Vào mùa hè, du khách tấp nập đến Đà Nẵng tắm biển, nghỉ dưỡng, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, giải trí sôi động, thi đấu thể thao… Tuy nhiên, điều này không được duy trì ở các mùa còn lại trong năm, đến mùa đông thì hoạt động du lịch gần như đóng băng. Do vậy, thành phố cần có giải pháp đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó nên chú trọng phát triển loại hình du lịch văn hóa, bởi loại hình này ít lệ thuộc vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu…
Hải Vân Quan là một địa chỉ du lịch văn hóa ấn tượng, hấp dẫn. Ảnh: S.T |
Tiềm năng du lịch văn hóa ở Đà Nẵng khá đa dạng. Nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Nơi đây hội tụ 4 di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. Trong lòng di tích lớn này có hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Lễ hội Quán Thế Âm, một di sản văn hóa phi vật thể châu Á - Thái Bình Dương là văn khắc Hán Nôm trên vách đá (còn gọi là ma nhai).
Trong khi chờ đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch toàn bộ khu danh thắng, vấn đề cấp bách đặt ra là cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, giữ nguyên trạng, không để xảy ra tình trạng xâm phạm di tích dưới bất cứ hình thức nào, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của toàn bộ khu danh thắng.
Hằng năm, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức rất bài bản, chu đáo, thu hút không chỉ Phật tử mà còn đông đảo người dân và du khách thập phương. Đáng hoan nghênh là lễ hội luôn bảo đảm an ninh trật tự, nếp sống văn hóa, văn minh. Điều này rất quan trọng, bởi thực tế một số địa phương đã và đang xảy ra những biểu hiện không lành mạnh trong hoạt động lễ hội như kinh doanh trục lợi, mua thần bán thánh, coi tướng xem quẻ, đốt vàng mã bừa bãi…
Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lễ hội cầu ngư ở các làng chài ven biển, được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các lễ hội đình làng như ở Hải Châu, Túy Loan, Hòa Mỹ, lễ hội Mục đồng Phong Lệ... Khi thành phố có chiến lược phát triển du lịch văn hóa thì cần có chủ trương, giải pháp bảo tồn và phục hồi các lễ hội này vì nó thể hiện bản sắc văn hóa của một vùng đất.
Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia chung của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án bảo tồn, tu bổ di tích do hai địa phương góp vốn thực hiện dự kiến hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Đây là một địa chỉ du lịch văn hóa ấn tượng, hấp dẫn. Vượt qua những đoạn đường đèo ngoạn mục là gặp ngay cảnh trên sơn dưới thủy, mây núi vờn quanh, gặp một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng gần 200 năm trước. Thiết nghĩ, việc phát huy giá trị di tích và phục vụ du khách cần được hai địa phương phối hợp triển khai tổ chức ngay từ lúc này.
Đà Nẵng cũng khá nổi tiếng về hoạt động bảo tàng. Hiện nay, thành phố đang đầu tư hơn 500 tỷ đồng để cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng - một trong những vị trí đẹp nhất của thành phố - thành Bảo tàng lịch sử. Công trình sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2024. Khi dự án hoàn thành thì kết nối với Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải để trở thành một không gian văn hóa lý tưởng.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm có lịch sử hoạt động hơn 100 năm, mới được trùng tu, nâng cấp, mở rộng không gian, và được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Nơi đây đang lưu giữ và trưng bày cả ngàn hiện vật có giá trị, trong đó có 6 bảo vật quốc gia. Lãnh đạo thành phố đã phê duyệt quy hoạch và xây dựng di tích khảo cổ văn hóa Chăm Phong Lệ, được xem là cơ sở 2 cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Để tăng thêm sản phẩm du lịch, góp phần níu chân du khách, bảo tàng cần có kế hoạch phối hợp các đơn vị chức năng xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm. Năm 2022, Khu di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam đã xây dựng thành công chương trình nghệ thuật “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, phục vụ rất tốt cho nhân dân và du khách. Đà Nẵng nên tham khảo chương trình này để xây dựng chương trình riêng cho mình.
Đà Nẵng là một trong ba địa phương của cả nước có Bảo tàng Mỹ thuật. Mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 nhưng bảo tàng này nhanh chóng trở thành một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy cho giới nghệ sĩ và khán giả nghệ thuật thị giác trong và ngoài nước. Các cuộc triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại đây hầu như hằng tháng. Đáng chú ý, các bảo tàng mỹ thuật rất kén du khách, nhưng đến đây hầu hết là du khách “chất lượng cao”, có phông văn hóa và khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt, sự “lan tỏa” của họ rất lớn.
Thành phố còn có hai nhà hát chuyên nghiệp đã và đang hoạt động có chất lượng. Tại sân khấu Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2023, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Trưng Vương biểu diễn khá tốt được khán giả ghi nhận. Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - nơi lưu giữ và phát huy gia trị tinh hoa nghệ thuật dân tộc ở xứ Quảng, có ý thức trong việc phục vụ nhân dân và du khách bằng chương trình “Tuồng xuống phố” biểu diễn định kỳ ngoài trời bên bờ sông Hàn và chương trình “Hồn Việt” chủ yếu phục vụ du khách tại Nhà hát.
Vừa qua, Liên hoan phim châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng là một trong những sự kiện văn hóa lớn trong cả nước, khi được tổ chức thường xuyên thì sự kiện này cùng với Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng chắc chắc sẽ thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Như vậy, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Vấn đề đặt ra là kế hoạch tổng thể, trong đó cần xử lý tốt mối quan hệ giữa hai ngành văn hóa và du lịch theo hướng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển một cách bền vững.
NSND HUỲNH HÙNG