Những niềm vui, nỗi buồn, khổ đau, hạnh phúc của con người dệt nên một tấm lưới mờ bao bọc quanh thân phận mỗi chúng ta. Có thể coi đó là thế giới của chúng ta. Nhưng còn một thế giới khác, cũng bao bọc chúng ta, cũng quan trọng với chúng ta không kém, mà nhiều lúc chúng ta ít nhận ra, hay biết rồi lại… để đó. Thế giới khác ấy rất lặng thầm, rất khiêm nhường, dù nhỏ nhoi hay lớn lao thì đều như những mắt lưới lặng lẽ, che chở không lời, chẳng cao đàm khoát luận. Thế giới khác ấy là lòng tốt của con người.
Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tháng 9-2022.Ảnh tư liệu |
Nói như thế cũng chung chung, nên nói, đó là thế giới của những người tốt quanh chúng ta. Bởi những người tốt làm nên lòng tốt. Và những người tốt, những lòng tốt làm nên thế giới. Và thế giới ấy nhiều khi nhỏ hẹp, nhiều khi gần gũi đến không ngờ với mỗi con người.
“Chúng ta là ai, xanh được bao lâu?”
Có thể còn nhiều thế giới khác, những thế giới của tham sân si, những thế giới của tranh quyền đoạt lợi, giằng xé cướp đoạt, lừa đảo hỗn mang, cá lớn nuốt cá bé, đố kỵ hằn thù, nhỏ nhen ích kỷ… Những thế giới ấy cũng vây bủa chúng ta 24/24 giờ, nhiều khi khiến chúng ta mệt mỏi, buồn bực, thậm chí thất vọng.
Người ta nói những người già hay cả nghĩ. Hồi trẻ, tôi là người khá tào lao, ham vui ham chơi, nhiều khi lang bang giang hồ, ít khi nhìn và nghĩ lại. Bây giờ đã lớn tuổi, thì “nhớ lại và suy nghĩ” cũng là chuyện bình thường, giành cho tất cả những người bình thường, chứ không chỉ các vĩ nhân mới nhớ lại và suy nghĩ.
Hóa ra, những người tốt quanh tôi nhiều hơn tôi tưởng. Hóa ra, lòng tốt là món quà bình dị nhất mà con người có thể trao cho nhau, món quà khó nhận thấy nhất mà Thượng đế trao cho con người, vậy nên nhiều lúc ta ít nghĩ tới. Không quên, nhưng ít nghĩ tới.
Bây giờ nhớ và nghĩ lại, đã có bao người tốt giúp đỡ tôi trong cuộc đời, có bao lòng tốt thầm lặng che chở tôi trước nguy cơ, kể cả nguy cơ do chính mình dại dột tạo ra. Đó là những tấm khiên vô hình che chắn những mũi tên hữu hình, là bàn tay nâng đỡ chìa ra cho tôi mỗi khi tôi không vững bước trên đường đời.
Cả những bàn tay vùi dập tôi, giờ cũng phải nói lời cảm ơn với nó. Vì không có những kháng lực như vậy, làm sao mình nên người.
Nhưng lòng tốt và người tốt lại là chuyện khác. Chính vì họ chỉ làm điều tốt cho mình, không vùi dập mình để gây “ấn tượng”, đâm ra nhiều lúc mình ít nhận ra. Thế giới luôn có những kỳ cục như thế.
Tôi viết được trường ca “Người tốt ở quanh tôi” cũng từ một gợi ý của lòng tốt. Của một người bạn tốt. Người bạn ấy nói: “Càng già, mình càng biết thương nhau hơn”. Chỉ một câu nói, tôi nghĩ ra cả một thế giới đang bao bọc quanh mình. Thế giới của lòng tốt. Thế giới của những con người tốt.
“Chúng ta là ai, xanh được bao lâu?”, đây là câu hỏi gần như không có câu trả lời trực tiếp. Nó là câu tự hỏi, giành cho những con người muốn vươn lên sự tử tế, chứ không phải vươn lên tiền bạc hay danh vọng. Vươn lên sự tử tế, dễ mà khó hơn nhiều. Và cũng chẳng có sự tôn vinh hữu hình nào giành cho sự tử tế cả.
Cái đáng quý nhất ở con người, cái đáng quý nhất mà con người được nhận, chính là lòng tốt bình thường. Lòng tốt bình thường, không lớn lao hoành tráng, không nhằm chứng minh, không mong đền đáp, chính là lòng tốt mà chúng ta thường nhận được, mà chúng ta đôi khi lơ đãng bỏ qua. Nhưng bỏ qua, rồi nhớ lại. Bỏ qua, rồi nghĩ lại. Chợt giật mình: ta đã bỏ qua điều quý báu gì đây, sự thân thiết nào đây? Ta đã sống với những gì tốt đẹp quanh mình, những gì âm thầm tốt, âm thầm soi sáng, âm thầm trợ giúp cuộc đời ta, mà sao ta lại nhớ nhớ quên quên một cách vô tâm thế này ?
“Có lòng tốt quên mình như bóng mát”
Tôi viết trường ca “Người tốt ở quanh tôi” nhằm tự nhắc nhở mình, chứ chưa hề dám nhắc nhở ai. Và cũng xin nói luôn: nếu ai cũng thường tự nhắc nhở mình, thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Đó là câu chuyện hoàn toàn cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng đến toàn cục.
Khi tôi xem chương trình “Cất cánh” trên VTV1, có một “người thắp lửa” quê Thanh Chương - Nghệ An, đã bằng sự khát khao cháy bỏng làm sao đưa trí tuệ và lòng nhân ái về với quê hương còn nghèo khó của mình. Anh đã sáng tạo ra những “ngôi nhà trí tuệ” và “ngôi nhà nhân ái” giành cho các em học trò nghèo Nghệ An. “Người thắp lửa” này không chỉ có lòng tốt như một “bản năng gốc”, anh còn có cách thu hút và những bước thực hiện thông minh của một “kỹ năng nền”. Đó là lòng tốt được trí tuệ nâng cao lên, là khát vọng được thiết kế từ những bước đi chậm rãi và chắc chắn. Anh Nguyễn Anh Tuấn, với lòng tốt và tình yêu quê hương của mình đang thành công, và sẽ thành công hơn nữa.
Đúng như anh chia sẻ về bức thư của một học sinh nhỏ đồng hương gửi cho anh: “Em mong ước sau này sẽ được mang trí tuệ và lòng nhân ái tới mọi miền Tổ quốc, và sẽ không ai ăn hiếp được em”. Anh Tuấn kết luận: “Nếu mọi em học sinh đều có ước mơ như vậy, và đều trở thành những người “không thể bị ăn hiếp”, thì đất nước ta sẽ không bao giờ sợ bất cứ “kẻ ăn hiếp” nào”. Tôi xúc động vô cùng vì câu nói này. Nó bắt nguồn từ lòng tốt và được nâng cao bởi trí tuệ. Nó lan tỏa lòng yêu nước quyện trong lòng nhân ái. Tổ quốc ta sẽ “cất cánh” từ những lòng tốt như vậy, từ những việc làm yêu nước thầm lặng như vậy.
Hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé xuất phát từ lòng tốt, chúng ta sẽ thấy thế giới quanh mình ngày càng dễ thở hơn, càng đỡ ô nhiễm hơn.
Những người tốt trong trường ca của tôi đều là những con người nhỏ bé với lòng tốt nhỏ bé. Họ bẩm sinh khiêm nhường, và coi mọi việc làm tốt, mọi hành động nhân ái của mình như những chuyện bình thường phải làm với một con người. Vậy thôi. Không mong bất cứ sự đền đáp hay tôn vinh nào.
Chính vì thế, những câu thơ của tôi xin giành cho họ, xin ca ngợi họ bằng cách mộc mạc nhất, tối giản nhất có thể.
Khi lượng cây xanh ở một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 20 năm đã mất đi một nửa (50%), thì chúng ta mới cảm thấy cần bóng mát cây xanh biết chừng nào! “Có lòng tốt quên mình như bóng mát”, những con người có lòng tốt ấy, quý biết bao trong cuộc đời đầy nắng gắt hôm nay.
Tôi muốn được sống trong một “thế giới khác” như thế. Vì tôi kính yêu những người tốt bình dị. Nếu họ không từ chối, tôi xin tặng trường ca “Người tốt ở quanh tôi” này cho họ, như một lời cảm ơn chân thành nhất.
Đúng là “Có thể còn nhiều thế giới/Nhưng ta chót yêu thế giới này”, một thế giới quá bình thường, nhiều khi lam lũ, nhưng là thế giới luôn cho ta niềm hy vọng.
Người tốt ở quanh tôi
(Trích trường ca)
“ …nhưng không chỉ người già
mới tốt
tôi đã gặp ở quán bánh mỳ Phượng Hội An
một chú em xăm trổ
đầy mình
thấy tôi xếp hàng mua bánh
như một người già không quen không thân
chú đưa tôi hai chiếc bánh vừa mua
kiên quyết không lấy tiền
“con biếu bố mà!”
hạnh phúc
là khi mình già như cục gạch
lại được chàng trẻ trai cho quà
xăm trổ thì đã sao ? Vui mà
có chị hàng xóm gần nhà
nay đã già
tai nặng
chăm tập thể dục
chăm hơn, giúp người khác
toàn những người già trong xóm
tới kỳ lương chị xung phong nhận giùm lương hưu
thỉnh thoảng biếu nhà tôi bát canh cua
vài quả ổi
có khi nửa miếng mít
người như thế không hiếm trên quả đất
vì sao ta ít nhận ra?
giúp người khác như cái cây nở hoa
đâu vì nó
tôi yêu cây xanh từ lẽ đó
cây khiêm nhường hơn tôi rất nhiều
mỗi khi tôi tưới nước, cây yêu
hàm ơn lặng lẽ
trên trái đất có bao cây như thế
vì sao ta ít nhận ra?
tôi yêu Bertold Brecht
cả thơ lẫn kịch
trong “Người tốt ở Tứ Xuyên”, anh có biết
vì sao người tốt ấy lại là cô gái điếm?
vì sao người ta ăn quịt lòng tốt của cô?
bây giờ tôi nghĩ ra
người xấu có khi do hoàn cảnh
nghĩ nhiều đến tiền cũng chưa hẳn
nhưng đừng vô ơn
dù ai chả có lúc lơn tơn”.
THANH THẢO