Người tạo dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

.

Charles Lemire (1839-1912) là công sứ Pháp làm việc cho chính quyền thực dân Pháp. Ngoài công việc chính của một quan chức, ông còn là nhà sưu tầm các tác phẩm điêu khắc Chăm, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư chuyên chụp về các công trình kiến trúc Chăm tại miền Trung và một số mảng đề tài về Tây Nguyên. Ông cùng Henry Parmentier đặt nền móng cho việc tạo dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đặc biệt, Charles Lemire đã để lại nhiều bộ ảnh, bức ảnh tư liệu quý giá trong quá trình theo đuổi đam mê khám phá những tinh hoa di sản xứ thuộc địa.

Chân dung Charles Lemire (ảnh trái) và những tác phẩm điêu khắc Chăm trưng bày tại Công viên Tourane, tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.  Ảnh do Charles Lemire chụp, Thư viện Quốc gia Pháp công bố
Chân dung Charles Lemire (ảnh trái) và những tác phẩm điêu khắc Chăm trưng bày tại Công viên Tourane, tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh do Charles Lemire chụp, Thư viện Quốc gia Pháp công bố

Năm 1891, Lemire làm công sứ Pháp tại Touranre (Đà Nẵng) và Faifo (Hội An). Ông là người đặt nền móng trong việc hình thành ý tưởng xây dựng bảo tàng văn hóa Champa. Năm 1892, Lemire vận chuyển 50 bức tượng điêu khắc Champa về Công viên Touranre. Sau đó, ông tiếp tục sưu tầm và bổ sung vào bộ sưu tập lên đến 90 hiện vật điêu khắc Champa. Công viên này cũng nằm tại vị trí sau này thành phố xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Năm 1893, Lemire kiến nghị lên quan chức chính quyền thuộc địa về việc xây dựng một bảo tàng để lưu giữ an toàn những tác phẩm điêu khắc thay cho khu trưng bày ngoài trời một cách sơ sài ở Công viên Touranre.

Bên cạnh chăm lo gầy dựng bộ sưu tập điêu khắc Chăm tại Công viên Touranre, ông còn đưa vào ống kính nhiều bức ảnh tư liệu giá trị và chân thật nói lên hiện trạng, cảnh quan thuở ban đầu của một khu trưng bày sơ khai, tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đó là những bức ảnh toàn cảnh về một “bảo tàng ngoài trời” đầy ắp các tác phẩm điêu khắc Chăm và những bức ảnh đặc tả một số nhóm tượng được bố trí, sắp xếp một cách ngẫu nhiên của người sưu tầm cổ vật.

Đáng chú ý là những bức ảnh đen trắng và ảnh màu của Charles Lemire chụp vào tháng 4-1892 trong Công viên Tourane. Bức ảnh đen trắng với nhiều bức tượng điêu khắc Chăm, bìa bên phải có một em bé đang ngồi chơi trên bệ của bức tượng Thần hộ pháp. Bức ảnh màu chụp một nhóm tượng, phía dưới ảnh là mi cửa (lintel) thể hiện phù điêu sinh hoạt cung đình với các nhạc công, vũ nữ đang biểu diễn, đồng thời cũng là bệ đặt bức tượng nữ thần Uma (Thần Chiến thắng). Bên phải bức ảnh là phù điêu Kala, bên trái là tượng tu sĩ, cả hai đều được đặt trên bệ, cũng là tác phẩm điêu khắc. Đặc biệt nhất là bức ảnh chụp các bộ phận của đài thờ Trà Kiệu (Bảo vật Quốc gia) mà ông đã mang về nơi đây vào tháng 12-1891 và tháng Giêng năm 1892.

Qua ảnh có thể nhận biết, khi phát hiện, các bộ phận của đài thờ bị tách rời nhau. Sau đó, các chuyên gia khảo cổ đã gắn kết các khối vuông ở dưới và phần tròn ở trên, đưa đài thờ trở về như nguyên trạng ban đầu để trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta được thưởng ngoạn đường nét đặc sắc thể hiện bốn con sư tử nâng đỡ bệ thờ và các nhân vật huyền thoại trong sử thi Ramayana được chạm khắc bốn mặt xung quanh cũng như tượng linga và yoni ở đài thờ Trà Kiệu.

Charles Lemire là người để lại dấu ấn trong hoạt động giữ gìn, tôn vinh di sản ở xứ thuộc địa. Ông là người đặt nền móng cho việc ra đời Công viên Tourane, tiền thân của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Là người đam mê nhiếp ảnh, ngài công sứ đã để lại cho hậu thế nhiều bộ ảnh, bức ảnh đen trắng và tô màu có giá trị tư liệu và nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc Chăm. Ảnh của ông được xuất bản thành sách ảnh, in bưu thiếp, lưu trữ tại bảo tàng Musée de l’Homme ở Pháp. Nó thực sự là những viên ngọc quý trong kho tàng di sản tư liệu, rất cần thiết trong việc nghiên cứu, khám phá văn hóa Chăm.

TRẦN TẤN VỊNH
Nguồn tổng hợp tư liệu từ Thư viện Quốc gia Pháp

;
;
.
.
.
.
.