưu tiên lấy tên địa danh lịch sử
Câu chuyện đặt tên đường, tên phố dường như vẫn còn nóng hổi khi chúng tôi về phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Mảnh đất này trước đây là xã Hòa Phụng được biết đến là “đất nghèo sinh những anh hùng, từ trong khói lửa mà vùng đứng lên”. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, mỗi tấc đất trên địa bàn phường thấm máu và nước mắt của các thế hệ cha anh với những chiến công vang dội. Có lẽ vì vậy mà sau khi quy hoạch, nhiều tên địa danh mang trong mình sứ mệnh lịch sử luôn được chính quyền và các cán bộ cách mạng lão thành muốn lưu giữ lại cho thế hệ mai sau nhưng cũng gặp không ít tranh cãi.
Còn nhớ vào năm 2022, ở khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò, các vị bô lão muốn đặt tên Bờ Quan, Hói Kiểng để lưu giữ tên đất, tên làng thì một số người dân vẫn chưa đồng tình vì cho rằng cái tên nghe không được hay. Vì vậy, lãnh đạo phường Hòa Quý phải họp các chi bộ khu dân cư, tổ dân phố để giải thích cho người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa di tích lịch sử của tên gọi vùng đất này và đi đến thống nhất cao, từ đó đề xuất UBND quận Ngũ Hành Sơn và HĐND thành phố thông qua. Cũng có trường hợp, người dân đề xuất đặt tên địa danh cho một số tên đường trong khu dân cư nhưng khi tìm chứng tích địa danh thì không rõ, trong khi những người đề nghị đặt tên đường đã chuyến đến địa bàn khác sinh sống nên chưa thể đặt tên.
Hiện nay, trên địa bàn phường Hòa Quý có nhiều khu đô thị mới ra đời khiến nhu cầu đặt tên đường rất cao như khu đô thị dầu khí, khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò và các khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3. Chia sẻ về quá trình đặt tên đường trên địa bàn phường, ông Cao Xuân Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, những tuyến đường ở các khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 1, giai đoạn 2 hiện đã đặt tên gần hết, chỉ còn khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 3, khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò mới đặt được một số tên đường và đang tiếp tục xem xét đề nghị quận và thành phố đặt tên. Trong năm 2020, phường có 2 tuyến đường mới được đặt tên nhưng sang năm 2021 có 31 tuyến đường được đặt tên và năm 2022 có 39 tuyến đường được đặt tên.
Dù vậy, đến nay phường vẫn còn hơn 50 tuyến đường ở các khu dân cư chưa được đặt tên. Đối với những tuyến đường đã khớp nối điểm đầu điểm cuối thì UBND phường chỉ đạo cán bộ địa chính làm việc với khu dân cư đề xuất trình quận, thành phố đặt tên. Sau khi có quyết định đặt tên đường, phường sẽ mời các tổ dân phố lên làm việc để triển khai cho người dân gắn số nhà.
“Hầu hết các tuyến đường lớn trên địa bàn phường đều lấy tên đường theo ngân hàng tên đường của quận và thành phố. Còn những tuyến đường 5m5, 7m5, UBND phường thống nhất đặt tên theo địa danh cũ tại tuyến đường đó. Ngay cả những khu dân cư chưa quy hoạch nhưng bảo đảm đúng theo quy định Nhà nước thì cũng được phường đề xuất thành phố đặt tên, ví dụ như đường Bình Kỳ, Lưu Quang Vũ. Đối với những tuyến đường bê-tông kiệt, hẻm, UBND phường làm việc với các chi bộ, tổ dân phố 8 khu dân cư của 117 tuyến để đặt tên kiệt, hẻm và tiến hành đánh số nhà. Hiện các tuyến đường ở các khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3 đều được người dân nhất trí cao khi đặt tên địa danh địa phương”, ông Cao Xuân Tuấn nhấn mạnh.
Là người thường xuyên tiếp xúc với người dân trong việc khảo sát các tuyến đường đã khớp nối để đề xuất đặt tên đường, ông Lê Văn Tường, công chức địa chính UBND phường Hòa Quý cho biết, sau khi phối hợp Phòng Quản lý đô thị quận đi khảo sát, vẫn còn một số tuyến đường khu Mân Quang ở khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 3 vẫn chưa khớp nối đồng bộ, thiếu lề, điện… nên chưa thể đặt tên; một số tuyến khác ở khu đô thị ven sông Hòa Quý - Đồng Nò, dân cư vẫn còn thưa thớt. Vì vậy, trong tháng 6 năm 2023, UBND phường sẽ tổng hợp lại những tuyến đường nào đã khớp nối điểm đầu điểm cuối thì sẽ đề xuất quận và thành phố đặt tên đường. Đặc biệt, những tuyến đường rộng nhưng chưa có lề đường, không bảo đảm lộ giới theo quy định thì sẽ tiếp tục nâng cấp mở rộng để tiến tới đặt tên đường nhằm xóa bớt kiệt, hẻm.
Bảo đảm nguồn Quỹ tên đường
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các tuyến đường ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê đã được đặt tên. Việc đặt tên đường hiện nay chủ yếu tại các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu… Trong thời gian tới, nhu cầu đặt tên đường dự báo sẽ còn tăng cao sau khi huyện Hòa Vang được điều chỉnh mở rộng quy hoạch thành phố.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, để đáp ứng nhu cầu thực tế của việc đặt tên đường, thành phố thường xuyên chủ động trong việc bổ sung nguồn Quỹ tên đường. Căn cứ quy định cụ thể về đặt tên đường theo danh nhân, địa danh tại Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được ban hành tại Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND ngày 4-11-2019 của UBND thành phố Đà Nẵng thì Quỹ tên đường hiện nay vẫn bảo đảm cung ứng cho công tác đặt tên đường.
Bà Dương Lê Phương, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, từ thực tiễn của địa phương, sở đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Đà Nẵng. Nhờ đó, công tác phối hợp trong việc đặt đổi tên đường được thực hiện khá chặt chẽ.
“Để chủ động trong việc đặt đổi tên đường trên địa bàn thành phố, ngoài hình thức xây dựng nguồn Quỹ tên đường, hằng năm Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu, đề xuất UBND thành phố để có các văn bản hướng dẫn cụ thể gửi UBND các quận/huyện và các ban quản lý dự án thực hiện lập hồ sơ đề xuất đặt tên đường để làm cơ sở xây dựng Đề án đặt tên đường, đề xuất thành phố trình HĐND xem xét, quyết định đặt tên”, bà Dương Lê Phương chia sẻ.
Hiện nay, thành phố chủ trương ưu tiên đặt tên đường theo hình thức đặt tên danh nhân nơi sinh sống hoặc nơi hoạt động sự nghiệp chính của nhân vật liên quan đến địa phương. Điều ngày giúp việc đặt tên đường ở các khu đô thị mới dễ tìm, dễ nhớ. Thành phố cũng thực hiện quy hoạch đồng bộ, ổn định các tuyến đường tại khu đô thị mới, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch làm phát sinh các tuyến đường ngắn nhỏ, ảnh hưởng đến việc đánh số nhà. Đối với các tuyến đường có quy mô lớn, việc đặt tên danh nhân phải được thực hiện phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, website, cổng thông tin điện tử... để người dân được hiểu rõ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG