Thanh niên sáng kiến năng lượng

.

Sau hơn 2 tháng triển khai, vòng chung kết cuộc thi “Sáng kiến thanh niên về năng lượng bền vững” đã chọn 10/15 dự án mang tính ứng dụng cao, khả thi, bền vững để hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và phát triển dự án cho cộng đồng.

Nhóm CTV Môi trường Việt Nam trình bày dự án Hành trình chuyến xe chuyển dịch năng lượng bền vững dọc dãy Trường Sơn cùng bà con dân tộc thiểu số ở Huế và Quảng Nam tại cuộc thi Sáng kiến thanh niên về năng lượng bền vững. Ảnh: T.V
Nhóm CTV Môi trường Việt Nam trình bày dự án Hành trình chuyến xe chuyển dịch năng lượng bền vững dọc dãy Trường Sơn cùng bà con dân tộc thiểu số ở Huế và Quảng Nam tại cuộc thi Sáng kiến thanh niên về năng lượng bền vững. Ảnh: T.V

Cuộc thi thuộc dự án Green Youth Labs, do Trung tâm Nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB), Tổ chức Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) cùng nhà tài trợ Viện FES tại Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm sáng kiến của thanh niên về chuyển đổi năng lượng bền vững và hỗ trợ đầu tư, phát triển. 

Tham gia cuộc thi, các nhóm thanh niên trong cả nước nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sử dụng, tái tạo năng lượng bền vững. Đơn cử, với dự án “Máy lọc nước Ozone bằng năng lượng tái tạo tại nông thôn”, nhóm OZO đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội đã dành nhiều tháng khảo sát những hộ gia đình có nguồn nước giếng màu đục, có mùi và gây dị ứng tại tỉnh Ninh Bình. Vì nguồn nước ô nhiễm, người dân phải mua nước sử dụng với chi phí 50.000-70.000 đồng/ngày hoặc đầu tư bộ lọc nước đầu nguồn 50-100 triệu đồng.

Trước thực tế này, nhóm OZO lên ý tưởng thiết kế máy lọc nước bằng năng lượng tái tạo, hoạt động nhờ tấm pin năng lượng mặt trời, tuabin gió, bơm nước, máy tạo ozone và bộ điều khiển thiết bị. Hệ thống máy lọc nước có thể tích hợp vào bể nước sẵn có của người dân hoặc lắp ống nước lên các vị trí bồn nước trong nhà. Với công suất lọc nước sinh hoạt một ngày 0.6m3, tương đương 30.000 đồng tiền điện nếu sử dụng máy lọc nước hoặc mua 20 bình nước uống 19 lít. Đầu ra có thể sử dụng cho sinh hoạt hoặc ăn uống và tự do tùy chỉnh kích thước của hệ thống dựa vào nhu cầu của từng gia đình. Nguồn nước uống đầu ra được nhóm mang đi đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế trước khi đưa vào sử dụng diện rộng.

“Nhóm sẽ nhân rộng dự án máy lọc nước tái tạo bằng năng lượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi công nghệ nước sạch chưa thể tiếp cận. Đồng thời, chia sẻ thông tin về công nghệ lọc nước thông qua các lớp học cho sinh viên nghiên cứu tại trường và tổ chức buổi tham quan mô hình cho học sinh, người dân. Nhóm mong rằng khi được hỗ trợ đầu tư, dự án sẽ tạo ra nguồn nước an toàn, giá rẻ hơn 50-70% so với nước sạch truyền thống”, bạn Lê Chí Tuyền đại diện nhóm OZO bày tỏ. 

Trong khi đó, dự án “Hành trình chuyến xe chuyển dịch năng lượng bền vững dọc dãy Trường Sơn cùng bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam” của nhóm CTV Môi trường Việt Nam đã giúp người dân 2 thôn A Roàng 1 và Xà Nghìr hiểu hơn về chuyển đổi năng lượng bền vững. Dự án được ban giám khảo đánh giá cao về ý tưởng tại cuộc thi. Đại diện nhóm CTV Môi trường Việt Nam cho biết, năm 2022, nhóm thực hiện dự án năng lượng tái tạo tại thôn Arec, Adoc và Đhami (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), điều này hoàn toàn mới lạ với người dân thôn bản. Vì vậy, để giúp bà con có thêm kiến thức về năng lượng tái tạo, nhóm phát hành bộ tài liệu xoay quanh những câu chuyện và hình ảnh về hành trình chuyến xe chuyển đổi năng lượng bền vững dọc dãy Trường Sơn. Ngoài ra, nhóm tổ chức 3 hoạt động liên quan, gồm các buổi họp bàn kế hoạch, sáng tạo sản phẩm truyền thông và tổ chức chuyến xe dịch chuyển năng lượng bền vững đến các thôn.

Thời gian tới, nhóm CTV Môi trường Việt Nam tiếp tục phổ biến nội dung sáng tạo theo chủ đề, tổ chức phiên chợ trao đổi hàng hóa thiết bị sử dụng điện tiết kiệm, năng lượng mặt trời và tổ chức chuyến xe dọc dãy Trường Sơn để truyền thông sáng tạo về chuyển dịch năng lượng bền vững. “Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng cả nhóm quyết tâm nghiên cứu, khảo sát, với hy vọng giúp khoảng 270 hộ gia đình của 2 thôn A Roàng 1, Xà Nghìr biết đến và sử dụng mô hình năng lượng bền vững”, bạn ATinh Nhưng, đại diện nhóm vui vẻ nói.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thành viên ban giám khảo, nhận định cuộc thi quy tụ nhiều ý tưởng mới lạ, mang tính khả thi cao. Đặc biệt, 10 dự án được chọn sẽ được hỗ trợ tài chính triển khai trong 6 tháng, qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng bền vững trên cả nước. Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Anh Duy, Trưởng khoa Điện - Điện tử và Tự động hóa, Trường Đại học Đông Á cho rằng, các dự án nếu được triển khai thực tế sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề cho người dân, như nâng cao kiến thức về năng lượng tái tạo, bền vững và hỗ trợ sử dụng các sản phẩm công nghệ cao, giá thành rẻ.

THÚY PHƯƠNG - TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.