Hoàng Phủ Ngọc Tường với tình đất, tình người xứ Quảng

.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn Việt Nam hiện đại, được biết đến như một người viết bút ký, tùy bút hay, có bản sắc, là tác giả hàng chục đầu sách, có tác phẩm được đưa vào giảng dạy và đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn (Ai đã đặt tên cho dòng sông). Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, như Nguyễn Tuân đánh giá, có “rất nhiều ánh lửa”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi bạo bệnh, phải ngồi xe lăn. Ảnh: Internet
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi bạo bệnh, phải ngồi xe lăn. Ảnh: Internet

Trong văn học Việt Nam hiện đại, ngoại trừ những nhà văn gốc Quảng, thì một người không sinh ra tại nơi này, song, có những trang viết đậm đà nghĩa tình với đất Quảng, đó là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.  Ông đến mảnh đất này với tất cả tình cảm chân thành, sâu nặng, tình nghĩa. Đất và người xứ Quảng quyến luyến trên từng bước chân và ngòi bút của nhà văn. Ông đã nghĩ, đã viết về đất Quảng với những con người của hôm qua mà bóng dáng còn in sừng sững vào lịch sử dân tộc.

Trong Đứa con của phù sa, trước mộ Hoàng Diệu, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: Tôi có đi thăm mộ cụ Hoàng Diệu ở giữa cánh đồng Xuân Đài. Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ của những viên quan lớn vô tích sự trên triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy. Mộ là một nắm vôi khô nằm vùi giữa đồng cỏ voi, xa khu dân cư nên trong chiến tranh thoát khỏi bị xe Mỹ càn ủi. Đúng một trăm năm sau ngày Hoàng Diệu tuẫn tiết, xã đã trùng tu lại nơi yên nghỉ của cụ, quy cách khiêm tốn như nó vốn thế. Tường lăn sơn trắng phơn phớt hồng nổi lên màu lá xanh, bát ngát và trong sáng, đúng là giấc ngủ của người anh hùng.

Người sinh ra ở Gò Nổi để chết dưới chân thành Hà Nội, xương thịt trở về với đất làng mà chính khí vang động sử sách, “trời cao bể rộng đất dày - núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi.” (Đứa con phù sa, Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường - tập 2- NXB Trẻ, 2002, tr. 452).

Đặc biệt, con người và cái chết lẫm liệt của Trần Cao Vân thu hút ngòi bút Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn thành kính tưởng niệm Trần Cao Vân, tìm đến cái “Chất Quảng Nam” mạnh mẽ ở nhân cách này, “luôn luôn tìm cách lập thuyết cho con người hành động của mình” (Sđd, 86). Suốt đời Trần Cao Vân chỉ có hai màu áo: màu trắng khi ra pháp trường; còn lại, khi thì thư sinh, là thầy dạy học, là tu sĩ, là chiến sĩ cách mạng, bao giờ cũng chỉ có một màu áo xanh chàm của vùng sông Thu Bồn” (Sđd, trang 88). Hoàng Phủ Ngọc Tường ngưỡng vọng Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… “đều lồ lộ một con người lập thuyết như vậy” (Sđd, trang 86).

Với xứ Quảng, ông quan sát, cảm xúc tinh tế về “mảnh đất đã một lần tử vong này”, như ông nói, bằng những trang văn chân thật, giản dị, da diết đi ra từ chính trái tim bồi hồi của người nghệ sĩ trước cuộc sống.  

Thiên ký sự dài Vành đai trong lửa, chưa đến 100 trang, vóc dáng của nó như một tiểu thuyết sử thi về một miền đất, đó là “vùng căn cứ Điện Bàn, áp sát vành đai Hòa Vang nằm trải thành một khu vực tam giác mà đỉnh nhọn là núi Bồ Bồ, nhìn xuống cạnh đáy là đoạn quốc lộ I chạy từ Gò Phật vào thị trấn Vĩnh Điện… lịch sử đã phân nhiệm và tôi luyện nó trong triệu độ lửa để trở thành một Tam Giác Sắt…” (Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say, NXB Đà Nẵng, trang 93). Vị trí chiến lược đó, trong hai cuộc kháng chiến đã sinh ra bao bà mẹ anh hùng, dũng cảm… những con người bình dị, gan dạ, nhân hậu, trung trinh.

Trong bài ký, có tên Tại sao Tổ quốc lại là mẹ?, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Quê hương Điện Bàn này, trong kháng chiến chống Mỹ nổi lên tên tuổi của ba bà mẹ, mà sự tích như đã thuộc về di sản tinh thần chung của một vùng đất. Đó là mẹ Sâm ở Điện Thọ, mẹ Phi ở Điện Hòa và mẹ Cộng ở Điện Tiến” (Sđd, trang 18). Hình tượng các người Mẹ đất Quảng chiếm vị trí trang trọng nơi các bài viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông viết về họ với sự kính mến, ghi ơn như bà mẹ và người vợ của Hoàng Diệu.

Một bút ký hay viết về vùng đất Gò Nổi, với tên gọi Đứa con của phù sa. Với 30 trang viết, Hoàng Phủ Ngọc Tường dựng nên một Gò Nổi kiên cường, bản lĩnh của vùng đất “Nhứt Củ Chì, nhì Gò Nổi”.

“Không biết từ đâu đã xuất phát sự so sánh đó, về tình trạng chiến tranh hủy diệt. Có lẽ chính là người Quảng Nam đã nói như vậy, những người Quảng Nam lưu vong, từ Xóm Bảy Hiền Sài Gòn đã ra đi từ hồi Đồng Khởi, đi đánh giặc ở Củ Chi và gửi lòng về mảnh đất Gò thương đau.

Gò Nổi như đứa con được nuôi nấng và lớn lên bằng bản lĩnh và vóc dáng của người Mẹ Đất Quảng (Sđd, trang 45, 44).

Nhà văn cảm nhận trên mỗi bước chân đi qua đất Gò. Những làng đảo sông nước hẻo lánh này không hiểu sao đã là nơi chôn mảnh nhau làm người của bao nhiêu anh hùng tuấn kiệt qua các thời, và như con chim phượng thần thoại chết trong lửa, mảnh đất đã sống lại một cách dũng mãnh không ngờ từ tro xương của nó (Sđd, trang 44).

Và một Gò Nổi hôm nay của Trần Cao Vân: “Tôi về thăm làng Tư Phú của Trần Cao Vân ở Gò Nổi, thấy ngan ngát màu xanh của lúa, của dâu, của dòng sông và bầu trời, lòng xiết bao cảm hoài tưởng thấy hiện bóng màu áo của Trần Cao Vân; Ôi, cái màu xanh thẳm sâu của Trung Thiên Dịch” (Sđd, trang 88).

Ông yêu cây đa Bàng Lãnh, yêu cánh đồng Kỳ Lam, yêu biền dâu miên man đến tận mép sông Thu Bồn, yêu góc chợ nhỏ Phong Thử, yêu làng Thái La của cụ Trần Quý Cáp, yêu Cửa Đại, Hội An, yêu khu phố Thạc Gián, yêu ngã ba Chợ Mới, yêu Đà Nẵng có những cái mới đáng khích lệ…

Đọc văn ông, yêu sao mảnh đất quê hương: “Từ đỉnh đèo đổ về phía Nam, cuối đám bụi nước mịt mùng kia, thành phố Đà Nẵng và những xóm làng Quảng Nam lượn mình trên một vịnh biển xanh thẳm uốn những nét cong hình cánh cung, tưởng chừng như thấy được dáng của đất nước hình chữ S” (Sđd, trang 32). Đây là những dòng thơ mượt mà và tráng lệ về vùng đất Quảng Đà.

Có thể nói, Hoàng Phủ Ngọc Tường có vốn văn hóa đầy đặn. Ông là nhà văn chịu khó đọc. Trong các bài viết của ông như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Đứa con phù sa, Đời rừng, Hoa trái quanh tôi, Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say… người đọc thú vị về những tra cứu, tìm tòi, lý giải của nhà văn thể hiện nơi các bài viết.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chịu đi, chịu chơi, đam mê đi tìm cái đẹp của cuộc sống, như ông tự đặt cho mình: Người ham chơi (NXB Thuận Hóa, 1998). Các vùng đất nhà văn đặt chân đến từ Lạng Sơn đến Cà Mau đều để lại dấu ấn: Rừng hồi, Ai về châu xưa, Cồn Cỏ ngày thường, Xứ Thậm Thình, Rồng Hạ Long, Hội Đền Đô, Ôi Sơn Mỹ, Trời Điện Biên mây trắng, Nghĩa trủng ở thành cổ Quảng Trị, Chuyện cũ ở Nhã Nam, Chuyện đầu năm “Hòn Ngọc Viễn Đông”, Ngẩng nhìn Tháp Mười, Hồng Lĩnh, Hồ Gươm, Bước tới Đèo Ngang, Núi Dục Thúy…

Nguyên Ngọc rất có lý khi viết những dòng về Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tập Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say, rằng là: “Văn học, nói theo cách nào đó, là nỗi khắc khoải không nguôi của con người trên hành trình muôn dặm của mình, để cho quá khứ không chỉ là dĩ vãng, mà là than đá dồn nén cồn cào trong lòng đất và luôn đòi bốc cháy”.

Văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là thứ văn hướng nội, đau đáu về con người, thể hiện một thứ ngôn ngữ súc tích, trữ tình và mê đắm lòng người. 

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.