Thời gian qua, 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Hệ thống y tế cơ sở quận, huyện, phường, xã cũng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Tuy nhiên, sự sắp xếp này cũng làm phát sinh những tồn tại, bất cập trong hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng do nguồn nhân lực thiếu, chất lượng chưa bảo đảm, chính sách cho đội ngũ y, bác sĩ chưa tương xứng với nhiệm vụ.
Ngoài công việc chuyên môn được giao phụ trách, các nhân viên y tế xã Hòa Phong còn tham gia giải quyết nhiều công việc khác liên quan đến phòng chống dịch. Ảnh: Đ.H.L |
Việc nhiều, chế độ chưa tương xứng
Cơn mưa đầu mùa hè rơi xuống cũng là lúc muỗi vằn sinh sôi và xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết. Đây cũng là thời điểm các nhân viên y tế xã bận rộn với công tác phòng chống dịch. Ngay sau khi có thông báo xuất hiện ca dịch tại tổ 6, thôn Túy Loan Đông 2 vào ngày 7-6, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trạm phó Trạm Y tế xã Hòa Phong khẩn trương xuống cơ sở kiểm tra xử lý ổ dịch.
Chị Ánh Nguyệt cho biết: “Đây là lần xử lý thứ hai đối với ổ dịch tại thôn Túy Loan Đông 2 khi có hai mẹ con ở hộ bà Phạm Thị Sim bị sốt xuất huyết. Chúng tôi xuống tuyên truyền vận động bà con ra quân diệt lăng quăng bọ gậy, dọn dẹp vệ sinh môi trường những nơi muỗi dễ phát sinh; đồng thời dẫn đoàn phòng dịch của trung tâm y tế huyện đến tận nơi phun thuốc cho 68 hộ gia đình”.
Hiện địa bàn xã Hòa Phòng có 2 ổ dịch sốt xuất huyết, nâng tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 26 ca. “Đối với các dịch bệnh ở địa phương, người chuyên trách phải xuống tận nhà dân để xử lý ổ dịch theo đúng quy trình, chẳng hạn như: đối với bệnh tay chân miệng thì giữ gìn vệ sinh, cấp Cloramin B, còn đối với sốt xuất huyết thì điều tra trong bán kính 200m xem còn ai sốt xuất huyết nữa không để báo cáo cấp trên xử lý ổ dịch và tiến hành phun thuốc, diệt lăng quăng bọ gậy…”, chị Ánh Nguyệt giải thích.
Ngoài phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, các nhân viên y tế xã phải đảm đương thêm công việc phòng chống lao, khám chữa bệnh, cấp cứu. Mỗi nhân viên y tế được giao đảm trách một công việc chuyên môn nhưng đều làm thêm nhiều việc khác dẫn đến quá tải. Y sĩ Mã Thị Thảo Ly, nhân viên y tế xã Hòa Phong cho biết: “Được giao phụ trách lĩnh vực bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, huyết áp, liên phổi tắc nghẽn mãn tính… nhưng tôi vẫn đảm đương thêm công tác y tế dự phòng khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Điều này khiến công việc trở nên bận rộn”.
Hiện Trạm Y tế xã Hòa Phong có 11 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ y học cổ truyền, 3 điều dưỡng, 2 dược sĩ và 1 nhân viên phụ trách công tác dân số. Do công việc nhiều, nhân viên y tế xã phải kiêm thêm các công việc khác như thực hiện tiêm chủng vào thứ Bảy, Chủ nhật vì vậy gần như không có ngày nghỉ.
“Nhiệm vụ thì phải làm nhưng cần phải có chế độ phù hợp như tăng tiền trực, tiền hỗ trợ cho nhân viên những công việc đặc thù. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh xã hội thì phải hỗ trợ kịp thời, tăng kinh phí cho tuyến cơ sở hoạt động. Đó là chưa kể, cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều khi thiết bị làm việc hư hỏng chúng tôi phải bỏ tiền túi ra sửa chữa để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc”, chị Ánh Nguyệt chia sẻ.
Cần tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng
Đánh giá về tình hình nguồn nhân lực y tế dự phòng của huyện Hòa Vang hiện nay, bác sĩ Trần Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, hiện trung tâm có 37 y, bác sĩ đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại. Tuy nhiên nếu thực hiện theo Thông tư 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập (gọi tắt là Thông tư 03) thì huyện sẽ thiếu nguồn lực.
Bên cạnh đó, theo mục tiêu Đề án số 7664/ĐA-UBND ngày 15-11-2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về tăng cường bác sĩ và nâng cao chất lượng nhân lực y tế tuyến y tế cơ sở nhằm triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, 100% trạm y tế phường, xã có 2 bác sĩ làm việc cơ hữu, được đào tạo về y học gia đình. Tuy nhiên, trong năm 2022, trung tâm tổ chức 2 đợt tuyển dụng bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng cho các trạm y tế nhưng không đạt số lượng so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) thành lập theo Quyết định số 3915/QĐ-UBND của UBND thành phố trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế thành phố (gồm Trung tâm Y tế dự phòng ; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản ; Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS ; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Đà Nẵng).
Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đà Nẵng cho biết, chủ trương sáp nhập các dịch vụ y tế không giường bệnh của Chính phủ nhằm tăng nguồn lực cho công tác dự phòng đến nay bộc lộ một số bất cập. Nguồn nhân lực của bộ phận chuyên môn tại CDC không tăng lên nhưng bộ phận phục vụ lại tăng nhiều. Nếu sắp xếp cơ cấu tổ chức cán bộ khối chuyên môn số bác sĩ y học dự phòng, chuyên khoa đạt tỷ lệ theo Thông tư 03 là khoảng 20-25% nhưng hiện đơn vị chỉ có khoảng 15,4% bác sĩ y học dự phòng. Trong khi đó, điều dưỡng, cán sự, bác sĩ y tế công cộng quá nhiều với 111 người, tỷ lệ 46,3% (tỷ lệ theo Thông tư 03 quy định là 35-40%).
“Hiện một số khoa đang dư dôi người làm việc nhưng chưa có hướng giải quyết. Nhóm bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ chuyên khoa thì vẫn còn thiếu. Trong khi đó, bác sĩ y tế công cộng, thạc sĩ y tế công cộng chỉ làm nhiệm vụ thực hiện nhưng không làm được chỉ đạo tuyến do hạn chế chuyên môn. Đến năm 2030, đơn vị có 24 người nghỉ hưu, trong đó có 12 trưởng, phó phòng trở lên. Do đó, CDC sẽ rơi vào tình trạng thiếu cán bộ quy hoạch làm công tác quản lý trầm trọng. Nếu tuyển được đội ngũ này thì cũng phải mất 3 năm đào tạo và bồi dưỡng”, bác sĩ Phạm Trúc Lâm trăn trở.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến đội ngũ y tế dự phòng khi có các chế độ hỗ trợ, tăng phụ cấp tuy nhiên vẫn chưa có quy định rõ ràng để thực hiện thông suốt nhằm bảo đảm sự hài hòa và công bằng đối với người tham gia. Bên cạnh đó, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân đối đào tạo lực lượng bác sĩ đa khoa phục vụ điều trị và bác sĩ dự phòng. Đặc biệt, việc thành lập CDC sau 5 năm hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế đến nay cho thấy cơ cấu tổ chức khoa, nhiệm vụ vẫn còn chồng chéo. Do đó, thành phố cần sớm tiến hành tổng kết đánh giá nghiêm túc tính hiệu quả của việc hợp nhất này để có giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao năng lực hoạt động của CDC.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG