Kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29-3 tại quận Thanh Khê. Thông tin này như chạm tới niềm mong mỏi của đồng đảo người dân, đặc biệt với những thế hệ đi qua thăng trầm từ thời thành phố còn là một thị cảng nhỏ. Bởi đây chính là chốn tới lui chăm sóc tâm hồn của các thế hệ người Đà Nẵng thuở phương tiện giải trí ở thành phố còn thiếu thốn.
Đều đặn từ mỗi sáng sớm và chiều muộn, gắn bó hàng chục năm nay với bờ hồ công viên, ông Trọng Tạ, nhà gần ngã ba Cai Lang, nay là đường Lý Thái Tổ cho biết, ngày mới giải phóng thành phố có được chút không gian xanh lại thêm nhiều trò vui chơi như ở Công viên 29-3 thì giá trị lắm. Phương tiện giải trí hạn chế, đi lại không dễ như bây giờ nên đi đâu thì đi, nhất là những dịp lễ, Tết phải đến công viên để vui chơi, chụp ảnh. Công viên cũng trở thành vườn thú mini khi thu nhận và nuôi giữ nhiều loài động vật như như nai, trăn, khỉ, cá sấu… để phục vụ nhu cầu thăm thú của nhiều người.
Theo đà phát triển, không gian vui chơi của thành phố ngày càng được mở rộng để phục vụ nhu cầu văn hóa của người dân, Công viên 29-3 không còn giữ được vị thế là địa điểm vui chơi số một. Có chút nuối tiếc khi một thời gian dài, nơi này chưa nhận được sự đầu tư xứng tầm. Khung cảnh lỗi nhịp từ thế kỷ trước, khu vui chơi nghèo nàn cũng bắt đầu hoen rỉ, vườn thú héo mòn. Đó là chưa kể hệ thống nước thải của các khu dân cư xung quanh làm hồ nước bị ô nhiễm, thường xuyên bốc mùi, ảnh hưởng tới hình ảnh công viên và sinh hoạt thường ngày của người dân. Nhiều bất cập, thiếu thốn, hạn chế về tiện ích ở địa điểm mà hầu như mọi thời điểm trong ngày đều rất đông người, đặc biệt là những tháng mùa hè…
10 năm trước, chủ trương cải tạo công viên đã được thành phố xúc tiến, tuy nhiên việc kêu gọi xã hội hóa gặp khó khăn. Không bỏ cuộc, để chuẩn bị cho việc cải tạo không gian văn hóa gắn với quá trình phát triển của thành phố, từ năm 2019 cuộc thi tìm kiếm phương án điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc Công viên 29-3 đã được tổ chức. Trong số hàng loạt phương án kiến trúc dự thi thì phương án “Chiếc nhẫn vì hòa bình” do Công ty StudioMilou Architecture (Singapore) thiết kế đạt giải Nhất với phần thưởng 300 triệu đồng, phương án này cũng được trao giải cộng đồng bởi trong thiết kế chứa đựng nhiều thông điệp.
Các kiến trúc sư đưa ra phương án bố trí 100 vòi phun nước để tạo ra những màn trình diễn nước ngoạn mục với các hiệu ứng trình chiếu và mang đến cho công viên bầu không khí trong lành, mát mẻ của hơi ẩm thổi dọc theo hàng cột. Cạnh đó, thiết kế một quán cà-phê sân vườn lớn ở phía đối diện và nhà hát ngoài trời để tổ chức các buổi hòa nhạc, sự kiện văn hóa… Kết cấu trong kiến trúc có thể nhìn được từ máy bay khi cất cánh từ sân bay Đà Nẵng.
Việc đầu tư cải tạo mảng xanh ngay giữa trung tâm thành phố là tín hiệu đáng mừng, Công viên 29-3 sẽ nâng cấp, cải tạo với nguồn vốn hơn 673 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc giải tỏa, lấy lại không gian vốn có trước đây của công viên. Đồng thời biến không gian này thành địa điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí, góp phần nâng chất lượng cuộc sống ở thành phố đáng sống. Ngoài các hạng mục như nạo vét lòng hồ để phục vụ điều tiết chống ngập thì còn đầu tư các hạng mục khu thể dục thể thao, bãi đậu xe, nạo vét lòng hồ, lắp đặt hệ thống cột phun nước... Trong đó các công trình kiến trúc mà phương án thiết kế “Chiến nhẫn hòa bình” cũng được nhấn mạnh.
Đáng mừng hơn, lần này thành phố cũng đầu tư, nâng cấp hàng loạt thiết kế văn hóa khác trải đều ở cả đông - tây, hướng đến các đối tượng khác nhau ở thành phố. Đó là đầu tư cải tại Khu công viên phía tây Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (quận Sơn Trà) nhằm tái hiện công lao khai phá kênh Vĩnh Tế của Thoại Ngọc Hầu cũng như biểu trưng sự kết giao giữa quận Sơn Trà và huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Là Trung tâm Văn hóa thể thao kết hợp biểu diễn đa năng phục vụ cho công nhân, học sinh, sinh viên khu vực phía tây thành phố (quận Liên Chiểu).
Thành phố đã có chặng đường 30 năm bứt phá trong phát triển đô thị, mở mang hạ tầng nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì việc quy hoạch không gian dành cho công viên và cây xanh chưa xứng tầm. Một thành phố đáng sống, người dân phải có đời sống ấm no, được thụ hưởng cả về giá trị vật chất lẫn tinh thần. Có hình thành được đôi cánh hoàn chỉnh về kinh tế - văn hóa thì Đà Nẵng mới bay cao, bay xa hơn nữa trong ý niệm “đáng sống”.
LÝ TRƯỜNG