Thú sưu tầm tem ngày một ít dần theo thời gian nhưng một khi đã chơi thì như có một sức hút kỳ lạ. Bởi chơi tem không chỉ là niềm đam mê mà còn là hướng tới giá trị của cái đẹp, của văn hóa và lịch sử được ghi dấu trên những con tem.
Ông Nguyễn Phương Nam giới thiệu những con tem cổ giá trị trong bộ sưu tầm tem của mình. Ảnh: Đ.H.L |
Sức hút từ những con tem cổ xưa
Với hơn 40 năm sưu tầm tem, ông Nguyễn Phương Nam, cựu giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng hiện sở hữu hơn 7 cuốn sổ tem. Đặc biệt, những con tem của ông có giá trị cao về văn hóa lịch sử cũng như kinh tế bởi sự quý hiếm do có tính cổ xưa.
Trong số các bộ sưu tập đồ sộ, ông Nguyễn Phương Nam chọn ra 3 cuốn sổ tem mà ông tâm đắc nhất để giới thiệu cho chúng tôi. Ông Nam cho biết, ông không sưu tầm tem theo chủ đề mà theo thời gian.
Bởi theo ông, người chơi tem để kinh doanh thì thời gian càng lâu con tem càng có giá trị. Điều này cũng thể hiện tính chuyên nghiệp của người chơi. Cuốn sổ tem ở giai đoạn trước 1975 được ông Nam sưu tầm, hầu hết lưu giữ những con tem quý hiếm đề cập đến quá trình xây dựng và phát triển của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, chính trị, kinh tế, thể thao, khoa học, lịch sử, danh nhân…
“Đây là thời kỳ kinh tế khó khăn nên người chơi tem không nhiều. Điều này khiến số lượng tem được cất giữ rất ít nên hầu hết những con tem trong bộ sưu tập ở giai đoạn này rất quý hiếm. Người chơi tem không chỉ mất công sưu tầm mà còn tốn kém chi phí nên họ phải thực sự có đam mê mới chơi được. Nếu xét về thời gian, một bộ tem mới hiện nay đôi khi chỉ mất vài chục nghìn đồng là có thể mua được nhưng đối với những bộ tem cổ thì có giá lên tới vài trăm triệu đồng”, ông Nam giải thích.
Cuốn sổ tem thứ hai cũng ở giai đoạn trước năm 1975 nhưng tập trung về miền Nam Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, qua đó cho thấy những thành tựu khoa học, kỹ thuật của khối Âu Mỹ được xuất hiện trên các con tem như tàu lửa, máy bay… Bộ sưu tập thứ ba là về các nước Đông Dương trước năm 1954 dưới thời Pháp thuộc, tập trung về lĩnh vực văn hóa của 3 nước Đông Dương và các danh nhân nước Pháp…
Nói về lợi ích của việc chơi tem, ông Nguyễn Phương Nam chia sẻ: “Tôi bắt đầu sưu tầm tem từ năm 1983 khi đang còn học lớp 11. Ba tôi đi tập kết ra Bắc có sưu tầm một bộ tem rất đẹp và điều này ảnh hưởng đến niềm đam mê của tôi. Bên cạnh thỏa mãn thú vui tao nhã, chơi tem còn giúp tôi nâng cao kiến thức văn hóa lịch sử, tăng thu nhập từ việc trao đổi, mua bán tem trong giới những người sưu tầm”.
Ở thế hệ 7X trở về trước còn có bà Lê Thị Anh Đào (Bưu điện Đà Nẵng) có niềm đam mê sưu tập tem chuyên đề: “Bác Hồ với dân tộc Việt Nam”. Bà Đào có cơ hội tiếp xúc những con tem từ nhỏ nhờ ba mẹ làm bưu điện. Nhưng phải đến khi đi làm, bà mới có điều kiện sưu tầm tem. Trong số các bộ sưu tập về nhiều thể loại và chủ đề khác nhau, bà đặc biệt quan tâm sưu tập tem về Bác Hồ. Năm 2010, bà Đào quyết định xây dựng bộ sưu tập tem về Bác Hồ với chủ đề “Bác Hồ với dân tộc Việt Nam” để tham dự kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác tại Nghệ An. Bộ tem gồm 5 khung, tương đương 80 trang với khoảng 400 con tem, bì thực gửi và bưu thiếp.
“Từ lúc quyết định xây dựng bộ sưu tập tem về Bác, tôi có điều kiện để hiểu thêm về Bác và càng kính trọng Người hơn. Vì thế, càng ngày tôi càng thích sưu tầm tem về Bác Hồ. Hình ảnh thân thuộc, gần gũi mà cao cả của Hồ Chủ tịch đã trở thành động lực để tôi tiếp tục dành tình yêu cho những con tem nhỏ bé”, bà Đào khẳng định.
Kế thừa và tiếp nối
Đối với thế hệ 7X trở về trước, việc chơi tem khá thuận lợi do việc gửi thư từ bằng đường bưu điện rất thịnh hành. Tuy nhiên, đối với thế hệ 8X trở về sau, việc chơi tem phải thực sự đam mê mới dành thời gian cho nó. Anh Nguyễn Thanh Nhật (sinh viên năm 3, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) đến với thú sưu tầm tem tình cờ qua báo biếu. Từ những tờ báo có bài viết của mình được các tòa soạn gửi đến, anh Thanh Nhật sưu tầm lại thành bộ sưu tập mà mình yêu thích.
“Thay vì mua một bức tranh dân gian Đông Hồ khổ lớn với giá thành cao ngất ngưỡng, thì tôi có thể sở hữu một bức tranh tương tự như vậy nhưng với giá thành rẻ hơn, khổ tranh nhỏ hơn. Tôi mua tem như một kiểu sưu tầm tranh mini vậy. Qua những con tem, tôi cảm nhận được nhiều cảm xúc xưa cũ mà chỉ những lá thư ngày xưa mới có”, anh Nhật chia sẻ.
Bận công việc gia đình nhưng chị Khánh Ly (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vẫn xem việc chơi tem như một niềm đam mê. Chị Ly cho biết: “Tôi chơi tem từ hồi học lớp 6 nhân một lần mẹ của bạn thân xem lại thư tình cũ. Thấy những con tem xưa đẹp quá nên tôi nghĩ đến việc sưu tầm, rồi sau đó kêu gọi bạn bè ở nước ngoài gửi về. Khi có số lượng kha khá, tôi bắt đầu dán tem vào quyển sổ theo từng chủ đề về danh nhân, động vật, thiên nhiên, lịch sử cách mạng theo năm phát hành tem. Nhờ chơi tem, tôi biết nhiều nhân vật, địa danh và cả lịch sử ra đời của bộ tem”.
So với Nguyễn Thanh Nhật và Khánh Ly thì anh Lê Đức Nhã (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có thâm niên chơi tem khá sớm. Anh Nhã sưu tầm tem từ khi mới học lớp 6. Đến nay, anh đã sưu tầm được một bộ tem khổng lồ với hàng trăm ngàn con. Anh Nhã chia sẻ: “Thời đó, tôi có chú ở nước ngoài thường xuyên gửi thư về nên thấy và nghĩ đến việc sưu tầm tem để cất giữ được lâu. Ban đầu chỉ mang tính sưu tầm, có thêm con nào thì vui con đó. Sau này, trên tạp chí tem có mục kết bạn trao đổi tem trong và ngoài nước. Trong danh sách kết bạn khoảng 20-30 người thì có khoảng 3-5 người nước ngoài.
Ban đầu tôi photo gửi cho họ những con tem của mình để xem họ có thích không, rồi mới trao đổi qua thư tay sang các nước Liên Xô (cũ), Ba Lan, Mỹ… Trung bình một bì thư đi từ nước ngoài về đến Việt Nam mất khoảng 15-20 ngày, còn giữa các tỉnh trong nước thì mất khoảng 3-5 ngày. Đó là khoảng thời gian tôi ngồi chờ đợi ngóng trông và niềm vui vỡ òa khi bưu tá đến tận nhà gọi cửa”.
Khi lên cấp 3, anh Nhã thường xuyên nhịn ăn sáng để dành tiền đạp xe xuống Bưu điện Đà Nẵng mua tem. Cùng với việc trao đổi cộng với những con tem có được từ thư tay gửi từ nước ngoài về, anh Nhã dồn lại thành một bộ sưu tập tem cá nhân theo từng chủ đề khác nhau như danh nhân, phong cảnh, con vật…
“Sưu tầm tem, trên hết là mang lại niềm vui cho bản thân, sau đó nâng cao kiến thức. Mỗi con tem có một câu chuyện mà khi quan sát có thể tìm hiểu sự kiện lịch sử, danh nhân, văn hóa. Đây cũng là một thú vui lành mạnh. Việc chơi tem đã giúp tôi có tính cẩn thận, tỉ mỉ và kiên trì hơn. Những lúc rảnh rỗi, tôi có thể mang ra sắp xếp, tạo thành một câu chuyện và bổ sung thêm những con tem quý hiếm. Từ đó làm cho bộ sưu tập trở nên phong phú và mới mẻ hơn. Tuy nhiên, bây giờ thư từ gửi đi có khi bị thất lạc nên đã làm giảm đi sự hứng thú cho người chơi trong việc trao đổi, chia sẻ tem. Tôi mong rằng, ngành bưu điện cần có cải tiến hơn nữa về gửi tem thư để tạo điều kiện cho những người sưu tầm tem trẻ vẫn tiếp tục đam mê với thú chơi tao nhã và giàu tính văn hóa này”, anh Nhã chia sẻ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG