Giải pháp lọc nước uống nhờ công nghệ nano

.

Mong muốn đem đến nguồn nước sạch cho giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đội Water Ice, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công dự án “Hệ thống nước uống dùng công nghệ lọc nano”. Dự án vượt qua nhiều đội thi đến từ các trường đại học cả nước và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) để đoạt giải Nhất cuộc thi Dự án phục vụ cộng đồng toàn cầu (Global EPICS Innovation Showcase 2023). 

Các thành viên đội Water Ice cùng tập thể thầy cô hướng dẫn nghiên cứu dự án “Hệ thống nước uống dùng công nghệ lọc Nano” nhận giải thưởng tại cuộc thi Global Epics Innovation Showcase 2023. Ảnh: H.T.V
Các thành viên đội Water Ice cùng tập thể thầy cô hướng dẫn nghiên cứu dự án “Hệ thống nước uống dùng công nghệ lọc Nano” nhận giải thưởng tại cuộc thi Global Epics Innovation Showcase 2023. Ảnh: H.T.V

Cuộc thi Global Epics Innovation Showcase 2023 nằm trong khuôn khổ dự án BUILD-IT, do Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ liên kết cùng các trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, trình bày và phản biện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Cuộc thi thúc đẩy sinh viên nghiên cứu 3 vấn đề và đề xuất giải pháp gồm: cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và cung cấp năng lượng. Từ đó, giải pháp của các nhóm đưa ra sẽ giúp cải tạo, nâng cấp hệ thống nước tại Trường Tiểu học Duy Vinh do USAID đầu tư và US Army of Engineering (USAE) quản lý dự án. Được biết, USAE kết hợp BUILD-IT tìm kiếm dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng từ sinh viên và triển khai sau khi dự án được chọn.

Trình bày ý tưởng dự án, Hoàng Văn Thắng, lớp 22 ECE, Khoa Khoa học và Công nghệ tiên tiến, Đội trưởng Water Ice cho hay, đội dành nhiều tháng khảo sát hệ thống cung cấp và lọc nước uống của 81 học sinh và 6 giáo viên tại Trường Tiểu học Duy Vinh, nhận thấy nhiều vấn đề như: áp lực nước chảy yếu, vòi lấy nước chưa được vệ sinh và vòi nước thải, nước uống đặt gần nhau... Trước tình trạng này, đội nghiên cứu, đưa ra giải pháp về một hệ thống cung cấp và lọc nước sử dụng công nghệ nano.

Theo Thắng, nguyên lý hoạt động của hệ thống là ngày thường nước được bơm từ đường nước thủy cục lên tầng mái của trường, tích vào bồn chứa 1.000 lít (bồn trước lọc) được đặt cao 1m so với sàn tầng mái. Từ đó, nước tiếp tục chảy qua ba lõi lọc nước được nhóm cung cấp, cho ra kết quả nước đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Tiếp đến, nước chảy xuống bồn chứa 1.000 lít khác (bồn sau lọc) và từ bồn này, nước chia ra 3 đường: một đường xuống nhà vệ sinh giáo viên, một đường xuống nhà vệ sinh học sinh và đường còn lại sẽ đi qua 2 bộ lọc nano CLEANSUI đặt ở tầng 1 và tầng 2. “Đối với ngày mưa bão, khi bị mất nước và mất điện, học sinh, giáo viên vẫn có thể dùng hết 2.000 lít nước được trữ sẵn trên mái. Sau khi sử dụng hết nước trên tầng mái, sẽ dùng hệ thống nước giếng đưa lên bồn 2.000 lít, cao 2m so với mặt đất để xử lý tiền lọc. Sau đó, nước từ bồn sẽ chảy qua 3 bộ lọc tương tự và cuối cùng chảy qua lọc nano CLEANSUI để uống trực tiếp. Nguồn nước đầu ra, nhóm đã đem đi kiểm định và kết quả đạt tiêu chuẩn cấp nước của Bộ Y tế Việt Nam (độ pH và TDS)”, Thắng mô tả.

Trong khi đó, sinh viên Trần Nguyên Khánh, lớp 21 TDHCLC2, Khoa Điện, thành viên đội Water Ice cho biết, ưu điểm của hệ thống là dùng được trong trường hợp mất điện, mất nước và lọc nước dùng áp lực nước (không phụ thuộc vào nguồn điện), chi phí bảo dưỡng, lắp đặt vừa phải, nước uống bảo đảm sức khỏe, an toàn. Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống là chiếm không gian khá lớn.

Trực tiếp hướng dẫn đội Water ICE, TS. Lê Thị Xuân Thùy, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa cho hay, dự án của đội Water Ice được đánh giá mang tính ứng dụng và khả thi cao, giá thành vừa phải. Nếu dự án được triển khai thực tế sẽ giải quyết nhiều vấn đề về cung cấp nước sạch cũng như xử lý nước thải tại Trường Tiểu học Duy Vinh.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.