Ranh giới

.

Ranh giới ở đây không phải nhắc đến bộ phim đặc biệt cùng tên do VTV1 sản xuất và phát sóng trong tháng 9-2021, đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt cảm xúc của người xem. Bộ phim kể về những khoảnh khắc giành giật sự sống cho các thai phụ mắc Covid-19 và sự hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ khi phải vật lộn, chịu đựng áp lực, căng thẳng trong công việc cứu người. Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật quá mong manh. Còn ranh giới ở bài viết này muốn bàn luận về câu trả lời tại phiên tòa xét xử của bị cáo - nguyên thứ trưởng rằng “nhận tiền vì không phân biệt được ranh giới giữa cảm ơn và hối lộ”.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: TTXVN
Phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: TTXVN

Tuần qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu được dư luận đặc biệt quan tâm. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 54 bị cáo với các tội: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hội lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đây là phiên tòa có lẽ cổ kim đông tây chưa từng diễn ra tương tự, người ta “ăn tiền” trên nước mắt của đồng bào đang lao động, học tập, cả đến tù nhân đang kẹt ở nước ngoài khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp.

Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, lợi dụng chủ trương đúng đắn và nhân đạo này, một số lãnh đạo, công chức ở một số bộ, ngành và các doanh nghiệp gian dối, có những hành vi gần như trấn lột công dân để vơ vét, gây nên căm phẫn chưa từng có. Khi vụ việc bại lộ, 54 người từ thứ trưởng, đại sứ, cục trưởng, tướng, quan chức đến doanh nghiệp phải ra trước vành móng ngựa. Rồi đây mức án sẽ được tuyên, người vi phạm phải trả giá nghiêm khắc cho tội lỗi mình gây ra.

Trong phần trả lời của các bị cáo tại phiên tòa, có nhiều phát biểu nghe thật thống thiết nhưng cũng tận cùng mỉa mai: “Tôi luôn đặt công tác bảo hộ công dân và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân của gia đình mình, cần hỗ trợ đưa về sớm và hiệu quả nhất”. Nhưng đáng suy nghĩ hơn là phát biểu của một nguyên thứ trưởng “nhận tiền vì không phân biệt được ranh giới giữa cảm ơn và hối lộ”.

Lâu nay có tình trạng “cảm ơn” sau việc chạy chọt cấp phép nào đó, thậm chí có trường hợp được xem là hành vi “văn hóa”, thể hiện lòng biết ơn sau khi nhận một sự giúp đỡ, tạo điều kiện của người có thẩm quyền. Nhưng sẽ khó giải thích thỏa đáng mỗi khi lễ, Tết, sinh nhật… có người nhận hàng trăm triệu tiền quà biếu. Như vậy cái ranh giới của lòng biết ơn và hối lộ trong trường hợp này là rất mong manh.

Thật ra nếu thật sự nghĩ về nhau như một hành vi văn hóa thì sẽ không có chuyện mang cả trăm triệu đồng làm quà mỗi khi Tết đến xuân về, hay giải quyết xong một công việc nào đó. Trong trường hợp vị thứ trưởng kia không cần giải thích thì ai cũng biết, bởi bất cứ ai bình thường cũng dễ dàng nhận ra đó là sự hối lộ.

Sẽ không có chuyện vu vơ người ta đưa cho mình hàng chục, hàng trăm ngàn USD, hàng tỷ đồng sau mỗi giấy phép “giải cứu” mà lại không phân biệt đó là tiền hối lộ hay tiền cảm ơn. Việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức luôn là một chủ đề nóng trong xã hội. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ thế nào là quà biếu và cách xử lý quà biếu. Làm cán bộ, công chức trước hết phải nằm lòng các quy định này.

Vấn đề đáng nói ở đây là sự nhập nhằng, mập mờ giữa văn hóa cảm ơn với hối lộ. Chút quà thể hiện lòng biết ơn về một sự giúp đỡ, quan tâm nào đó âu cũng là chuyện có thể chấp nhận. Tuy nhiên nếu một xã hội lành mạnh, một Nhà nước thật sự văn minh thì không cần có sự biết ơn như là sự đền ơn theo kiểu con buôn “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Với mỗi cá nhân, làm ơn là một đức tính cần phải có, biết giúp đỡ người khác là thể hiện lòng trắc ẩn, là thiên chức con người. Làm việc vì nhân dân là bổn phận và trách nhiệm của quan chức.

Ai cũng biết còn cơ chế xin-cho, làm ăn bất chính, lợi dụng kẽ hở pháp luật... là mầm mống của tình trạng tham nhũng. Nhưng có một thứ cao hơn luật đó là lòng tự trọng, đạo đức làm người, đức thanh liêm của quan chức mới là nền tảng xã hội, giềng mối để đất nước phát triển. Làm sao để việc “nhận tiền” là một sự xấu hổ cắn rứt lương tâm của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, khi ấy mới mong khắc phục căn bản tình trạng nhũng nhiễu tràn lan hiện nay.

“Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn có luật hoàn hảo mà quan chức thiếu lương tâm” (Otto Von Bismarck). Trong Cổ học tinh hoa có chuyện Vương Mật đem vàng đến tạ ơn Dương Chấn sau khi được Dương giúp cho việc đề bạt. Dương từ chối, Vương Mật nói “Ở đây không ai biết, chỉ có tôi với ngài thôi”. Dương Chấn nghiêm mặt trả lời “Có trời, có đất, có ông, có tôi mà sao lại không có ai biết được?”.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu chấn động này người ta cũng còn nghe hai vị nguyên phó chủ tịch nói về lòng hối hận. Khi luật sư vốn là học trò cũ vào trại giam làm các thủ tục, vị nguyên phó chủ tịch một thành phố lớn nói: “Bây giờ, thầy gặp chúng mày, thầy xấu hổ lắm”. Còn một vị nguyên phó chủ tịch khác lại đọc Kiều “Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”. Ranh giới giữa lòng cảm ơn và hối lộ cũng cụ thể như nỗi xót xa khi gặp lại học trò, cũng như khôn và dại ở đời. Có khác chăng là những tội lỗi của quan chức nhận hối lộ nó được lưu truyền cho hậu thế lâu dài lắm.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.