CHUYỆN TEM

Chơi tem thời công nghệ số

.

Thời kỳ công nghệ 4.0, hầu hết mọi người sử dụng thư điện tử. Vì thế, nhiều người lo ngại thị trường tem Việt sẽ không còn đất sống. Trái ngược với suy đoán đó, hiện nay, khi hoạt động kinh doanh trực tuyến trở nên dễ dàng, các hội nhóm công khai với hàng trăm nghìn thành viên tạo ra một thị trường mua bán tem không chỉ sôi động mà còn mang tầm ảnh hưởng văn hóa rất lớn, là kênh kết nối những người có chung sở thích.

Thú chơi, sưu tầm thời công nghệ số góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của từng con tem. Ảnh: K.H
Thú chơi, sưu tầm thời công nghệ số góp phần lan tỏa giá trị văn hóa của từng con tem. Ảnh: K.H

Thêm vốn hiểu biết tem

Cũng nhờ công nghệ, cụ thể là mạng xã hội, chúng tôi có dịp làm quen với Phan Huyền (33 tuổi, sống ở 130 đường Hồ Tùng Mậu, quận Liên Chiểu), chủ nhân của bộ sưu tập 500 tem, trong đó, đáng chú ý nhất là bộ tem 54 dân tộc Việt Nam. Huyền cho biết, bắt đầu sở thích sưu tầm tem từ năm học lớp 8 (2003-2004). Phần lớn số tem ban đầu có được là “bóc trộm” từ những bức thư tình của chị gái. Để giữ nguyên vẹn, không làm hỏng, rách Huyền phải tách tem ra khỏi bì thư một cách nhẹ nhàng và cẩn thận. Sau này khi đã đi làm, lập gia đình, Huyền tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê này nhưng có chiều sâu hơn khi sưu tầm tem theo chuyên đề về các vĩ nhân, anh hùng dân tộc...

Khi hoạt động mua bán, giao lưu chia sẻ về tem diễn ra sôi động trên mạng xã hội, Huyền thường xuyên vào tìm kiếm và trao đổi để hoàn thiện bộ sưu tập của mình. Dẫu vậy, Huyền cho biết, do các trang mạng này chỉ tập trung vào hoạt động mua - bán, trao đổi, không có nhiều hoạt động giao lưu, kết nối nhằm học hỏi và chia sẻ về tem nên lâu dần Huyền không còn mấy mặn mà:

“Thỉnh thoảng em cũng có vào tìm kiếm thông tin về tem ở một số trang mạng xã hội nhưng để theo dõi về xu thế sưu tập hay chiêm ngưỡng các bộ sưu tập có giá trị của các nhà sưu tập nổi tiếng trong nước và quốc tế. Nói bỏ hẳn thì không phải nhưng có lẽ, đợi đến thời điểm thích hợp, em sẽ tiếp tục chọn một chuyên đề thật ưng ý rồi đầu tư để hoàn thiện bộ sưu tập “để đời”, đúng như mong muốn của mình”, Huyền nói.

Thời kỳ công nghệ 4.0, hầu hết mọi người sử dụng thư điện tử. Vì thế, nhiều người lo ngại thị trường tem Việt sẽ không còn đất sống. Trái ngược với suy đoán đó, hiện nay, khi hoạt động kinh doanh trực tuyến trở nên dễ dàng, các hội nhóm công khai với hàng trăm nghìn thành viên tạo ra một thị trường mua bán tem không chỉ sôi động, mà còn là kênh kết nối những người có chung sở thích. Cùng với hoạt động sưu tầm tem Việt, họ mở rộng mua bán cả tem của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài trang mạng xã hội, việc trao đổi - mua bán tem còn diễn ra ở các trang mua sắm trực tuyến lớn như Amazon, Lazada, Apay...

Vào trang facebook “Giao lưu trao đổi tem sưu tầm Việt Nam và tem quốc tế”, một địa chỉ kinh doanh tem trực tuyến nổi tiếng, có hơn 8.000 người tham gia, hoạt động mua bán tem diễn ra hằng ngày. Trong bài đăng mới nhất của trang facebook này vào ngày 25-7, rao bán mẫu tem bưu chính Việt Nam in hình nhật thực toàn phần tại Việt Nam ngày 24-10-1995 với giá 10.000 đồng. Trước đó, là mẫu tem in hình long phụng có giá 20.000 đồng/4 tem, 15 tem hoa lá, muông thú có giá 400.000 đồng… Ngoài tem trong nước, còn có tem của nhiều quốc gia khác cũng được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy vào độ quý hiếm và giá trị thực gửi. Như: tem nữ hoàng Victoria cổ của Cape of Good Hope được bán với giá 860.000 đồng/tem, tem doanh thu thực gửi của Ấn Độ có giá 450.000 đồng/tem…

Ở mỗi bài đăng tại trang mạng này, đều có người vào hỏi mua và chốt giá nhanh gọn. Ngoài rao bán các tem rời, riêng lẻ, mạng xã hội còn rao bán nhiều bộ sưu tập tem với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng, đơn cử: bộ tem Italia qua các thời kỳ (342 tem) được người bán rao với giá hàng triệu đồng; 5 bộ tem hình thỏ có giá hàng trăm ngàn đồng…

Bà Lê Thị Anh Đào (51 tuổi), hội viên Hội tem Đà Nẵng cho biết, khi công nghệ phát triển, người sưu tập và người kinh doanh tem có điều kiện theo dõi giá cả thường xuyên, nắm bắt được xu hướng, thị hiếu cũng như giá trị cập nhật của tem từng giây phút. Từ đó, các nhà sưu tập có thể đánh giá tiềm năng của hoạt động sưu tập tem thế giới để căn cứ vào đó đưa ra mức mua bán, trao đổi tem. Việc tìm kiếm tem cũng trở nên thuận lợi hơn. “Thông qua các trang mạng xã hội, những người chơi tem có thêm vốn kiến thức và hiểu biết nhiều hơn về niềm vui này. Bên cạnh đó, các bộ sưu tập này còn cung cấp một lượng lớn thông tin rất thú vị và bổ ích về thế giới”, bà Đào dẫn chứng.

Khó khăn đi tìm tem quý hiếm

Chơi tem là một trong những loại hình văn hóa phổ biến trên thế giới song lại đòi hỏi những kỹ năng rất khó học và sự may mắn hiếm có để sở hữu những “bảo vật tem”. Sưu tập tem vốn là lĩnh vực văn hóa rất kén người tham gia, lại càng khó giữ chân người chơi theo cách có chiều sâu.

Thông thường, tem quý là dòng tem được dán trên các bì thực gửi. Bỡi lẽ, việc sưu tầm bì thư thực gửi có dán tem rất phức tạp và đòi hỏi nhiều công phu nghiên cứu. Mỗi bì thư thực gửi như vậy có thể chứa đựng rất nhiều thông tin nghiệp vụ bưu chính khác nhau (cho dù được dán cùng 1 loại tem). Mỗi chiếc phong bì có thể mang những câu chuyện riêng do được gửi ở những thời điểm khác nhau, địa điểm khác nhau mà người sưu tập có thể khai thác (điều này thể hiện trình độ hiểu biết của nhà sưu tập).

Với giới sưu tập tem quý, hiếm thì những bì thư thực gửi cổ xưa với những dấu hủy vào những giai đoạn đầu; thư gửi từ các doanh trại quân đội, trạm xe lửa, chuyến tàu thủy… thường có giá trị cao, đặc biệt, các vật phẩm (có đóng dấu hoặc tem) liên quan đến chủ đề, thì luôn được đánh giá cao. Với con mắt tinh tường của những người sưu tầm tem lâu năm cũng như vốn kiến thức chuyên sâu về tem thì rất khó để tìm được tem quý, hiếm từ các hoạt động mua bán trực tuyến.

Bằng một niềm tự hào, bà Lê Thị Anh Đào nói, người đam mê tem và sưu tập chân chính luôn ao ước được sở hữu những con tem quý hiếm, in đậm màu của thời gian. Nhưng sưu tầm được một con tem quý, hiếm không hề dễ, chính bởi thế người ta càng khao khát hơn.

Với Phan Huyền, người sở hữu bộ sưu tập chuyên đề về 54 dân tộc Việt Nam, thuộc hàng tem quý hiếm, việc sưu tầm những con tem như thế cần có thời gian và thêm chút may mắn. Bỡi lẽ, tem bán trực tuyến nhiều những tem quý hiếm thì ít khi người ra đem rao bán trên mạng. Trong khi những con tem bình thường có giá chỉ vài ngàn, vài chục ngàn đồng thì có những con tem quý hiếm có giá trị kinh tế lên tới cả nghìn USD. Cũng có những con tem, bộ sưu tập tem quý hiếm chỉ để trưng bày, triển lãm chứ không bán, khiến giá trị và giai thoại về nó càng trở nên nổi tiếng hơn.

Sưu tập tem giờ đây không chỉ là thú chơi chơi tao nhã dành riêng cho người lớn tuổi mà còn thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Từ thú chơi này đã tạo nên một thị trường kinh doanh sôi động, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cũng như góp phần quảng bá văn hóa thời 4.0.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.