Cho dù bao năm, cho dù nhiều biến động, thư tay vẫn luôn là phương cách kết nối trái tim đầy rung cảm và truyền tải sức mạnh tinh thần kỳ diệu mà không điều gì có thể thay thế được.
Niềm vui khi nhận, mở và lưu giữ thư tay không công nghệ nào có thể thay thế. Ảnh: KHA MIÊN |
Gửi niềm thương, nỗi nhớ
Trở về từ Sài Gòn, lâu lắm rồi tôi mới ngồi lại với những “chiếc hộp bí mật” của mình. Thời gian ủi an vết thương lòng trong mỗi người bằng việc làm phai mờ nhưng vô hình chung cũng xếp gọn nhiều ký ức tươi đẹp. Thế nên, tôi cứ nhớ nhớ quên quên gia tài ấu thơ của mình đang cất giữ những gì cho đến khi mở ra. Cuốn sổ bé xíu nắn nót tên và số điện thoại từng người bạn học nay đã không còn giá trị kết nối nhưng bao lần chuyển nhà vẫn không nỡ bỏ đi. Vài món lưu niệm cái thì sứt mẻ, cái thì bạc màu vẫn thuộc lòng quà này ai tặng, dịp nào. Những album ảnh được sắp xếp cẩn thận cùng dòng chú thích rõ ràng cột mốc kỷ niệm…
Mỗi lần chạm vào kỷ vật, lòng bao giờ cũng xốn xang. Cái cảm giác thương nhớ ngày cũ ấy đôi khi mềm mại nhưng lắm lúc cũng khó chịu với ngổn ngang hoài niệm xếp lớp. Trong những xưa cũ ngồn ngộn ấy, gợi cảm xúc nhất có lẽ là xấp thư đã ố vàng vết tích thời gian. Tôi làm quen với thư tay khá sớm, từ những ngày ba má theo nhịp mưu sinh đi làm ăn nơi xứ người, từ những ngày chưa biết con chữ méo tròn ra sao. Cách nhau 4 ngày đường xe, thời điểm ấy, thư tay là thứ duy nhất ba má có thể gửi niềm thương nỗi nhớ đến đứa con gái bé bỏng. Thư tay cũng là niềm háo hức duy nhất trong quãng ngày thơ bé đơn côi của một đứa trẻ xa vắng vòng tay ôm.
Hồi đó, một lá thư tôi thường níu áo nằn nì ông ngoại đọc đi đọc lại mỗi ngày. Đọc đến khi tôi thuộc làu làu, có thể tự lẩm nhẩm mọi lúc mọi nơi. Đọc đến khi tôi hò reo nhận thư mới. Rồi ngoại lại trở thành “người viết thư thuê” bất đắc dĩ của đứa nhóc 5, 6 tuổi. Một bức thư hoàn thành chắc phải mất đôi ngày bởi viết chừng dăm dòng thì con nhỏ hết ý bỏ ngang. Rồi sau đó lại mè nheo thêm cái này, dặm chút nọ. Bao giờ cũng vậy, ngoại luôn kiên nhẫn và bao dung với ánh mắt lấp lánh mong chờ của đứa trẻ thiếu thốn tình thương.
Rồi tôi biết đọc, trốn vào một góc “riêng tư” bập bẹ đánh vần những lá thư bao giờ cũng dài hơn đôi giấy của má và đôi dòng chữ ngắn “đính kèm” nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm của ba. Rồi tôi lọng cọng học cách viết thư hồi âm, vừa ê a vừa nắn nót dòng chữ mở đầu: “Ba má thương nhớ!”. Ba má luôn chăm chút từng lá thư gửi về cho tôi, cũng luôn hướng dẫn tôi phải tôn trọng người nhận từ những điều nhỏ xíu. Nhớ có lần tôi gửi thư nhưng viết bằng hai màu mực, má đã dành phần lớn nội dung hồi âm để bảo ban tôi về sự tinh tế trong giao tiếp bằng thư. Cứ thế, những cánh thư theo các chuyến xe đò vượt biên giới chở nỗi nhung nhớ, niềm tin yêu của từng thành viên trong gia đình đã trở thành động lực cho cả những người tha hương biền biệt lẫn những người mòn mỏi ở lại…
Mở rộng và kết nối
Duyên tình với thư tay của tôi càng thêm gắn kết khi thầy giáo mỹ thuật năm lớp sáu động viên học trò thực hành sưu tập tem bưu chính. Đến bây giờ, tôi mới vỡ lẽ về cách thức gửi thư khác so với những lá thư “không tem” hơn năm năm qua của gia đình. Mê mẩn trước bộ sưu tập tem phong phú của thầy, mỗi tuần, tôi lặn lội đến bưu điện tăm tia các mẫu tem mới phát hành rồi nhịn ăn sáng để dành tiền “bỏ heo” rinh về. Những con tem bé xíu nhưng như một bảo tàng khổng lồ với đứa nhỏ cấp hai. Tem dạy tôi về những mốc son lịch sử của đất nước, giới thiệu văn hóa các vùng miền, mở mang sự sáng tạo về nghệ thuật…
Cứ thế, qua mỗi năm, số lượng tem của tôi lại nhiều thêm. Nhưng vì không đủ kinh phí, tôi chỉ sở hữu những con tem “sống” thay vì tem “chết” (tem thư đã được đóng dấu hay bị hủy và không còn giá trị thanh toán bưu chính). Điều này khiến tôi hơi buồn. Một ngày, tôi tình cờ nhìn thấy mục kết bạn bốn phương trên một tờ báo học trò. Phần tò mò muốn kết bạn, phần mong muốn có thêm vài chiếc tem, tôi bắt đầu viết, gửi đi những chiếc thư đầu tiên và… chờ đợi.
Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được khoảnh khắc ngoại báo tin. Cảm xúc như vỡ òa khi cầm trên tay lá thư có đề tên mình và chiếc tem đã đóng dấu. Chúng tôi ngô nghê trao đổi về trường lớp, về môn học, về ước mơ, về nơi mình sinh ra và lớn lên… Những lá thư của bạn bè từ mọi miền đất nước không chỉ mang đến niềm vui được tâm sự và lắng nghe mà còn giúp tôi hiểu hơn về thế giới rộng lớn - những không gian khác ngoài Đà Nẵng.
Quãng thời gian này, một người cậu chuyển vào Sài Gòn sống nên ngoại cũng đều đặn viết thư. Chiếc bàn cạnh cửa sổ đầy nắng nhìn ra khoảng sân tươi ngát cây xanh được tôi xí chỗ trải giấy nắn nót chữ nay phải “chia ca” với ngoại. Hai ông cháu cùng nhau viết, cùng nhau gấp thư thành hình chữ nhật, cùng nhau bôi hồ dán hay dùng lưỡi liếm nắp bì thư “cải tiến” có sẵn phần keo dán… rộn vang một góc nhà, rộn vang một vùng trời kỷ niệm. Rồi lần nào ngoại đến bưu điện, tôi cũng mon men đòi theo. Bưu điện nhỏ trên đường Lê Lợi (quận Hải Châu) khi ấy trở thành “thiên đường” của tôi. Tôi thích thú phần việc kiểm tra địa chỉ người nhận để tránh thất lạc mà ngoại giao, say mê nhìn ngắm các lá thư được thả vào khe hẹp những hòm thư sơn vàng rực rỡ…
Hơn 40 năm, cô Nguyễn Thị Như Hảo vẫn gìn giữ cẩn thận các lá thư tay với nhiều hoài niệm. Ảnh: KHA MIÊN |
Ai còn viết thư tay?
Gắn kết và mê đắm là vậy nhưng những lá thư tay cũng vơi dần cùng những cuộc điện thoại xuyên biên giới. Tôi được trò chuyện với ba mẹ thường xuyên hơn nhưng đôi lúc hẫng hụt vì cảm giác mất mát một điều gì đó. Chẳng biết vì càng lớn, khoảng cách thế hệ khiến chúng tôi khó trao đổi hay bày tỏ cảm xúc qua trang giấy bao giờ cũng dễ dàng hơn?! Như tôi có thể đặt bút viết: “Con nhớ/yêu ba má nhiều” nhưng lại ngại ngần khi trực tiếp cất lên tiếng lòng của mình. Tôi cũng không tìm thấy những câu chữ ngọt ngào từ ba như trước bởi ông vốn dĩ là người kiệm lời.
Điện thoại, mạng xã hội, thư điện tử trò chuyện nhanh chóng và tiện lợi nhưng không bao giờ có thể đưa chúng ta chạm tận cùng cảm xúc như khi nhìn thấy con chữ quen thuộc mang dấu ấn cá nhân hay đọc dòng thư nhòe màu mực vì nước mắt hoặc cảm nhận sự thay đổi tâm trạng của người viết qua từng nét bút… Thời đại công nghệ thông tin cũng chẳng thể giúp ta lưu giữ hay nâng niu kỷ niệm trong tay, như cái cách cô Nguyễn Thị Như Hảo (SN 1950, ngụ quận Hải Châu) gìn giữ cẩn thận những lá thư được gửi cách đây gần 40 năm để hoài nhớ thương người bạn đã qua đời hơn mười lăm năm trước…
Có thể nói, thư tay vẫn luôn là ký ức khó quên với tôi và không ít người. Quên sao được lá thư thơm mùi giấy, đôi khi là mùi mồ hôi hoặc hương bụi dọc đường của hành trình truân chuyên gửi trao. Cũng vì thế, mỗi lần lật giở từng trang thư ngày thơ bé, cảm xúc trong tôi luôn dào dạt. Đọc thư của ba má, cảm nhận tình yêu vô bờ bến của đấng sinh thành và sự lớn lên từng ngày của chính mình. Đọc thư của bạn bè, bật cười vì sự non nớt, ngô nghê của quãng đời bé dại. Đọc thư của ngoại, để thương và để khóc một trái tim bao dung nay đã không còn hiện diện…
Cách đây độ chừng 8 năm, nhớ quá nhớ những lá thư tay, tôi rủ rê cô bạn thân hồi đại học gửi thư khi hai đứa chia xa. Trước khi mỗi đứa trở về quê, chúng tôi cùng nhau đi mua những xấp giấy viết thư được trang trí đẹp mắt cùng vài chiếc bút màu xinh xinh. Bạn giữ đúng lời hứa, gửi cho tôi lá thư ngập tràn yêu thương kèm món quà bé xinh. Nhận thư bạn, tôi khóc như trẻ thơ. Vậy mà, người rủ lại là người lãng quên. Đám cưới, người thân ốm đau và công việc mới cuốn trôi tôi rời xa niềm thương dịu dàng. Chúng tôi vẫn luôn là tri kỷ, chỉ là không có những cánh thư tỉ mẩn gửi trao như ước hẹn. Tôi vẫn luôn nuối tiếc điều này trong suốt năm tháng về sau khi không thể tiếp tục “tình thư”.
Mới đây, tôi lang thang khắp phố mong tìm lại dáng hình ký ức quan trọng của đời mình. Mãi mà vẫn không nhìn thấy những hòm thư sơn vàng rực rỡ từng gắn bó nhiều năm, tôi ghé vào Bưu điện thành phố (đường Nguyễn Văn Linh, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) với hy vọng mong manh lần nữa chìm đắm với “thiên đường” một thời. Nhưng đã không còn những bình hồ dán, những bì thư sọc xanh… trong ký ức. Người đến người đi rộn ràng nhưng chẳng ai mang theo lá thư tay.
Ở một thế giới nơi mọi thứ đều được giản tiện cho nhu cầu của người dùng như thế này, có ai còn thương nhớ thư tay như tôi?! Tôi đem thắc mắc này hỏi các khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại bưu điện nhưng đều nhận về cái lắc đầu. Bạn Lê Trinh (SN 1999, quận Hải Châu) bật cười: “Giờ này ai còn gửi thư nữa ạ? Gửi email vừa lẹ vừa tiện… Hàng hóa cũng có các đơn vị vận chuyển đến tận nhà lấy. Mỗi tháng em ghé bưu điện 4, 5 lần nhưng chỉ để chuyển tiền sinh hoạt phí cho du học sinh đang sử dụng dịch vụ bên công ty em thôi…”.
Tôi vẫn tự an ủi mình rằng có lẽ tôi đến chưa đúng lúc. Hẳn là, vẫn còn có ai đó đang gửi niềm thương trong từng dòng chữ nắn nót. Như là thư chia tay của người bạn tôi đã giúp chữa lành hai tâm hồn tổn thương, cứu vãn một mối tình đẹp và đi đến câu chuyện hôn nhân đầy ngọt ngào. Như đôi vợ chồng trẻ trẻ Lê Trần Duy Phong (SN 1993) và Lê Thị Cẩm Chi (SN 1994, ngụ tỉnh Đắk Lắk) với gần 200 bức thư trong suốt 6 năm quen và yêu nhau. Như những lá thư tay viết vội của người cha U80 M.C (ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) nhắc nhở vợ chồng con trai ăn uống đầy đủ mỗi khi đi xa luôn bắt đầu bằng dòng chữ “Hai con” đầy ấm áp khiến ai cũng xúc động...
Rõ ràng, mỗi lá thư tay luôn gợi nhiều cảm xúc, điều mà những font chữ cứng ngắc của công nghệ hiện đại mãi mãi không thể chuyển tải. Hy vọng rằng, ở đâu đó, vào thời điểm nào, cũng đều có những người mê mẩn sự lãng mạn của thư tay mà gìn giữ và tiếp tục. Và chắc chắn, tôi cũng là một trong số ấy, ngay từ bây giờ, với những nét mực tím đầu tiên sau nhiều vắng xa: “Thưa ba má!”…
Theo thời gian, không ít bức thư vẫn luôn giữ cho riêng mình sức sống và tầm ảnh hưởng. Như là thư gửi con gái của lãnh tụ giai cấp vô sản Karl Marx đầy suy ngẫm. Như là thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy giáo của con trai chứa đựng những giá trị nhân văn, quan niệm sống quý báu. Như là thư tình của Trịnh Công Sơn làm người đọc thổn thức bởi nỗi nhớ nhung da diết và cảm xúc dào dạt. Như là những bức thư của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ngập tràn tình yêu thương mộc mạc, chân thành… |
TRÂM ANH