Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 17-6, Bảo tàng Đà Nẵng khai mạc triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3” với bộ sưu tập 70 hiện vật được chọn lọc từ nhiều loại hình, chất liệu khác nhau có niên đại từ thế kỷ XV đến thời nhà Nguyễn của các nhà sưu tập tư nhân cổ vật trên địa bàn.
Cổ vật chóe có nắp, gốm sứ Trung Quốc (ảnh trái) có niên đại từ thế kỷ XVII-XIX của nhà sưu tập Phạm Phú Khánh và bộ đĩa gốm Chu Đậu của nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên có niên đại từ thế kỷ XVI-XVII. Ảnh: H.V |
Triển lãm chuyên đề “Sưu tầm cổ vật người Đà Nẵng lần thứ 3” giới thiệu đến công chúng 70 hiện vật của các nhà sưu tập cổ vật như: Hồ Anh Tuấn với bộ sưu tập đồ cổ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là gốm sứ, đồ gỗ chạm khắc, khay vuông khảm ốc, tráp khảm ốc đựng vật dụng ăn trầu, tráp sơn mài thếp vàng chạm điển tích “Ngư, tiều, canh, độc”, tất cả theo nguyên tắc đẹp, đặc trưng và hiếm; nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên với gốm Chu Đậu niên đại từ thế kỷ XVI-XVII; nhà sưu tập Phạm Phú Khánh với gốm sứ Trung Hoa thế kỷ XVII-XIX gồm Chóe có nắp, chậu Thủy Tiên, tiềm có nắp; nhà sưu tập Lê Phước Quang với bộ sưu tập đèn dầu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa với bộ sưu tập tiền cổ…
Nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa (43 tuổi) cho biết, ông dành tình yêu và tâm sức để tìm kiếm, sưu tầm các loại tiền trên thế giới. Đặc biệt, phải kể đến bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam gắn liền với chiều dài lịch sử hình thành, dựng nước và giữ nước. Từ những đồng tiền xu đúc từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (970-979) với hiệu tiền “Thái Bình Hưng Bảo” cho đến trước thời kỳ Pháp thuộc cũng như những đồng tiền của đất nước khi 2 miền còn chia cắt và sau này là bộ sưu tập tiền đầy đủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, ông có bộ sưu tập tiền xưa đa dạng, quý hiếm và khá nổi tiếng trong giới sưu tập tiền cổ tại Đà Nẵng.
“Qua buổi triển lãm, chúng tôi nhận thấy phần trách nhiệm chung tay với ngành văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Mong muốn bộ sưu tập được lưu giữ tốt nhất, chúng tôi sẽ hiến tặng toàn bộ cổ vật cho Bảo tàng Đà Nẵng để tiếp tục trưng bày, giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế khi đến đây”, ông Hòa nói.
Trong khi đó, nhà sưu tập Phạm Phú Khánh (63 tuổi) cho hay, ông đã có thú sưu tầm gốm sứ Trung Hoa từ thời còn trai trẻ. Không chỉ sưu tầm, ông còn học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về các đề tài, điển tích, xuất xứ của cổ vật và đây là yếu tố khiến cổ vật trở nên có hồn hơn.
Trong không khí rộn ràng buổi triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3” tại Bảo tàng Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Liên (50 tuổi, quận Hải Châu) cho hay: “Tôi rất mê đồ cổ, đặc biệt là đồng xu, bình gốm. Tuy đồ cổ có hoa văn chạm trổ giản dị nhưng đối với tôi nó lại quyến rũ và sắc nét vô cùng. Tôi bắt đầu niềm đam mê đồ cổ bằng sự tò mò và thường tìm hiểu đồ cổ qua các niên đại trên mạng xã hội, bảo tàng hay giao lưu học hỏi kiến thức các thành viên có niềm đam mê giống tôi. Thông qua một người bạn trong hội chơi đồ cổ, tôi hay tin bảo tàng Đà Nẵng khai mạc triển lãm ngày cuối tuần nên liền đến tham quan. Được thưởng lãm tất cả các cổ vật được trưng bày theo từng nhà sưu tập và chú mục cụ thể, tôi càng thêm yêu và trân trọng những kỷ vật mà cha ông để lại”.
Đang say sưa ngắm nhìn bộ sưu tập của nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên, sinh viên Trần Thị Nguyệt, Nguyễn Trúc Linh, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng khoe: “Tụi em có cùng sở thích đi tìm và nghiên cứu những món đồ cổ. Ngoài ra, em có lập một nhóm nhỏ gồm 6 bạn thường vẽ chân dung đồ cổ như chén, đĩa, tô, bình hoa, tiềm có nắp… Tụi em rất vui khi đến dự khai mạc và trò chuyện cùng các nhà sưu tập cổ vật để hiểu rõ hơn về quá trình sưu tầm cũng như làm sao cất giữ hiện vật được lâu”.
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3” nằm trong chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn và chào mừng Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2023. Song song, tiếp nối thành công hai cuộc triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng” năm 2012 và 2017, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục phối hợp các nhà sưu tập tâm huyết tổ chức triển lãm với đa dạng hiện vật, hình dáng, kích thước.
“Thành phố Đà Nẵng là nơi quy tụ đông đảo nhà sưu tập cổ vật tư nhân và thành lập nên nhiều chi hội như chi hội Di sản Văn hóa Sông Hàn, chi hội cổ vật Đà Thành thuộc Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng. Vì vậy, các nhà sưu tập tư nhân chính là cánh tay cùng với ngành văn hóa giữ gìn di sản quý báu. Triển lãm sẽ là một cuộc du ngoạn về quá khứ, phục vụ nhu cầu thưởng lãm của công chúng về vẻ đẹp cổ vật các bộ sưu tập của người Đà Nẵng. Đồng thời, những hiện vật chính là lời kêu gọi, nhắc nhở tất cả chúng ta tiếp bước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, ông Thiện chia sẻ.
Từ chiều 17-6 đến hết ngày 17-7, tại Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp các nhà sưu tập tư nhân trên địa bàn thành phố tổ chức triển lãm chuyên đề “Sưu tập cổ vật của Người Đà Nẵng lần thứ 3”. |
HUỲNH VŨ