Chống thiếu nước, nhiễm mặn

.

Khu vực hạ du sông Vu Gia thuộc thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa trải qua 10 ngày thiếu nước và nhiễm mặn nặng (từ ngày 5-8 đến 15-8) do mực nước sông Yên và Vu Gia hạ thấp lịch sử, thấp hơn cả năm 2013. Trong 10 năm qua, cả 2 địa phương loay hoay chống thiếu nước, nhiễm mặn, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để bảo đảm an ninh nguồn nước cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

10 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã phải 12 lần đắp đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện (con sông đào thời nhà Nguyễn). Ảnh: HOÀNG HIỆP
10 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã phải 12 lần đắp đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện (con sông đào thời nhà Nguyễn). Ảnh: HOÀNG HIỆP

1. Cách đây 10 năm, từ ngày 14-3-2013 đến hết ngày 18-3-2013, một nhà máy thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia không xả nước, làm mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch hạ thấp xuống mức lịch sử: từ 1,5-1,6m trong 2 ngày 18 và 19-3-2013, ảnh hưởng đến cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hạ du. Lúc đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã họp và thống nhất đắp đập tạm chặn sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc) để ngăn không cho nước sông Vu Gia chảy về Thu Bồn.

Đồng thời, đắp đập tạm trên sông Vĩnh Điện đoạn hạ lưu trạm bơm Tứ Câu (nay là thị xã Điện Bàn) để ngăn mặn, giữ ngọt để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và phục vụ nước tưới cho hơn 3.000ha lúa của 2 địa phương (đây là năm đầu tiên cả 2 đập tạm nói trên được đắp). Từ đó đến nay, đập tạm trên sông Vĩnh Điện được đắp thường niên, còn đập tạm trên sông Quảng Huế đã được triển khai được một số năm, riêng năm 2022 và 2023 chưa được đắp.

2. Trong 2 ngày 4 và 5-8-2023, do các hồ thủy điện được vận hành xả nước với lưu lượng quá thấp so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, làm mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa hạ thấp lịch sử vào tối 6-8 (1,45m) và mực nước sông Yên cũng hạ thấp lịch sử vào rạng sáng 7-8 (1,46m). Tất cả các trạm bơm cấp nước tưới cho lúa hè thu dọc sông Vu Gia, Yên, Lạc Thành, La Thọ đều phải dừng hoạt động hoặc bơm với công suất thấp trong nhiều giờ, gây ảnh hưởng hơn 7.000 lúa vụ hè thu đang trổ bông.

Các trạm bơm cấp nước sinh hoạt cho thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng bị ảnh hưởng, riêng Nhà máy nước Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phải giảm 90% công suất cấp nước trong ngày 6-8. Trạm bơm phòng mặn An Trạch cũ cũng phải dừng vận hành khoảng 6 giờ, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng phải vận hành 100% công suất của Trạm bơm phòng mặn An Trạch mới và phối hợp tăng công suất cấp nước của Nhà máy nước Hòa Liên. Đến ngày 15-8, tất cả các trạm bơm ở nhánh sông La Thọ mới hoạt động bình thường trở lại, cấp nước cho 1.200ha lúa.

3. Mực nước sông Vu Gia hạ thấp lịch sử vào năm 2013, 2016, 2023; tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào tháng 8-2014 và một số lần vào năm 2018, 2019; độ mặn lịch sử của sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ vào năm 2015 (13.568mg/l vào ngày 28-7-2015)... đều có nguyên nhân chung là tác động của việc vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia. Tình trạng này không được theo dõi, giám sát, chấn chỉnh, chỉ đạo, điều hành kịp thời, cũng như không xử phạt đơn vị thực hiện sai quy trình vận hành liên hồ nên còn kéo dài.

Ngày 15-8-2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 5420/UBND-KTN gửi UBND thành phố Đà Nẵng về việc ký kết các văn bản làm cơ sở tiếp tục thử nghiệm hoạt động của Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng dự thảo văn bản, báo cáo lãnh đạo 2 địa phương xem xét, thống nhất trước khi đồng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn...

Khi việc vận hành xả nước từ các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn để phát điện còn phụ thuộc vào sự huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) như 10 năm qua (A0 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đang chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương), đòi hỏi 2 địa phương nâng cấp ban điều phối, tiến đến thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông hoạt động theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Tổ chức này được thành lập sẽ có thẩm quyền kiến nghị việc điều hòa, phân phối nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra... trên lưu vực sông liên tỉnh như quy định của Luật Tài nguyên nước. Khi có “thực quyền” như vậy, hoạt động của tổ chức này mới chấn chỉnh, giảm thiểu được tình trạng vận hành sai quy trình của các đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy điện, hướng đến vận hành hợp lý hơn, phù hợp với tình hình thực tế hơn theo thời gian thực, bảo đảm cấp nước và chống nhiễm mặn ở hạ du.

4. Giảm phụ thuộc vào các việc vận hành các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn cũng là trông đợi các đơn vị khai thác nước cũng như người dân ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn. Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Hồ Minh Nam cho hay, khi thành phố xây dựng hồ chứa nước trên sông Bắc (thượng lưu sông Cu Đê) để nâng công suất vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, công ty cũng sẽ nghiên cứu kết hợp đầu tư một đường ống dẫn nguồn nước ngọt này về Nhà máy nước Cầu Đỏ để không còn phải phụ thuộc quá lớn từ nguồn nước của các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Đào Văn Thiên cho rằng, việc đầu tư đập ngăn mặn trên sông Thu Bồn tại hạ lưu cầu Câu Lâu với thiết kế như cống Cái Lớn hoặc Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang là cần thiết. Công trình này vừa bảo đảm thoát lũ, vừa ngăn mặn, giữ được nước ngọt cho các trạm bơm hoạt động và không cần đắp đập tạm ngăn sông Vĩnh Điện mà vẫn có nước ngọt giúp giảm độ mặn cho sông Cẩm Lệ, đặc biệt là giúp khơi thông trở lại sông đào thời Nhà Nguyễn và được khắc trên Cửu Đỉnh trong Hoàng thành Huế và khơi thông tuyến du lịch đường sông từ Đà Nẵng lên Thánh địa Mỹ Sơn, địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng...

Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho biết, về lâu dài, thành phố cần khai thác nguồn nước có chất lượng lẫn trữ lượng tốt hơn tại sông Thu Bồn ở khu vực Giao Thủy, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) để cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, xem sông Cu Đê là kho dự trữ nguồn nước ngọt quý báu cho thành phố.

 HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.