Cưới xin - một trong những nghi lễ, đồng thời cũng là luật tục của một tộc người - khi đôi trai gái đủ lớn để cho hai bên gia đình cũng như pháp luật cho phép tuổi trẻ “nên duyên vợ chồng”. Tuy vậy, trong sinh hoạt cộng đồng về việc cưới xin, mỗi một tộc người có những luật tục và nét đẹp văn hóa riêng cần được bảo tồn.
Chú rể và cô dâu Cơ tu trao cho nhau tín vật trong lễ cưới. Ảnh: ST |
Trai gái người Cơ tu khi đến tuổi muốn xây dựng gia đình, trước hết phải được cha mẹ hai bên hay biết, rồi đến việc tìm hiểu bạn đời qua hình thức “ngủ duông”. Già làng Y Kông (xã Ba), Zơ Vui (thị trấn P’rao) huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết “ngủ duông” là hình thức nam nữ Cơ tu tìm đến nhau và lựa chọn cho mình một người hợp lòng, ưng ý. Nhà “ngủ duông” được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng, đó là một chòi nhỏ được làm bằng các vật liệu tạm như cây, lá và được cả làng biết đến. Con trai đến “ngủ duông” với con gái chỉ được phép tâm sự và hôn vào môi, ngoài ra không được làm gì khác. Luật tục của người Cơ tu quy định rất rõ ràng và nghiêm khắc, không có chuyện “ăn cơm trước kẻng”, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, nhất là với người nam giới; vì thế, tục “ngủ duông” được xem là nét đẹp trong đời sống lứa đôi của người Cơ tu.
Khi đôi trẻ ưng ý với nhau, hai bên gia đình cũng có vài lần tiếp xúc, trao đổi để hiểu nhau hơn. Sau đó, nhà trai nhờ một người trung gian (ông mai, bà mối), người Cơ tu gọi là Bhrla, đến nhà gái đặt vấn đề; khi đi nhà trai sắm cho người Bhrla một con gà làm lễ vật. Lúc này, già làng bên gái giết con gà để báo với thần linh, xem giò gà, nếu già làng xem giò phán rằng thần linh mách bảo có dấu hiệu xấu, thì đôi trai gái tiến tới hôn nhân gặp trở ngại, nếu thần linh báo điềm tốt, thì đôi bên làm tiệc, uống rượu mừng, hát lý và bàn bạc cho những việc tiếp theo.
Già làng Y Kông cho biết thêm, ngày xưa người Cơ tu xem lễ cưới rất quan trọng, nên việc cấm kỵ, kiêng cữ giữa đôi trai gái cũng như gia đình hai họ, kể cả những người tham dự đều phải thực hiện theo đúng nghi lễ. Cưới xin bắt đầu bằng lễ dạm hỏi (ganco) và đến lễ cưới (bhrớ bhiếc). Trong lễ cưới, đôi trai gái người Cơ tu phải trải qua nhiều luật tục. Khi đưa dâu về nhà trai là phải tránh người phụ nữ đang mang thai hay người vừa sinh con xong, hoặc tránh gặp cây ngã băng ngang đường, ngừa tiếng mang kêu.
Tại lễ cưới, chú rể tặng cho cô dâu một thanh kiếm để thể hiện tình cảm của mình đối với người bạn đời; đây chính là dấu ấn biểu hiện thời kỳ liên minh dòng họ, xa hơn nữa là “tục cướp vợ”. Khi cô dâu bước vào nhà chồng, đại diện một trong số người nhà trai lấy nước vẩy vào người cô dâu, sau đó lấy chiếc vòng bạc đeo vào tay cô dâu. Luật tục này mang ý nghĩa là nhà trai đã chấp nhận cô gái là dâu của nhà trai và cô gái nguyện sống với bạn trai suốt đời. Trong tiệc cưới, chú rể chỉ được ăn những thức ăn nhà gái mang sang và ngược lại cô dâu chỉ được ăn những thức ăn gì nhà trai dọn mời.
Lễ cưới của người Cơ tu thường tổ chức vào những ngày trăng tròn trong tháng, những ngày trồng cây sắn (khoai xiêm, củ mì), với ý nguyện là giống như cây sắn luôn tốt tươi và nhiều củ, hoài bão là vợ chồng luôn khỏe mạnh, sinh nhiều con cái như cây sắn. Lễ vật trong ngày cưới được thỏa thuận giữa đôi bên gia đình, nhà gái mang sang nhà trai: cơm lam, bánh sừng trâu, gạo nếp, rượu Trơ’đin…; nhà trai chuẩn bị heo, trâu… Trước đây còn tổ chức lễ đâm trâu để ăn mừng hạnh phúc cho đôi trẻ; nếu nhà trai khó khăn hoặc chàng trai mồ côi thì cả làng chung cùng để giúp đỡ lo liệu.
Sau lễ cưới, cô dâu về ở với nhà chồng và sau đó trở về lại nhà gái, nhưng phải đến 2-3 năm sau mới tổ chức lễ trưởng thành (ăn Zùm, Pà Zùm, Pàzum...); đây thực chất là thêm một lễ cưới được tổ chức bên nhà gái. Trong lễ này, nhà gái làm thịt một con gà, nấu một mâm xôi, rượu, đặt lên bàn thờ trong nhà; với ước nguyện là cầu cho đôi vợ chồng khỏe mạnh, ăn nên làm ra, sinh nhiều con. Sau lễ này người con gái chính thức về với nhà chồng và được quyền sinh con.
Trước kia, lễ cưới xin của người Cơ tu có những luật tục và những quy định nghiêm ngặt, nhất là lễ vật cưới xin, có gia đình nhà gái đặt ra rất cao sang tốn kém (thách cưới). Thêm vào đó, lại tổ chức khá thịnh soạn không chỉ trong phạm vi gia đình mà cả làng bản, làm cho một số đôi trai gái không thể đến với nhau vì nhà trai nghèo khó hoặc chàng trai mồ côi cha hoặc mẹ không thể lo toan được. Nếu chàng trai phải đi vay mượn thì món nợ quá lớn khiến vợ chồng phải lo toan suốt cả cuộc đời.
Người Cơ tu theo nguyên tắc hôn nhân ngoại tộc: những người trong dòng họ, cùng huyết thống không được lấy nhau, không được quan hệ tính giao với nhau dù bao nhiêu đời (gọi là tội loạn luân và bị phạt rất nặng).
Ngày trước, đồng bào dân tộc Cơ tu ở Quảng Nam - Đà Nẵng có tục “đầu tôi” - một phong tục mà các nhà nghiên cứu cho là đầy tủi nhục đối với phụ nữ. “Đầu tôi”, tiếng Cơ tu là Jập Nhar, Jập là người (con gái), Nhar là của cải; “đầu tôi” là của cải dùng để mua người phụ nữ về làm vợ. Nhà nghiên cứu Võ Hà đã nhận định trong bài Phụ nữ Cơ tu và phong trào xóa bỏ nạn “đầu tôi” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần: Nạn “đầu tôi” thực chất là nạn cưỡng ép hôn nhân, cấm tự do yêu đương, tự do kết hôn, bắt buộc nam nữ phải đi theo con đường hôn nhân định sẵn và xem việc dựng vợ gả chồng cho con cái có tính chất mua bán, mặc cả. Nạn “đầu tôi” là một hình thức mua người làm vợ, bán gả con gái để trả nợ, để làm giàu.
Những luật tục có tính hủ tục trong việc cưới xin của người Cơ tu xem ra không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại, đến nay đã bị xóa bỏ, bởi chúng không chỉ mang tính hình thức, tốn kém công sức và tiền của dẫn đến hệ lụy tảo hôn mà còn vi phạm hôn nhân trong quan hệ huyết thống.
PHẠM VĂN BÍNH - VIÊN PHÚC QUÂN