Mầm thiện

.

Trưa, trời nắng gắt như đổ lửa xuống mặt đất. Nhiệt độ lên đến mức cao nhất, nắng già nhất, tưởng chừng như đang ngồi trong lò nung khiến mọi thứ như đang bị hấp chín. Những cơn gió lướt qua không còn cảm giác mát mẻ như lúc sáng sớm, mà mang theo hơi nóng. Khắp nơi, là một màu vàng ruộm như đồ chiên, sức nóng khiến cảnh vật như bị nhòe đi. Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây, cũng vắng cả bóng dáng những chú chim chao lượn. Hàng cây đứng lặng im, ỉu xìu dưới nắng gắt. Những cơn gió mát bỗng trở thành thứ đồ xa xỉ được mong chờ nhất lúc này. Thế nhưng, nó cũng chỉ lướt qua trong thoáng chốc, rồi lại gợi lên gấp mấy lần cái oi bức của trưa hè. Những lúc này, mọi người đều cố gắng tránh nóng bằng nhiều cách khác nhau và mong chờ một cơn mưa đến, xua đi nóng bức. Người ngồi trong nhà, mồi hôi nhễ nhại, chảy xuống cả cổ áo. Chỉ có lũ ve sầu là vẫn ra sức kêu ve… ve… ve… khiến người ta càng thêm nhức đầu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hắn cắm cúi lê từng bước trên đường 30 Tháng 4 một cách chậm chạp. Có lẽ hắn không còn đủ sức để bước đi nữa, phải ngồi nghỉ một chút lấy sức thì mới có thể đi tiếp được. Không khí ngột ngạt quá.

Chợt mắt hắn sáng rực khi nhìn thấy chiếc xe máy Honda SH Mode 2022 mới cáu dựng trước cửa hàng tiện lợi, chìa khóa vẫn để trên ổ. Con xe này “đập thùng” có giá gần tám mươi triệu đồng. Nếu “nhảy” được “bỏ rẻ” sẽ có trong tay năm mươi triệu đồng. Số tiền ấy sẽ giúp hắn giải tỏa cái đói khát của những ngày qua và bớt đi nỗi lo lắng trong những ngày sắp tới. Đôi mắt của hắn láo liên quan sát chung quanh rồi thận trọng tiến lại gần “con mồi”. Với kinh nghiệm của hắn thì chỉ chưa đầy hai phút con xe này sẽ không cánh mà bay.

Hắn xoa hai bàn tay vào nhau, hít một hơi thật dài để trấn tĩnh. Hắn hồi hộp! Từng nhịp tim đánh trống trong lồng ngực. Phải thật bình tĩnh, bình tĩnh - Hắn tự nhủ, chỉ một chút xíu thôi là con xe cáu cạnh này sẽ về tay mình. Hắn cúi xuống giả vờ buộc lại dây giày nhưng mắt không ngừng quan sát mọi động tĩnh chung quanh, đây là hành động bắt buộc phải làm để đảm bảo sự thành công, để không bị tóm để rồi phải ngồi bóc lịch trong nhà đá, mà ngồi nhà đá “ăn cơm tù mặc áo số” thì hắn đã quá quen thuộc rồi.

Thận trọng. Hắn thò tay vào túi quần kaki bạc màu lấy chiếc chìa khóa vạn năng, vật bất ly thân của hắn, chuẩn bị hành động thì bất chợt trong đầu hắn vang vọng lời dặn của giám thị Hoài Thương: “Ra trại, nhớ tìm lấy một việc làm lương thiện mà tu chí làm ăn, đừng “ngựa quen đường cũ” nữa. Bao nhiêu năm “vào tù ra khám” như vậy phải rút ra bài học cho bản thân mình chứ. Đừng để người thân, gia đình và ban lãnh đạo trại buồn, thất vọng về anh. Tôi tin anh sẽ làm được, sẽ trở thành người công dân có ích cho xã hội...”.

Mồ hôi cơ thể hắn túa ra ướt đẫm lưng áo. Chẳng biết là do ảnh hưởng của thời tiết oi ả của cái nắng trưa hè hay vì lời dặn dò của giám thị Hoài Thương. Những ngón tay mân mê chiếc chìa vạn năng nửa như muốn rút ra khỏi túi quần nửa muốn không, mồ hôi ướt đẫm bàn tay nhớp nháp. Chậc! cứ mần đi, chuyện đâu hay tới đó - hắn tự nhủ, để giải quyết cái đói cái đã, bụng đang sôi réo cồn cào đây. Đã mấy ngày nay hắn chẳng có cái gì nhét vào bụng. Để giải quyết cái đói, hắn lục tìm thức ăn thừa trong thùng rác ở các quán ăn ven đường để ăn. Thấy hắn trai tráng khỏe mạnh không ít tiếng xì xào: “Đồ làm biếng! trai tráng khỏe mạnh thế kia sao không đi kiếm việc làm để có cái ăn mà phải đi lục đồ ăn thừa người ta đổ đi…” rồi ném vào người hắn cái nhìn khinh bỉ.

Ờ, nói tới việc làm, có phải hắn không muốn có việc làm đâu. Họ nghĩ vậy là oan cho hắn. Hắn cũng đã đi xin việc làm ở nhiều nơi nhưng người ta đều lắc đầu không nhận khi biết được lí lịch trích ngang của hắn. Họ lo lắng. Họ ngại. Họ sợ...

Trong tận cùng của sự đau khổ, cô đơn, hắn nhớ tới má. Đã lâu rồi hắn không về thăm má. Hắn chẳng còn mặt mũi nào để mà về gặp má, người phụ nữ luôn sống trong cảnh cam chịu và gặp nhiều bất hạnh, vì mặc cảm tội lỗi. Ngày má mang bầu hắn, kẻ bạc tình đã “quất ngựa truy phong” ruồng rẫy để theo đuổi lấy cô tiểu thư con nhà giàu ở thành phố, sau này gia đình họ chuyển đi đâu má hắn cũng không biết và cũng không cần phải biết đến cái con người bạc tình bạc nghĩa ấy.

Cái tiếng đàn bà không chồng mà chửa là đàn bà hư hỏng, nên chẳng có trai làng nào dám lấy má hắn về làm vợ. Họ sợ bị người làng trên xóm dưới dị nghị, dè bỉu, làng thiếu gì con gái, không lấy lại đâm đầu vào lấy cái con “chửa hoang” về làm vợ. Mày lấy cái ngữ ấy về để bôi tro chát chấu vào mặt tao à? Mày mà lấy nó là tao từ, không có ba con gì hết, giữa tao và nó mày chỉ được chọn một, mày chọn nó hay là tao?…

Vài năm sau má hắn gá nghĩa với một người đàn ông góa vợ ở xóm Thượng làng bên. Thôi thì, xuân sắc có thì, má hắn nhắm mắt lấy người mình không yêu để làm chỗ dựa lúc ốm đau bệnh tật nương tựa vào nhau mà sống quãng đời còn lại, cho hắn có người để gọi cha. Nhưng người cha dượng của hắn lại là kẻ nát rượu, mồm miệng nồng nặc mùi rượu, biếng làm cộng thêm cái tính hay ghen. Chính vì cái tính ghen tuông ấy mà chẳng người vợ nào ở được với ông, đành dứt áo ra đi. Cha hắn có nghề thợ mộc, chịu khó, siêng năng cuộc sống gia đình cũng không đến nỗi nào, nhưng vì nát rượu, công việc trễ nải, dần mất uy tín nên người trong làng chẳng ai thuê làm nữa, thành ra cha hắn suốt ngày quanh quẩn ở nhà làm bạn với ma men, mặc cho má hắn khuyên can thế nào cũng mặc. Thậm chí còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với má hắn những trận đòn thừa sống thiếu chết không chút nương tay, thương xót.

Nhà có vài sào ruộng nhiễm mặn nên chẳng canh tác trồng trọt được gì. Cái đói, cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình hắn, mặc dù má hắn đầu tắt mặt tối suốt ngày lam lũ ngoài đồng làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con. Nhà nghèo, cha không cho hắn đi học mà chỉ bắt hắn xuống biển xin cá của ngư dân để về nhà ăn. Mỗi ngày sống cùng cha dượng là mỗi ngày hắn sống cùng đòn roi chằng chịt vết sẹo trên lưng. Tuổi thơ của hắn cứ thế lay lắt qua ngày.

Năm chín tuổi vì không chịu nổi đòn roi, sự ghẻ lạnh của cha dượng, hắn quyết định bỏ nhà đi bụi với mong muốn thoát khỏi khổ ải và hy vọng sẽ tìm được cha ruột mình nhưng tìm hoài chẳng có tin tức gì. Một đứa trẻ chín tuổi - cái tuổi còn con nít như hắn thì biết xoay xở như thế nào đây? Đơn côi một mình, không tiền bạc, hắn lang thang từ Quảng Trị đến bến xe Thừa Thiên Huế. May mắn thay, hắn được một phụ nữ tên Hạnh giúp đỡ tìm việc làm ở chợ Đông Ba với nghề rửa chén thuê cho tiệm cơm phần ở bến xe.

Hai năm xa nhà, hắn nghĩ lại, muốn trở về quê hương đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng, ngày về đến nhà hắn như bị dội nước lạnh vào mặt. Người cha dượng ngày nào vẫn cứ chửi bới, xua đuổi hắn ra khỏi nhà như đuổi tà. Má hắn van xin chồng cho con ở lại nhưng chẳng thể nào xoay chuyển được cái tâm can cằn cỗi của người chồng. Không muốn má phải lo lắng và khổ vì mình, hắn lại dứt áo ra đi.

Hắn lại trở vào Huế tiếp tục làm đủ mọi nghề để kiếm sống qua ngày, trong đó, nghề bốc vác ở ga tàu chính là điểm bắt đầu cho cuộc đời đầy tội lỗi của hắn. Những năm tháng lăn lộn với đời đã tạo cho hắn phong trần khác biệt với cậu bé nhút nhát, rụt rè thuở nào. Mười bốn tuổi, hắn đã chỉ đạo đàn em trộm cả mấy cái đầu lợn của một số nhà dân đang cúng giao thừa để đánh chén. Sau vụ việc này, băng trộm nhí bị phát hiện, hắn bị quản thúc rồi đưa vào Trại giáo dưỡng cải tạo ba năm.

Bước ra từ trại giáo dưỡng khi bước vào tuổi mười bảy sau ba năm “rèn luyện” hắn đã có đủ vốn sống, tập hợp lớp đàn em choai choai dưới trướng, tổ chức băng nhóm chuyên “nhảy tàu”, “nhảy xe” từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng, mục đích là lợi dụng đoạn đường nguy hiểm qua đèo để ra tay trấn lột tài sản của hành khách. Một lần, bị phát hiện và tri hô, băng nhóm của hắn có hai tên đàn em bị bắt. Sau lần ấy, hắn quyết định rời Đà Nẵng vào miền Nam “lập nghiệp”.

Rồi hắn đặt chân đến đất Thành phố Hồ Chí Minh phồn hoa đô hội. Ngày bước chân đến Sài Gòn, hắn cùng các đối tượng nghiện là đàn em của mình lập thành băng nhóm và tổ chức hoạt động bảo kê cho các nhà hàng, khách sạn, quán nhậu. Nhờ kiếm được số tiền lớn từ bảo kê, hắn mới tồn tại giữa một đô thị hạng nhất Việt Nam, bằng không, chỉ có nước chết vì thiếu thuốc do mỗi ngày phải ngốn hết hơn một triệu đồng.

Khi thấy một nhà hàng, khách sạn ở quận Tân Bình ăn nên làm ra, hắn cùng các đệ tử của mình tìm đến yêu cầu ký hợp đồng để bảo kê, không ngờ thằng Thanh “đầu bò” cũng nhăm nhe đòi bảo kê nên đôi bên xảy ra mâu thuẫn. Để giải quyết mâu thuẫn mà không gây đổ máu cho đôi bên hắn và Thanh “đầu bò” thi độ lì. Hai đại ca để cho đàn em châm thuốc lá vào người, người nào chịu đựng được lâu hơn người đó sẽ thắng. Đàn em của hắn đốt thuốc lá châm lên khắp người Thanh “đầu bò”, đổi lại, lính Thanh “đầu bò” châm thuốc lên người hắn. Thanh đầu bò chỉ chịu đựng được mười hai điếu nên phải từ bỏ cuộc thi, nhường lại lãnh địa.

Cứ thế, hắn bị truy nã toàn quốc. Trốn truy nã, hắn phải “tẩu” sang Campuchia. Mặc dù ở đất khách quê người, nhưng với bản tính giang hồ, hắn tiếp tục gây dựng cánh đàn em bảo kê khu người Việt. Nhưng rồi không thể cạnh tranh được với nhóm giang hồ bản địa, hắn trôi dạt sang Lào trước khi về Việt Nam và trở thành “đại ca” của nhóm giang hồ tại An Sương.

Lưới trời lồng lộng, hắn bị “xộ khám” lần thứ tư, chấp hành án phạt ba năm rưỡi tù giam. Nhờ cải tạo tốt, hắn được ra tù trước hạn sáu tháng...

Chợt hắn giật nảy mình bởi tiếng quát:

-  Anh kia! Anh làm gì mà ngồi lên xe của tôi thế kia? - Người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, quần tây xuất hiện đột ngột làm đứt ngang luồng hồi tưởng của hắn.

- Dạ… dạ… em ngồi coi xe cho anh ạ. - Hắn ấp úng trả lời, bàn tay vân vê gấu áo nhăn nhúm, bạc thếch.

- Cửa hàng có camera giám sát, tôi đã khóa xe rồi, đâu cần anh phải coi? - Người đàn ông nhìn hắn với cặp mắt dò xét…

-  Dạ... dạ… chìa khóa anh vẫn để trên ổ khóa chưa rút ra ạ. Em đi kiếm việc làm qua thấy xe không rút chìa khóa, nghĩ chủ nhân quên, nếu không có người đứng coi sẽ bị bọn đạo chích “nẫng” mất ạ. - Hắn lí nhí giải thích.

Người đàn ông đưa mắt nhìn ổ khóa xe máy thì giật mình khi thấy chìa khóa vẫn còn nằm trên ổ. Ông nắm lấy bàn tay hắn cảm ơn rối rít vì nếu không có hắn trông xe thì ông sẽ phải ra về tay không.

- Thế anh đã kiếm được việc làm chưa? - Người đàn ông hỏi.

- Dạ… thưa… chưa ạ. Ai mà dám nhận thằng tù như em hả anh - Hắn trả lời ngập ngừng, bàn chân di di xuống đất, mắt chẳng dám nhìn người đối diện.
Nghe hắn nói, người đàn ông giật sững người vì bất ngờ, nhưng rồi ông rút bóp, đưa cho hắn cái danh thiếp.

-  Sáng mai, anh đến địa chỉ trong danh thiếp gặp tôi. - Người đàn ông vỗ vai, bắt tay hắn chào tạm biệt hẹn gặp vào sáng ngày mai.

Người đàn ông đi khuất, hắn cầm tấm danh thiếp, lẩm nhẩm đọc “Nguyễn Văn Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Ánh Dương…”.

TRƯƠNG ANH SÁNG

;
;
.
.
.
.
.