Càng lớn tuổi, người ta càng có nhu cầu được lắng nghe. Ba của bạn tôi, một cựu chiến binh ngày xưa chinh chiến trong cả hai trận đánh lớn, hay cười hiền hòa chia sẻ: có người lắng nghe mình là quý lắm con ơi. Tôi nghĩ điều ấy thật đúng, có nhiều cuộc cãi vã hoàn toàn được giải quyết nhẹ nhàng chỉ bằng việc lắng nghe nhau. Khi ấy, những khúc mắc được mở thắt, những tâm sự được giải bày, những chất chứa được tuôn tràn. Và những câu chuyện được kể ra.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi luôn thích lắng nghe những câu chuyện của người lớn, đặc biệt là những người lính già. Ở họ luôn có sự điềm đạm của kinh nghiệm, sự từng trải của thấu hiểu. Một người đi qua những phút giây cận kề cái chết có sự tĩnh lặng đáng ngạc nhiên, họ không dễ nóng giận và hiểu hơn ai hết ý nghĩa của cuộc sống. Họ kể không chỉ để kể, mà còn để gửi gắm cho con cháu biết bao thông điệp.
Tôi bồi hồi nhớ câu chuyện nhỏ, lúc dây bí đao trước sân nhà bạn vừa nhú trái. Chúng tôi, quá quen sung túc, đang vui vẻ ăn bữa trưa đặt giao tận nhà, bàn những chuyện trên phim. Chúng tôi quên đi vẻ đẹp của thiên nhiên, nơi con ong bầu chăm chỉ hút mật hoa, thụ phấn cho hoa bí đao vàng rực. Chúng tôi phớt lờ nỗ lực của dây leo bám rịt bờ rào, vươn thân hứng nắng nuôi lớn trái. Ba của bạn đã nhắc cả hai, bằng một kỷ niệm cũ. Cái thời khói lửa mịt mù, bộ đội đâu có mấy bữa no. Được chén cơm trắng đã mừng muốn khóc, nhưng giặc tới phải đặt xuống mà đi. Bác mệt lả trong cơn đói, may nhờ mấy giàn bí đao gần đó. Bứt vội một trái, lau sơ sài lớp phấn, bác ngấu nghiến ăn. Ôi sao mà ngọt, mà ngon! Trái bí vực dậy sức lực, cho bác kịp ứng cứu đồng đội. Bọn tôi lắng nghe, len lén nhìn nhau. Thấm thía một thời gian khó.
Những câu chuyện ấy không hề lên gân, chẳng hề thuyết giảng. Chúng chỉ đang thủ thỉ, nhỏ nhẹ, hiền dịu như cái khoác tay ấm áp. Như cái vỗ vai động viên. Từ những câu chuyện ấy, chúng tôi thấy mình lớn thêm một chút. Chúng tôi nhìn lại cách mình sống, cách mình thờ ơ với những chuyện xung quanh.
Đó cũng là khi bọn tôi nhận ra khoảng cách thế hệ như được kéo gần lại. Chúng tôi lắng nghe và được lắng nghe. Những người lính đâu có khô khan, các bác vẫn giữ sự tươi trẻ của mình. Vẫn thử nghe nhạc thị trường, vẫn học cách xài điện thoại. Vẫn cười hề hà rủ rê chúng tôi đi cà phê, chỉ cho mấy mẹo vặt của cuộc sống. Tôi làm sao biết bếp Hoàng Cầm dựng như thế nào, dưa gang bao lâu thì chín, nếu ba của bạn không kể cho tôi nghe? Mỗi câu chuyện của họ là cả một kho tàng quý giá.
Tôi chạnh lòng nhìn những bạn trẻ ngoảnh đi, khi ông bà họ có điều muốn kể. Những cựu chiến binh mang vết thương cả bên ngoài lẫn bên trong, khao khát được chia sẻ và thấu hiểu. Dĩ nhiên tôi biết, luôn cần thời gian cho tuổi trẻ mở lòng. Chỉ là mong các bạn hãy học cách lắng nghe để được lắng nghe, kết nối để được kết nối. Không gì thú vị hơn được nghe những người trong cuộc chiến kể lại, sống động hơn bất cứ cuốn sách nào.
Và tôi mừng vì vẫn còn nhiều người biết quý trọng và lưu giữ. Những buổi kể chuyện lịch sử nơi nhà văn hóa, cả trên các chương trình ti-vi. Những bài báo, phóng sự được các phóng viên ghi chép, trình bày chỉn chu, đẹp mắt. Những cuốn phim phục dựng, những trang sách được viết ra. Tất cả tiếp nối, như một hạt mầm đã gieo đúng đất lành màu mỡ, để bung trào nhựa sống hoa trái.
Những ngày lễ trọng của đất nước, ba của bạn tôi lại khoác lên bộ quân phục xanh, cài những huân chương lấp lánh với sự tự hào không che giấu. Bác có quyền tự hào, khi được vinh danh, được gặp lại những người bạn cùng chinh chiến năm nào. Họ cùng ôn lại những ký ức hào hùng, lắng nghe nhau và bổ sung cho nhau những gì đã quên, những điều còn sót. Và luôn có buổi trò chuyện cuối lễ, nơi những bạn trẻ với đôi mắt long lanh chờ nghe.
Ai cũng biết rằng, những câu chuyện sẽ còn vọng mãi. Với lòng biết ơn sâu sắc, thế hệ mới kế thừa những điều tốt đẹp và phát triển chúng hơn nữa. Mai này, khi các bạn lớn lên, các bạn lại kể cho con cho cháu. Những câu chuyện cứ thế lan ra, như một dòng chảy vĩnh cửu.
PHÁT DƯƠNG