Bút ký

Tiếng gọi từ hương sắc đất Núi Thành

.

Dường như đất Núi Thành - huyện cực nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xưa - có tiếng gọi của muôn ngàn hương sắc. Tiếng gọi thầm lặng mà rõ ràng. Vô hình mà gần gũi. Tiếng gọi sâu lắng và đằm thắm.

Gió biển Núi Thành thổi tự cổ xưa, từ ngàn khơi của triền miên ba mươi lăm cây số bãi bờ nồng mặn từ Tam Kỳ đến Dung Quất. Ảnh: NGUYỄN KIM HUY
Gió biển Núi Thành thổi tự cổ xưa, từ ngàn khơi của triền miên ba mươi lăm cây số bãi bờ nồng mặn từ Tam Kỳ đến Dung Quất. Ảnh: NGUYỄN KIM HUY

Đi về phía biển, người ta cảm nhận được tiếng gọi bắt đầu từ gió. Gió biển Núi Thành thổi tự cổ xưa, từ ngàn khơi của triền miên ba mươi lăm cây số bãi bờ nồng mặn từ Tam Kỳ đến Dung Quất. Mùa hè nắng gắt, sau một ngày làm việc, sẫm chiều, cùng làm một cuộc tụ họp ở Bãi Rạng, phóng tầm mắt thoải mái nhìn ra lô nhô các đảo lớn, đảo nhỏ như Hòn Chim, Hòn Hang, Hòn Dứa và xa xa nữa... Vũng Quít vẫn được gọi nhầm là Dung Quất ẩn hiện trong nhấp nhô tàu thuyền và sóng biếc, sẽ có thể hiểu được rành rẽ đặc trưng gió biển Núi Thành. Lẫn trong cái vị mặn mòi rất chung muôn thuở của biển, ở đây có cái hương vị riêng thơm nồng, ngan ngát của con cá chuồn gành nướng. Loại cá chuồn gành hình như chỉ có ở Bãi Rạng do thiên nhiên ưu đãi cho con nước vùng này. Chúng chỉ chọn hiếm hoi nơi này trong số mấy ngàn cây số biển nước Việt để tụ họp về làm mùa sinh sản vào khoảng tháng ba, tháng tư. Song hành với chuồn gành nướng là mùi vị của các loại cua ốc, sò điệp, cá mực tươi roi rói vừa vớt từ biển lên...

Rời Bãi Rạng, qua phà Tam Quang là đến xã đảo Tam Hải mang đậm màu sắc vẻ đẹp truyền thống xứ biển Trung bộ. Những hàng dừa nối tiếp nhau râm mát. Cát mịn màng ẩm ướt ôm vừa đủ gọn bàn chân trên các con đường nhỏ. Từ cát, từ dừa, từ gió thoảng đưa lại vị mặn của biển, mùi thơm đậm của mắm, của cá lưu cữu làm nên một hương sắc rất riêng cho Tam Hải. Và Tam Hải lại có Bàn Than như của trời cho, của để dành. Bàn Than với các mỏm đá Ông Đụn Bà Che kỳ ảo, với Bãi Bấc, Bãi Nồm ôm giữ trong mình bao nhiêu câu chuyện tình rất đẹp của bao nhiêu thế hệ trai gái đã đến đây thủ thỉ... Phía bắc Tam Hải có một lối đi vượt qua vũng biển đến đất Tam Hòa đến nay vẫn còn truyền tụng những câu chuyện chơi khăm cao ngạo của Thủ Thiệm.

Ngoài Tam Hòa là Tam Tiến với những vũng hàu tự nhiên xuất hiện vào độ tháng ba, tháng tư hằng năm, ngư dân cứ tự do đem thúng, đem rổ vớt, xúc tặng vật ngon tươi hằng hà của biển. Từ Tam Hòa có thể lên Tam Anh dừng chân thưởng thức món mì Quảng Cây Trâm nổi tiếng khắp một miền, món mì được làm bằng gạo quê Ba Trăng, thứ gạo đẫm mồ hôi dằng dặc ba tuần trăng liền của người dân quê, có sắc đỏ làm nên sợi mì vàng nghệ có độ cứng dai vừa phải, tô mì rải vài con tôm đỏ rực điểm xuyết giữa mớ rau sống nhấp nhổm, dịp may mắn đúng tuần trăng lại có thêm con cua bấy mềm thau chiễm chệ ngự ở giữa, đủ sức để cảm hóa được bất kỳ vị thực khách khó tính nào...

Ra nữa là Tam Xuân, quê hương của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, ngan ngát xanh những đồng lúa, những vườn cau vừa êm đềm thơ mộng, lại có thêm xóm Ông nghè Phú Nam hiếu học tô điểm như một nét son trên bức tranh quê phẳng lặng thanh bình. Tam Hiệp, lẫn vào thị trấn vào kinh tế mở, vẫn giữ lại khu vườn nhà cụ Nguyễn Kế, nơi một thời chở che đùm bọc các đồng chí Tố Hữu, Chu Huy Mân ra vào hoạt động từ những ngày đầu có Đảng. Và Tam Giang, đất của muối, đã sinh ra nhà tiền bối cách mạng Nguyễn Chỉ. Cuối huyện là Tam Nghĩa, với căn cứ quân sự Chu Lai xưa, với Núi Thành trận đầu thắng Mỹ, Chùa Hang và những câu chuyện huyền thoại thực hư mờ ảo.    

Ngược lên phía núi, đi về Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, dường như tiếng gọi hương sắc Núi Thành được mênh mang cất lên từ đất. Đất mở lòng ra với những con đường nhựa, đường bê-tông còn nồng mùi xi-măng quanh co uốn lượn xuyên qua những đồi núi điệp trùng màu cây lá xanh non mượt mà cho từng đàn bò, dê nhởn nhơ gặm cỏ sườn đồi. Con đường trải nhựa từ Tam Mỹ - quê hương của các nhà cách mạng Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Phùng - dẫn lên xứ núi Tam Trà có điểm dừng chân thú vị Tứ Mỹ, Giang Thơm. Tứ Mỹ, vùng giải phóng sớm nhất khu 5 từ đầu năm 1960, nơi nhà văn Phan Tứ miệt mài viết Về làng, Mẫn và tôi, Gia đình Má Bảy. Suối Giang Thơm luôn có làn khí trời mát rượi, cây cối và các loại dây leo nguyên sinh chằng chịt vây quanh các thác nước cao hàng mét, ào ạt đổ nước đêm ngày, biến cái mát rượi thành mát lạnh khi ta ngâm mình dưới làn nước suối trong veo róc rách.

Tam Mỹ còn nổi tiếng với đặc sản nếp bầu. Khách quý đến nhà, bà chủ xuống bếp nổi lửa nấu một nồi xôi, mùi thơm dậy lên cả xóm. Luộc thêm quả trứng vịt dằm vào chén nước mắm dầm ớt tỏi, mâm xôi nếp bầu dẻo quánh ngào ngạt đã làm nên một bữa chiêu đãi thịnh soạn, thích hợp cả sáng, trưa, chiều, tối, xắn một đũa cho vào miệng, miếng ngon nhớ đời. Nấu bánh tét, nếp bầu giữ bánh tét dẻo thơm ra đến Giêng hai.

Những con đường bê-tông nhỏ dẫn về các xóm Kor, Tam Trà, Tam Sơn men dọc theo bờ suối, róc rách tiếng nước chảy, ríu ran tiếng chim hót, tiếng cu gù, hoa rừng khoe rực rỡ sắc đỏ vàng tím lẫn trong những tán cây xanh um rậm rạp. Mấy mươi năm trước, cư dân lòng hồ Phú Ninh từ giã quê cũ nhường đất cha ông cho công trình đại thủy nông thế kỷ, lên vùng đất này xây dựng cuộc sống đã đem lại cho xứ núi còn heo hút này một sinh khí mới, rộn ràng và ấm áp. Những ngôi nhà người Kinh, người dân tộc lẫn vào các vườn tiêu, vườn quế, keo, trầu mơn mởn. Tam Sơn, Tam Trà lắng sâu vào núi, màu xanh cây cối nhà cửa chìm vào màu xanh của núi. Còn Tam Thạnh, lại khéo vươn mình một góc ra hồ Phú Ninh, nơi những sáng tinh mơ và những chiều bãng lãng, khói núi quyện hòa vào hơi nước là đà mặt hồ in bóng núi non làm nên một cảnh thần tiên hư ảo huyền hoặc nao lòng.

Sau 40 năm ra riêng từ 1983, Núi Thành đến hôm nay đã bừng sáng, biến đổi thần kỳ, từ một miền quê kiên trung nhưng có tiếng cằn khô sỏi đá, trở thành một vùng đất kinh tế mở trọng điểm mang dáng dấp hiện đại của một huyện công nghiệp trẻ năng động.

Những thành công lớn lao đó, có thể là vì hương sắc miền quê Núi Thành xưa và nay luôn có sức mời gọi cuốn hút mọi người đến với miền đất này?

NGUYỄN KIM HUY

;
;
.
.
.
.
.