PHÓNG SỰ - GHI CHÉP

Chạm tay vào... quá khứ

.

Trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc, cổ vật được xem là một loại hình di sản văn hóa đặc biệt nhờ sự kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng, kỹ thuật và nghệ thuật của từng thời kỳ lịch sử. Ngoài giá trị sử dụng, cổ vật còn mang trong mình sứ mạng giao lưu, kết nối kinh tế, văn minh Đông - Tây. Có lẽ vì vậy mà cổ vật luôn gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc, suy nghĩ mỗi khi chiêm ngưỡng.

Ông Bạch Lộc gìn giữ các cổ vật như một báu vật trong không gian nhà mình. Ảnh: Đ.H.L
Ông Bạch Lộc gìn giữ các cổ vật như một báu vật trong không gian nhà mình. Ảnh: Đ.H.L

Với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, phong trào sưu tầm cổ vật ở Đà Nẵng trong thời gian qua phát triển khá mạnh, nhiều hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật ra đời đã góp phần chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Hiểu hơn về văn hóa từ đam mê cổ vật

Vào dịp cuối tuần, không gian quán cà phê Lam Kiều ở đường Hàn Thuyên (quận Hải Châu) trở nên nhộn nhịp khi có các nhà sưu tập cổ vật của Hội Cổ vật Lam Kiều đến giao lưu, trao đổi và nghiên cứu. Cũng chính điều này mà cái tên Lam Kiều nghiễm nhiên được đặt cho hội. Anh Huỳnh Quốc Việt (SN 1980), chủ quán Lam Kiều cũng là một trong những người sáng lập hội cho biết, hiện nay Hội Cổ vật Lam Kiều có khoảng 11 hội viên. Ngoài những buổi sinh hoạt cuối tuần tại quán, thỉnh thoảng hội còn tổ chức giao lưu với các nhà sưu tầm cổ vật ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Không chỉ là nơi sinh hoạt của các hội viên, quán Lam Kiều còn là nơi trưng bày gần 200 cổ vật gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc. Đây là những cổ vật quý được anh Việt sưu tầm trong suốt hơn 13 năm qua và được anh gìn giữ cẩn thận trong tủ như những báu vật. Nhớ lại những ngày đầu mới tập tành chơi, anh Việt chia sẻ, trong một lần qua nhà người anh ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), tình cờ anh thấy 1 lô bát sứ tàu vừa được tìm thấy dưới đáy biển rất đẹp. Từ đó, anh dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về gốm sứ Trung Quốc, rồi dần dần mở rộng ra nghiên cứu gốm sứ Việt Nam.

“Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại, gốm tàu có kiểu dáng và họa tiết rất đặc sắc khiến những người chơi gốm rất thích. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về gốm Việt Nam, tôi mới biết gốm Chu Đậu của tỉnh Hải Dương cũng rất đẹp và được bạn bè thế giới yêu thích. Hiện nay, gốm Việt đã được trưng bày ở nhiều bảo tàng nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản và các nước Trung Đông, châu Âu… Niềm say mê cổ vật đã cho tôi có thêm kiến thức bổ ích về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc qua mỗi thời kỳ”, anh Việt nhấn mạnh.

Để có hàng trăm chiếc gốm quý giá như hiện nay, anh Việt cất công lặn lội vào Hội An sưu tầm. Còn nhớ vào những năm 1997-2000, người dân trục vớt nhiều cổ vật bằng gốm dưới biển, đó là dịp để cho anh có cơ hội bổ sung thêm vào bộ sưu tập của mình những cổ vật quý hiếm. Đặc biệt, với thú chơi đồ cổ, càng tiếp xúc nhiều thì sự hiểu biết càng được nâng cao.

“Trước đây, muốn xem một cổ vật, người chơi phải lặn lội tìm đến tận nhà hoặc phố kinh doanh đồ cổ thì giờ chỉ cần trao đổi hình ảnh qua mạng. Tuy vậy, việc có nhiều người chơi đồ cổ khiến tình trạng xuất hiện đồ giả ngày càng nhiều và được làm khá tinh vi, nếu không có đủ kiến thức thì khó nhận ra đâu là đồ thật, đồ giả. Hồi mới chơi, tôi cũng bị mua nhầm và xem đó là bài học kinh nghiệm cho bản thân. Dẫu vậy, lợi ích của việc sưu tầm đồ cổ mang lại rất lớn. Bên cạnh tăng thu nhập trong việc trao đổi, buôn bán, chúng tôi còn được hiểu thêm về bề dày lịch sử văn hóa của cha ông, đặc biệt là dấu ấn văn hóa qua các thời kỳ”, anh Việt bộc bạch.

So với những người trẻ thì những người chơi đồ cổ có thâm niên như ông Bạch Lộc, Chi hội trưởng Chi Hội Cổ vật Đà thành, lại là một lợi thế. Với hơn 35 năm kinh nghiệm sưu tầm cổ vật, ông Bạch Lộc có thể nhận biết được niên đại và giá trị của cổ vật bằng mắt thường.

Ông Bạch Lộc cho biết: “Để nhận biết cổ vật thì chỉ nhờ vào kinh nghiệm khảo cổ, còn việc dùng các phương pháp khoa học rất tốn kém. Do đó, những người trẻ cần giao lưu nhiều. Qua việc gặp gỡ, những người nghiên cứu, sưu tầm lâu năm sẽ chỉ dẫn, cộng với sự va chạm, cọ sát cổ vật nhiều thì sẽ rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Không ai dạy hết, tự anh em giao lưu, mách bảo với nhau. Qua việc chơi cổ vật, chúng ta thấy được công sức và trí tuệ của ông cha ta làm ra một sản phẩm bằng tay tài tình và tuyệt vời như thế nào, nhất là nét hoa văn chạm trổ trên từng cổ vật”.

Nhờ làm nghề khảo cổ, ông Bạch Lộc bén duyên với việc sưu tầm cổ vật từ những năm đầu thập niên 80 và đến nay đã sở hữu cho riêng mình hàng nghìn cổ vật từ nhỏ đến lớn qua nhiều đời, từ đời Lê, Lý, Trần đến kỷ vật chiến tranh từ năm 1963-1975, kỷ vật thời bao cấp... Trong căn nhà nhỏ trên đường Thanh Duyên, không gian sống của ông Bạch Lộc trở thành không gian lưu giữ cổ vật. Những cổ vật quý được ông chia theo thời kỳ lịch sử và cất giữ cẩn thận, trong đó có những cổ vật có niên đại hàng trăm năm như cơi vôi ăn trầu, ấm uống rượu, bình uống trà của các vị quan lại, hay hộp đựng phấn trang điểm, vò rượu, chum đựng mắm, bộ nồi đồng nhiều kích cỡ...

“Thời bao cấp cơ cực phải lo cơm áo gạo tiền nên ông Lộc tìm những mảnh sắt vụn cân kiếm tiền. Qua đó, tình cờ thấy những vật dưới lòng đất có hoa văn chạm trổ rất đẹp. Sẵn có kiến thức về khảo cổ nên ông giữ lại những cổ vật quý, có giá trị. Khi còn khỏe, ông hay rong ruổi từ Bắc đến Nam trên chiếc honda để tìm kiếm cổ vật. Hễ nghe thông tin ở đâu có cổ vật quý vừa mới đào được là có mặt ngay để mua cho bằng được. Có những chuyến đi kéo dài cả tuần lễ”, ông Bạch Lộc nhớ lại đồng thời chia sẻ, nếu sau này không có ai bảo quản số cổ vật của mình thì ông sẽ bàn giao cho bảo tàng lưu giữ.  

Cần lắm một sân chơi lành mạnh!

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, hiện trên địa bàn thành phố có Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn, Chi hội Cổ vật Đà thành trực thuộc Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng, quy tụ nhiều nhà sưu tập tư nhân. Ngoài ra còn có Hội Cổ vật Lam Kiều. Các nhà sưu tập tư nhân chính là “cánh tay nối dài” góp phần cùng ngành Văn hóa gìn giữ di sản quý báu cha ông để lại. Tuy nhiên, để lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đặc biệt này cần có sân chơi để các nhà sưu tầm cổ vật giao lưu, học hỏi.

Hội Cổ vật Đà thành chính thức ra đời từ năm 2015. Để tạo sân chơi cho anh em, trước đây, hội thường xuyên tổ chức phiên chợ vào thứ Bảy và Chủ nhật tại Công viên 29-3. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhiều hội viên gặp khó khăn khiến hoạt động của hội suy yếu dần. “Nếu có các chợ phiên diễn ra hằng tuần như trước đây thì may ra hội mới có tiền quỹ để hỗ trợ lưu giữ, bảo quản cổ vật. Vào năm 2022, nhân dịp lễ 30-4, Chi hội Cổ vật Đà thành hoạt động mạnh trở lại nhờ Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng tạo điều kiện cho hội tham gia gian hàng trưng bày cổ vật, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Mong muốn của chi hội là thành phố tạo sân chơi để các hội viên giao lưu, giới thiệu cổ vật thường xuyên nhằm giúp thế hệ trẻ biết đến văn hóa lịch sử của ông cha qua các thời kỳ”, ông Bạch Lộc đề xuất.

Do không có sân chơi, đến nay, Hội Cổ vật Lam Kiều sinh hoạt tạm thời tại quán cà phê Lam Kiều. Theo ông Huỳnh Quốc Việt, việc tổ chức các hoạt động như triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3” của các cơ quan chức năng diễn ra thưa thớt, do đó, Hội Cổ vật Lam Kiều cũng mong muốn thành phố thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động triển lãm hơn để những người sưu tầm cổ vật có cơ hội trưng bày, giới thiệu bộ sưu tầm của mình với công chúng. Vào tháng 7 vừa qua, tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”, Hội Cổ vật Lam Kiều đã kêu gọi các hội viên tham gia hiến tặng cổ vật gốm sứ Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX cho Bảo tàng Đà Nẵng để phục vụ trưng bày và nghiên cứu.

Cũng tại cuộc triển lãm này, Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu đến công chúng 70 hiện vật tiêu biểu, chọn lọc của các nhà sưu tập cổ vật bao gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ thế kỷ XV đến thời nhà Nguyễn như: bộ sưu tập đồ gỗ thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn, bộ sưu tập gốm Chu Đậu niên đại từ thế kỷ XVI-XVII của nhà sưu tập Trương Hoài Tuyên, bộ sưu tập gốm sứ Trung Quốc thế kỷ XVIII-XIX của nhà sưu tập Phạm Phú Khánh, bộ sưu tập tiền cổ thời nhà Nguyễn của nhà sưu tập Đặng Lê Kim Hòa, bộ sưu tập đèn dầu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của nhà sưu tập Lê Phước Quang… Qua đó, một số nhà sưu tập tư nhân chọn ra một số hiện vật trong bộ sưu tập của mình hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng nhằm làm phong phú thêm nội dung trưng bày, phục vụ tốt hơn cho khách tham quan trong và ngoài nước.

Nói về vai trò của các nhà cổ vật, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, hằng năm vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức 2 năm/lần các hoạt động giới thiệu thú chơi cổ vật của người Đà thành, thông qua dịp này, bảo tàng kêu gọi các nhà sưu tầm cổ vật hiến tặng hiện vật và tri ân những người có đóng góp của họ cho bảo tàng. Tại triển lãm “Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng lần thứ 3”, các nhà sưu tầm cổ vật đã hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng 40 cổ vật có giá trị qua các thời kỳ. Có thể nói, những hiện vật được các nhà sưu tập trao tặng chính là những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhở chúng ta tiếp bước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Hiện nay ở Hà Nội có phố Hoàng Hoa Thám, còn Thành phố Hồ Chí Minh có phố Lê Công Kiều là nơi nổi tiếng cho giới sưu tầm tụ họp giao lưu, mua bán đồ cổ. Trong khi đó, những người sưu tầm và yêu thích đồ cổ ở Đà Nẵng chỉ có thể đến nhà nhau hoặc gặp ở quán cà phê để trao đổi, chia sẻ. Về lâu về dài, những người sưu tầm đồ cổ vẫn mong muốn chính quyền thành phố tạo điều kiện để Đà Nẵng có một phố đồ xưa nhằm làm nơi lưu giữ những ký ức thân thương của người dân thành phố; đồng thời là điểm tham quan thu hút du khách khi đến với thành phố biển xinh đẹp này.

“Sau khi thành lập Hội Di sản Văn hóa Đà Nẵng, Chi hội Di sản văn hóa Sông Hàn và Chi hội Cổ vật Đà thành được quy tụ về một mối và các hội viên được cấp thẻ thành viên. Giờ đây, họ có một sân chơi chung để giao lưu, gặp gỡ và tham gia hưởng ứng các hoạt động của ngành văn hóa tổ chức; đồng thời chung tay gìn giữ các di sản văn hóa. Bên cạnh đó, Hội Di sản Văn hóa còn quy tụ các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cổ vật tham gia các diễn đàn học thuật, nghiên cứu để tư vấn và phản biện, đóng góp cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.