Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP), điều chúng tôi thấy rõ là các cựu nữ TNXP sống trên địa bàn Đà Nẵng hầu hết đã có cuộc sống cải thiện hơn trước nhờ các chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền thành phố. Gặp nhau, ký ức vui vẻ dần trở lại thay cho những tâm tư trăn trở chuyện cơm áo gạo tiền. Chuyện yêu ngày ấy được các cựu nữ chiến binh nhắc đến rôm rả nhất. Nhờ vậy chúng tôi mới biết ngày xưa họ đã yêu như thế nào.
1. Bà Lê Thị Cúc, nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng là một người như vậy. Chặng đường từ cô gái “vai trăm cân chân vạn dặm” đến một cán bộ đầy nghị lực có sự đồng hành của chồng. Đó là Thượng tá Nguyễn Hữu Đôi, nguyên Hiệu trưởng Trường Hậu cần Quân khu 5.
Quê Quảng Nam, 16 tuổi đang được gia đình cho ăn học, Cúc đã giác ngộ cách mạng và quyết đi TNXP. Bàn chân chỉ biết quẩn quanh mái trường nay trèo đèo lội suối tươm máu. Nước da cô xanh bủng, tóc rụng vì sốt rét; mưa dầm, vắt cắn, đói cơm, lạt muối, bom rơi trên đầu, đạn đuổi sau lưng. Đôi lúc cô muốn bỏ hết để về với cha nhưng rồi lòng tự trọng không cho phép. Bao đồng đội trong đơn vị cũng chịu gian khổ như vậy nhưng chẳng ai sờn lòng, cớ gì cô thua kém họ.
Chính nhờ tự vấn mình mà Lê Thị Cúc trưởng thành từng ngày. Năm 1968, khi Tiểu đoàn Vận tải 232 Quân khu 5 (sau này được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, còn được gọi là Tiểu đoàn Bà Thao) được thành lập từ các đơn vị TNXP và các đầu mối của Quân khu, Cúc trở thành Đại đội trưởng Đại đội 2. Cũng chính từ đây, một tình yêu đôi lứa lãng mạn đã tỏa hương trong lòng cô với đại đội trưởng đại đội công binh Nguyễn Hữu Đôi.
Cùng là đại đội trưởng đóng trên núi rừng Trà My nên thi thoảng họ gặp nhau qua những lần họp. Có lần anh chứng kiến cô tập quân sự, lăn lê bò toài, bắn súng, nhanh nhẹn chuẩn xác như một sĩ quan thật sự. Lòng anh tràn ngập niềm thương cảm: “Cô gái này tài hoa thế, đáng lẽ phải tiếp tục học hành”. Còn cô cũng dần cảm mến chàng trai xứ Bắc. Lúc đó yêu đương bị cấm đoán lắm, bởi đơn vị đang 3 khoan: “khoan yêu, khoan cưới, khoan có con”. Thư từ qua lại (dúi vào tay nhau qua những lần gặp vội vã) tối về chỉ dám bật đèn pin, tìm chỗ vắng đọc và viết trả lời. Vậy mà, thời gian anh đang đang đóng quân bên Lào, gặp người của Tiểu đoàn 232 tải hàng qua bên đó thì viết thư lá thư dài 16 trang pư-luya nhờ gửi về cho người yêu.
Bỏ lá thư dưới mũ cối, ép chặt trên đầu, Cúc đội mưa tầm tả chạy vào lán, nhét đại trong ba lô của mình, định tối về sẽ đọc. Không biết rằng hành động ấy lọt ngay vào tầm ngắm của trợ lý bảo vệ Tiểu đoàn. Và Đại đội trưởng Đại đội 2 vi phạm “3 khoan”. Đến năm 1972, Lê Thị Cúc được điều qua làm tuyên giáo Khu ủy 5. Chàng trai của cô thì mải miết theo các công trình phục vụ chiến đấu, có khi cả năm chỉ gặp một lần.
Năm 1974, anh lúc này là Tiểu đoàn trưởng từ Quảng Ngãi về, quyết định cưới vợ. Sau giải phóng, Lê Thị Cúc dành 6 năm ở Hà Nội, vừa hoàn thành đại học vừa mang thai, chăm sóc hai con trong khi chồng biền biệt theo trận mạc chiến trường K. Sau khi đoàn tụ về Đà Nẵng, cả hai vừa lo việc nước vừa dồn sức nuôi dạy hai con ăn học thành đạt.
2. Các cựu chiến binh phường Hòa Thuận Tây (Hải Châu) ai cũng biết về cặp đôi TNXP nổi tiếng. Tình yêu của họ khởi nguồn từ Trường Sơn, nơi cả hai hiến dâng cả thời thanh xuân sôi nổi. Kể về người chồng quá cố - Đại tá Nguyễn Tiến Đệ, bà Phạm Thị Bích Nhị vẫn chưa hết xúc động.
Tuổi 17, học chưa hết phổ thông, chiến trường giục giã, giữa năm 1965, cùng bạn bè theo Tỉnh Đoàn Ninh Bình đi TNXP vào tuyến lửa cùng đơn vị vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, hàng hóa theo đường mòn Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, bà Nhị chuyển qua phục vụ ở Tiểu đoàn vận tải 734. Còn ông Nguyễn Tiến Đệ trước đây là lính công binh cũng thuộc đường dây 559, sau này làm trợ lý chính trị cùng Tiểu đoàn.
Thời đó, kỷ luật chiến trường rất nghiêm. Bà được dặn, nữ quân nhân không được yêu sớm trước 7 năm phục vụ. Vi phạm sẽ bị đưa về tuyến sau, điều mà không ai muốn. Ông đã “nhắm”, còn bà không hề để ý đến ông hay bất cứ ai khác. Một lần, trước ngày đi qua chiến trường Lào, ông kiếm lá cây về nhuộm chiếc áo của mình. Bà ngang qua thấy vậy, nhờ vả: “Đồng chí nhuộm giúp tôi nữa nhé”. Hai ngày sau ông mang qua lán nữ gửi chiếc áo đã nhuộm. Mở ra bên trong, bà thấy mảnh giấy nhỏ có mấy câu thơ: “Anh nhuộm cho em chiếc áo màu xanh, Chiến tranh em ơi, không cần màu áo trắng” (Ý thơ Tố Hữu). Bà bỗng thấy có sự đồng điệu lạ kỳ giữa hai người. Sợ đơn vị phát hiện, thư đọc xong, bà đốt ngay. Cứ thế 5 năm bền bỉ, tình yêu chín dần trên những cung đường họ đi qua. Giữa năm 1970, nữ thượng sĩ Bích Nhị mới dám công khai mối tình đầu với tổ chức.
Năm 1971, từ đất Lào, toàn đơn vị nhận lệnh vào chiến trường B. Lúc đó bà đã bụng bầu vượt mặt không thể đi tiếp mà được ra quân về miền Bắc sinh nở. Sau giải phóng, ông đưa bà vào Đà Nẵng rồi rong ruổi qua chiến trường K. Trút bộ quân phục, vẫn hừng hực như người lính Trường Sơn năm nào, ông nhận làm bí thư chi bộ một thời gian dài trước khi qua đời vì bệnh nặng để lại tiếc thương cho người ở lại.
Yêu dữ dội, thủy chung và luôn sống xứng đáng với người mình yêu, có lẽ là điểm tương đồng ở các cựu nữ TNXP. Khi cần gác lại hạnh phúc riêng để tập trung cho chiến trường, họ biết chấp nhận thiệt thòi về mình. Nhờ vậy, những cựu nữ TNXP đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
HỒNG VÂN