Một cuốn du ký đáng đọc

.

Cuốn “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan” được Camille Paris, một “ông quan dây thép” viết bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris năm 1889 (Nguyễn Thúy Yên dịch, NXB Hồng Đức, 2021). Đây là tác phẩm mang tính ký sự, do một kỹ sư “chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ” viết trong thời kỳ đầu thiết lập chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Vì là người chuyên làm kỹ thuật ở một lĩnh vực mới mẻ ngay cả với thế giới (điện báo), nhưng bằng óc quan sát tinh tế cộng với tính ưa mạo hiểm, khám phá mà C. Paris có một ghi chép chân thực, độc đáo về một vùng đất hết sức gần gũi, thân thiết theo đường cái quan từ Huế đến Bình Thuận, dĩ nhiên là dọc theo duyên hải “Trung kỳ”.

1.  Cách đây gần 140 năm vùng đất miền Trung này như thế nào? Thật khó để có một hình dung chi tiết về dải đất miền Trung bấy giờ, bởi ngoài một vài thông tin theo kiểu “thượng kinh”, hoặc các chiếu chỉ, sắc tứ thường rất ít, lại thêm chiến tranh và thiên tai tàn phá, nên tác phẩm của C. Paris là một ghi chép khá toàn diện về tự nhiên, đặc biệt về rừng núi, sông, đầm, phá, thú rừng, con đường cái quan và đời sống dân cư, quan lại, lính thú… của vùng đất “mới” vốn dĩ nghèo khó và khắc nghiệt này.

Bắt đầu công việc từ Huế, điểm cuối là Bình Thuận, “ông quan dây thép” được giấy giới thiệu của Cơ mật viện (triều đình Huế) để được phép huy động cu-li phục vụ cho công việc. Phương tiện di chuyển hầu hết là ngựa, qua hơn 800km, tuy mang tiếng “cái quan” nhưng cơ bản là đường mòn, hình thành theo thói quen đi lại sao cho thuận tiện. Ông ghi chép tỉ mỉ những điều thấy, nghe, trải qua và thường có nhận xét chính xác. Ví dụ việc tổ chức liên lạc giữa các địa phương với triều đình bấy giờ phải qua trạm. Trạm là địa điểm nhận và chuyển thông tin (chiếu chỉ, báo cáo tình hình từ các địa phương…), người làm công việc ấy gọi là phu trạm. Riêng đoạn từ Huế vào cửa Hàn (Đà Nẵng) có 8 trạm, giữa các địa phương việc liên hệ được “nối’’ với nhau thông qua trạm, qua cách mô tả vị trí, tổ chức và sinh hoạt của những trạm này có thể hình dung chiều dài thiên lý của con đường cái quan mà ông trải qua.

Phần giá trị nhất của tác phẩm có lẽ là địa danh và vị trí địa lý của các địa phương bấy giờ. Các nhà nhân chủng học, sử gia… có thể thú vị khi biết danh mục tên đất, tên làng ngày ấy với hiện nay. Vài ví dụ gần chúng ta như quận Liên Chiểu có Làng Vân (Hòa Hiệp Nam hiện nay) vốn có tên cổ là làng Nam Chơn nơi đặt trạm Nam Sảng, hay trạm Nam Ô được đặt tại xã Hóa Ổ “một ngôi làng trông rất vui mắt”. Có vô số địa danh và sự thay đổi như vậy theo dọc con đường cái quan. Sự phát triển xã hội hay các biến cố lịch sử đã làm thay đổi địa danh?

2. Phần hấp dẫn của cuốn sách là những mô tả về phong cảnh và con người miền Trung, về những cánh rừng nguyên sinh, nơi có rất nhiều thú dữ. Ta sững sờ khi đọc thấy sắc màu rực rỡ của những bầy chim công (kim tước) tại khu rừng từ Thừa Lưu lên Ải Vân Quan, với những cơn mưa rừng “khủng khiếp, không ngừng, xối xả, lạnh lẽo, tàn phá”. Ta hiểu hơn câu “cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” khi tác giả mô tả chi tiết cái chết của một người Pháp, bị hổ vồ ở gần Nha Trang. Trên đường vạn dặm ấy, sách dành nhiều trang mô tả về những ngôi chùa, đình làng với những tượng Phật, thần, những phù điêu và cả những bức bình phong nhằm “che tránh những đôi mắt phàm tục”, hay những cây cau làm nên sự yểu điệu và kiêu hãnh của những ngôi vườn ở Quảng Ngãi, Bình Định…

Vì là người Quảng Nam nên ta dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết qua mô tả của C. Paris về những dòng sông và những con đường đến Hội An nơi vốn là một thương cảng nổi tiếng, hay về mùa yến làm tổ, cách khai thác yến và nhận xét về món ăn hiếm quý này, có thể ta không đồng ý nhưng đây là nhận xét đáng suy nghĩ “giá cả đắt đỏ của một món đồ sẽ kéo theo cơn sốt của nó. Bằng trải nghiệm và dứt khoát, tôi tin rằng sự phù phiếm đóng vai trò lớn hơn là mỹ vị trong món ăn này”. Còn đây còn hơn cả là sự hoài niệm “đường từ Thanh Khê đến Cẩm Lệ rất đẹp, hai bên toàn là cây mù u. Đường rộng 8m, con sông thì rộng 400m”. Ta có thể khôi phục những con đường mù u không?

3. Giá trị lớn và cũng là phần hấp dẫn là những ghi chép về con người, đời sống và phong tục, tập quán của người Việt, Chăm và một ít người các dân tộc khác. Ta thấy đủ để hình dung những ông quan tri huyện, lính lệ và sự nghèo khó của những nông dân, những người bị buộc làm cu-li. Không ít lần Paris nhắc đến cuộc nổi dậy của Nguyễn Duy Hiệu và tinh thần ghét Tây của nhân dân Quảng Nam, nhưng cũng nhiều trang ông viết về những thói xấu của quan lại cũng như sự lười biếng, thích khoe khoang của họ. 

Một trong những giá trị đáng lưu ý là những ghi chép về phong tục, tập quán của người miền Trung, từ ma chay của người giàu có (44 lễ theo thứ tự từ khâm liệm đến chôn cất); cũng như đám ma người cùng khổ; về việc sinh con và vai trò của người anh cả, tôn ti thứ bậc và phép tắc bắt buộc trong quan hệ gia đình và hàng xóm. Tục tảo hôn, ăn cưới (có 5 lễ trước lễ hợp cẩn) và “phụ nữ An Nam rất mắn”, quan niệm con nhiều là giàu có. Tình trạng gia trưởng và quyền của người chồng được bỏ vợ khi vợ vi phạm một trong bảy tội. Có thể nhiều phong tục ấy giờ không còn, nhưng qua mô tả của C. Paris cho ta một hình dung khá chi tiết và chính xác về đời sống xã hội cách đây hơn thế kỷ.

Một trong những điểm cần ghi nhận là phụ lục bản đồ và tranh khắc mô tả địa lý và phong tục người An Nam; phần chú thích của cuốn sách phải gọi là công phu và hữu ích. Du ký Trung kỳ theo đường cái quan là một tác phẩm không chỉ độc đáo về cách thể hiện, mà còn là bức tranh chân thực về miền Trung với tất cả sự ngột ngạt, nặng nề mà nói như Alan Paton “Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu”.

“Ông quan dây thép không đến đây để gây chiến tranh, ông được nhà vua An Nam phái đến để chôn cột trên đường cái quan và nối dây thép để phục vụ cho việc liên lạc của viên quan trong nước” (Lời kêu gọi dán tại các chợ Quá Giáng - Miếu Bông). Trong ý nghĩa ấy ta thấy ghi chép của Camille Paris xứng đáng được độc giả hôm nay ghi nhận. Đây là một trong ít cuốn sách hay nhất trong thể loại này được người nước ngoài viết về con đường cái quan miền Trung Việt Nam.

25-7-2023
MAI LỘC

;
;
.
.
.
.
.