Đêm pháo hoa rực rỡ

.

Khi cô nhắn tin sẽ về nước trong dịp hè này, anh vồn vã trả lời: “Về đi, anh đưa em đi coi trình diễn pháo hoa quốc tế!”. Sau một lúc, cô nhắn lại cho anh: “Tầm tuổi này rồi, em không còn ham mê mấy thứ ồn ào, rộn rã đó nữa anh à. Pháo hoa chỉ tưng bừng rực rỡ chốc lát, rồi thôi. Em cần tìm một nơi yên tĩnh chốn quê nhà, chứ bên này cũng đủ ồn ã lắm rồi!”. “Em cứ về đi, để anh sắp xếp. Rồi em sẽ thấy, có những thứ ồn ã chốc lát nhưng biết đâu nó sẽ kéo dài trong suốt đời mình đó.” - Anh thêm phần biểu cảm “hihi” để làm dịu cuộc trò chuyện đang gửi vào nghìn trùng. “Nếu em không vui vì pháo hoa thì anh phải có cách bù trừ cho em đó nghe!” Cô thả biểu tượng khuôn mặt cười với hình đôi mắt là hai trái tim nhấp nháy, nhắn “Bye bye anh, hẹn gặp lại!”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi chen vô cổng soát vé, cô nắm nhẹ tay anh, sợ lạc. Trên các bậc thang khán đài lắp ghép bằng thép, những chiếc ghế nhựa được xếp thẳng hàng, trên đó bày biện những chiếc áo mưa tiện lợi và chai nước suối. “Xứ mình nhiệt đới, mùa này trời nóng và hay mưa giông, nên người ta chuẩn bị sẵn vậy đó. Nếu mưa mà che dù thì sẽ cản tầm nhìn của những người ngồi sau!” - Anh nhiệt tình giải thích khi mở nắp chai nước đưa cho cô. Cô cầm lấy chai nước, mắt nhìn các bạn trẻ hướng dẫn từng đoàn người ngồi theo khu vực được ghi trên vé. Không biết do chai nước để ngoài trời nên nóng lên, hay bàn tay cô vẫn còn ấm cái cảm giác lúc chen vô cổng. Cô nhớ đến hơi ấm bàn tay anh, một tối mùa đông xa lắc nào đó.

Hai người học cùng lớp. Thiếu nữ thị thành, lớn lên trong gia đình khá giả, nhìn anh bộ đội xuất ngũ rồi thi vào đại học, chững chạc, chín chắn hơn đám bạn cùng lớp. Lại thêm con trai nông thôn lam lũ, chịu khó vượt qua hoàn cảnh, càng làm cô thêm ngưỡng mộ. Cô tìm thấy ở anh những đức tính mà đám con trai cùng tuổi ăn trắng mặc trơn không có. Hai người chơi thân với nhau, chuyện gì cô cũng tâm sự với anh. Và anh chia sẻ, động viên cô như một người từng trải, nhiều kinh nghiệm. Anh luôn giữ một khoảng cách, mà cô thì muốn tìm cơ hội xóa nhòa nó đi. Một sợi dây vô hình, căng ngang, dằng dai, khó dứt.

Cho đến hôm sắp lên đường du học, đi dọc bờ sông một buổi tối mùa đông, cô mạnh dạn nắm tay anh. Lòng bàn tay anh ấm sực, đầy tin cậy.

Rồi cô đi, không một lời hứa hẹn, cứ tưởng học xong thì về. Ai ngờ ở mãi nơi xứ người, cũng học hành đỗ đạt, cũng lập gia đình nhưng không có con, rồi đứt gánh giữa đường, chẳng đâu vào đâu. Cô trở nên lặng lẽ, trầm tư, ít giao du. Cô lặn vào sách vở và những buổi thiền định. Để tìm chút an yên trong tâm hồn. Bẵng đi thời gian khá lâu mất liên lạc, qua mạng xã hội, cô tìm lại được anh. Cô nghĩ đến chữ “duyên”, trong một lần nhắn tin cho anh.

- Đúng rồi, tùy duyên!

- Có duyên nên về nước gặp dịp pháo hoa quốc tế hả em? - Anh quay sang hỏi, khi cô buột miệng thành tiếng suy nghĩ đang chạy trong đầu mình.

Cô đi xem pháo hoa cùng anh, là để anh vui và được ở gần bên anh. Những thứ ồn ã đâu còn chiếm chỗ nào trong lòng cô. Thoáng qua thôi mà…

- Em nghĩ về cái duyên của anh và em. Nếu có duyên thì mình đến được cùng nhau rồi, phải không anh?

Anh bất ngờ trước câu hỏi đường đột của cô. Nhớ về ngày cũ, trong anh cũng từng loáng thoáng nghĩ đến một chuyện tình nếu có, để kết duyên chồng vợ giữa hai người. Nhưng anh đã dừng ở những lằn ranh vô hình do mình vạch ra. Bởi nhiều thứ rào cản và ngả rẽ trong cuộc đời. Bữa ngồi trà dư tửu hậu với đám bạn, có ai đó nói rằng, trong cuộc khảo sát dành cho các cụ ông cụ bà tại những viện dưỡng lão ở một đất nước có tỷ lệ số người sống thọ cao nhất nhì thế giới, trả lời cho điều tiếc nuối lớn nhất của đời mình, chín mươi phần trăm trong số họ cho rằng đó là thời trẻ đã không yêu hết mình và vượt qua những rào cản trong cuộc sống để đi trọn với tình yêu… Anh có yêu cô không? Anh không chắc, và anh đã không bước tới để xem thực sự đó có phải là tình yêu.

Ra trường, anh cũng lăn lộn với công việc, rồi lập gia đình. “Chén bát trong chạn còn khua”, vợ chồng cũng đôi lúc cãi cọ nhau, nhưng cả hai đều thấy ổn; con cái khỏe mạnh, học hành tấn tới như lời chúc Tết đều đặn hằng năm. Công danh sự nghiệp có lúc thăng lúc trầm, lúc thuận lợi khi khó khăn. “Có được có mất!” - một hôm tranh cãi với đám bạn về chuyện này, anh nói, sao gọi là “được - mất”. Mỗi người là sinh linh của cha mẹ, ra đời với thân thể trần truồng cùng nắm nhau lòng thòng, rồi dần lớn lên, ăn học, đi làm... Lúc thuận lợi thì “được” rất nhiều; khi khó khăn, hoạn nạn cũng gọi là “được” - được kinh nghiệm lẫn bài học cay đắng nhưng quý báu để trưởng thành, chín chắn hơn. Cái “được” lớn nhất là mỗi người, theo bản thể của mình, để lại những dấu ấn khác nhau trên đời này; trong khi thân xác đều trở về tro bụi. Thì đó là những cái “được”, chứ sao là “mất”? Tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… chẳng qua là phù du; có ai sinh ra đã “nắm” được những thứ đó trong tay đâu, để gọi là “mất”. Bước qua tuổi “tri thiên mệnh”, anh chợt nhận ra điều đó, để thấy lòng mình thanh thản hơn…

Sân khấu đang sôi động với những màn nhảy múa tưng bừng chợt ngưng lại, phông màn hạ dần xuống. Đèn đóm trên khán đài cũng như những tòa nhà cao tầng bên bờ sông vụt tắt. Tất cả như lắng lại trong tiếng đếm ngược chậm rãi trôi trên mặt sông êm đềm. Rồi khoảng không trước mặt như vỡ bùng ra.

Từng chùm pháo hoa phóng vụt lên, bung nở giữa bầu trời. Rồi theo nhịp điệu nhặt khoan của tiếng nhạc, từng chuỗi pháo hoa dập dìu, rộn rã vươn lên, rực sáng. Có lúc như đàn thiên nga trắng muốt nhảy múa trên mặt nước. Khi phóng thẳng lên trời đêm, thả từng chuỗi ngọc ánh sáng lấp lánh chảy xuống như thác. Những bông pháo như kim cương, nhấp nháy tươi cười reo vui tinh nghịch giữa khoảng không. Muôn hình vạn trạng trong trí tưởng tượng mỗi người… Theo âm hưởng của những bản nhạc, pháo khi ở tầm thấp với những bản cổ điển dịu dàng, thanh thoát; lúc dồn dập rộn rã trên trời cao cùng giai điệu rộn ràng sôi động trong tràng pháo tay và tiếng trầm trồ của người thưởng ngoạn. Ban đầu, cô thờ ơ ngắm nhìn, bởi cảm giác quen thuộc của những màn pháo hoa đón chào năm mới hay dịp lễ cô từng chứng kiến… Nhưng rồi cô dần bị cuốn hút vào giai điệu âm thanh hòa trộn nhịp nhàng cùng những màn pháo hoa lúc thấp lúc cao, khi dịu dàng sâu lắng lúc bùng vỡ xôn xao. Cô lắc lư theo tiếng nhạc và cảm nhận con tim mình xao động, rung lên trong bản hòa tấu của âm thanh và sắc màu. Là do ở bên anh hay trong không khí lễ hội pháo hoa, cô không biết nữa. Một cảm giác hạnh phúc dịu nhẹ lan tỏa trong cô, để rồi cô cảm thấy tiếc nuối khi những bông pháo cuối cùng bung nở, rực sáng bầu trời đêm; những vụn pháo lác đác rơi xuống tóc, xuống áo quần… như mưa.

- Hấp dẫn quá anh ơi! Cũng vài lần xem pháo hoa đón năm mới, có khi hoành tráng hơn, nhưng em chưa có cảm giác như thế này. Hay là do em được trở về quê nhà? - Cô muốn nói hay là do được ở bên anh, nhưng kịp ngăn lại.

- Đẳng cấp của trình diễn pháo hoa nghệ thuật là ở đó em ạ! Đây là các đội từng đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế, có đầy kinh nghiệm để làm cho người xem hưng phấn với những màn lập trình chặt chẽ giữa kỹ thuật bắn pháo hoa và âm nhạc, giữa âm thanh và màu sắc, hình khối! - Anh nghiêng đầu, giảng giải thêm cho cô với những kiến thức thu được từ những năm còn làm nhân viên ngoại vụ, hướng dẫn và phiên dịch cho các đội tham dự lễ hội pháo hoa quốc tế do thành phố anh tổ chức, từng ngày được chuyên nghiệp hóa và trở thành thương hiệu độc đáo, lan tỏa, hấp dẫn du khách bốn phương…

Cô lại se sẽ nắm tay anh, hòa vào dòng người lục tục ra về sau khi những bông pháo hoa cuối cùng của đợt trình diễn thứ hai bung nở, soi sáng một góc thành phố, rọi xuống mặt nước lung linh. Họ thong thả dạo bộ trên con đường dọc bờ sông, rồi băng qua cây cầu quay để về phía bờ tây. Anh đứng ở cửa thang máy, đợi cô lấy thẻ khóa phòng ở bàn lễ tân khách sạn. Cô vươn tay phủi nhẹ những vụn pháo hoa còn vương trên vai áo anh, mắt nhìn thẳng như chờ đợi một điều gì. Cửa thang máy mở ra. Vài đôi bạn trẻ ùa vào. Anh đưa tay, vẫy cô, tạm biệt. Cô ngập ngừng bước vào rồi vươn tay bấm nút. Anh thở phào nhẹ nhõm, khi cánh cửa từ từ khép lại. Anh không kịp thấy cô nắm chặt quai túi xách, ánh mắt hụt hẫng rơi trên tấm cửa thép sáng bóng, lạnh tanh…

Anh sải nhẹ bước trên hè phố, thò tay vào túi khi điện thoại rung lên. “Anh ngủ chưa? Em vừa đi chơi với đoàn về.” Là tin nhắn của vợ anh, đang đi dã ngoại cùng cơ quan. “Anh vừa đưa bạn đi xem pháo hoa xong. Đang về nhà ngủ đây!”. “G9 anh nhé!” Anh thả tim rồi bỏ điện thoại vào túi, ngước lên tầng cao của khách sạn - nơi anh dừng lại trước cửa thang máy, với ý nghĩ chắc cô vui với đêm pháo hoa rực rỡ, nên quên mất lời mè nheo “bù trừ” hôm nao…

Cô không bật đèn phòng, mở rèm che cửa sổ nhìn xuống đường. Cô thấy anh ngước nhìn lên. Bóng anh in dài ở đó, thật lâu...

NGUYỄN THÀNH

;
;
.
.
.
.
.