Một lần, tôi vào khoa thận ở bệnh viện thăm người thân. Ở cùng phòng, có người phụ nữ trông rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Chị luôn miệng hỏi thăm người này, giúp đỡ người kia vài việc lặt vặt. Thêm vài lần nữa vào thăm người thân, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh đầy năng lượng đó của chị. Cảm giác căn phòng này mà thiếu chị chắc sẽ trầm lắng lắm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có lần tôi buột miệng hỏi chị đi chăm người nhà hay sao? Tôi hỏi vậy vì thấy chị lăng xăng khắp phòng nên không biết người thân chị ở giường nào. Chị cười rạng rỡ, trả lời: “Đâu có, chị là bệnh nhân mà!”. Cả phòng cùng cười vui vẻ, hình như không phải tôi là người đầu tiên hỏi chị câu này.
Chị thoăn thoắt gỡ bao gối để mang đi giặt, vừa làm vừa nói: “Vui hay buồn cũng sống hết cuộc đời, thôi thì mình chọn vui vẻ cho đời nó nhẹ nhàng. Với lại, cần hy vọng chứ em. Tin mình khỏe mạnh là cơ thể sẽ khỏe hơn liền à!”.
Tôi cũng tin như vậy. Tôi đọc qua một số cuốn sách về sức mạnh của niềm tin, luật hấp dẫn… cũng nhấn mạnh rất nhiều điều này. Và ở một khía cạnh khác thuộc lĩnh vực tâm lý học cũng cùng quan điểm đó. Rằng bộ não là thứ rất dễ “đánh lừa”, chỉ cần mình cười tươi, thay đổi thần thái trên khuôn mặt bằng ánh mắt tinh anh thay cho buồn rầu, ủ rũ thì ngay lập tức bộ não nhận diện rằng mình đang hạnh phúc, hứng khởi và nó tiết ra những loại hormone gia tăng cảm xúc ấy.
Câu cửa miệng của chị nói với những bệnh nhân khác là: “Ráng khỏe đi, đặng được dzìa nhà!” - giọng miền Tây đặc sệt ấy nghe thân thương gì đâu.
“Được về nhà” là điều đáng mong đợi nhất của những bệnh nhân ở căn phòng này. Có những bệnh nhân dù đã được bác sĩ cho xuất viện nhưng vẫn không về nhà mà thuê căn phòng trọ ọp ẹp cạnh bệnh viện để tiện cho việc chạy thận 3 lần mỗi tuần. Vì về nhà vừa xa, vừa tốn kém thêm tiền di chuyển, chưa kể có những người phải cần thân nhân đi cùng… Nên chọn ở cạnh bệnh viện luôn. Thuê chỗ khang trang thì chẳng tiền nào chịu được, thành ra chỉ cần có nơi ngả lưng là tốt lắm rồi. Vì vậy mà với họ, bao nhiêu khát khao mãnh liệt trước đó chỉ gom lại thành điều tưởng chừng bé mọn nhưng đáng mong chờ nhất, đó là được về nhà.
“Được về nhà”, câu nói ấy cứ vang lên trong đầu tôi. Điều đơn giản vậy thôi mà đã thành khát khao cháy bỏng của những bệnh nhân ở nơi này. Trong khi, biết bao nhiêu người đang ở nhà mà không hề nhận ra điều đó là diễm phúc như thế nào.
Mỗi sáng, tôi thường ngồi cà phê chuyện trò cùng người chú đồng nghiệp. Chú than, thanh niên bây giờ lạ lắm, hình như cứ phải ra khỏi nhà mới là đang sống. Ở nhà chỉ biết nhốt mình trong phòng, cả ngày ủ rũ chẳng mở miệng nói tiếng nào. Vậy mà ra đường, gặp bạn bè lại nói luyên thuyên. Vậy nên cứ phải đi ra ngoài. Sinh nhật ra ngoài. Tất niên ra ngoài. Lễ tốt nghiệp ra ngoài… Và chúng chỉ trở về khi thèm một giấc ngủ trong căn phòng riêng của mình. Chú hỏi tôi câu khó, phải làm sao để con cái chọn ở nhà chứ không phải quán xá bên ngoài?
Tôi thấy câu hỏi khó, bởi vì xã hội ngày nay đa phần giới trẻ đều để tâm trí hướng ra ngoài thay vì quay vào bên trong. Ở một quãng đời nào đó, họ chỉ muốn bám víu những niềm vui ngắn hạn ở bên ngoài. Nhưng rồi theo thời gian, những trải nghiệm, bài học từ cuộc sống sẽ mang lại sự đổi thay tự nhiên nhất với mỗi người.
Như tôi, chính những bệnh nhân ở khoa thận đã mang đến cho tôi bài học về sự trân trọng khoảnh khắc bình thường nhưng giá trị nhất mà tôi đang có: được ở trong ngôi nhà mình.
Và tôi tin, đến một lúc nào đó, bất cứ ai cũng tự biết cách dưỡng nuôi tâm hồn mình, bằng cách sống với khoảnh khắc hiện tại, lắng lòng lại để nhận ra niềm hạnh phúc chẳng phải tìm kiếm đâu xa, bởi nó có ngay trong khoảnh khắc ta sống với hiện tại. Đó là một buổi sáng thức dậy ngắm ban mai trong trẻo, thưởng thức tách cà phê, trà thơm bên khu vườn tự tay chăm sóc…
Niềm hạnh phúc cũng sẽ đến từ những điều bé mọn ấy. Và bình yên sẽ ở lại trong mỗi người chúng ta.
ÁNH HƯỜNG