Bài báo nổi tiếng của cụ Phan

.

90 năm trước, trên báo Tiếng Dân số 613, ngày 9-8-1933, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng cho rằng: “Nói đến cụ Phan Châu Trinh, các báo thường hay nhắc bài điều trần cùng bài diễn thuyết của Cụ, mà có một điều lâu nay không ai nhắc đến là Cụ chính là một nhà báo xuất sắc trước 25 năm kia…”. Cụ Huỳnh cũng nhận định: Bài báo “Hiện trạng vấn đề” mà Phan Châu Trinh viết năm 1907 chính là “một bài luận thời cuộc rất xuất sắc trong báo giới ta”.

Đại Việt tân báo và nhà báo Phan Châu Trinh. Ảnh tư liệu
Đại Việt tân báo và nhà báo Phan Châu Trinh. Ảnh tư liệu

 Vị chủ bút Đại Việt tân báo

Ngày 5-5-1905, tờ Đại Việt tân báo ra số 1, phát hành tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Chỉ tồn tại 3 năm ngắn ngủi song sự xuất hiện của tờ báo có tên tiếng Pháp là “L’Annam” này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam vì đây là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ. Hơn thế nữa, Đại Việt tân báo lại có khuynh hướng đấu tranh cho người Việt đang bị áp chế dưới nền cai trị thực dân.

Người sáng lập Đại Việt tân báo là Alfred Ernest Babut (1878-1962), nhà hoạt động nhân quyền, thành viên sáng lập năng nổ nhất trong chi nhánh Liên minh Nhân quyền Hà Nội. Sau này, ông là ân nhân của Phan Châu Trinh. Nhờ cuộc vận động mạnh mẽ của Babut, chí sĩ Phan Châu Trinh mới sớm được ra khỏi Côn Đảo rồi sang Pháp tiếp tục công cuộc đấu tranh cho dân tộc.

Babut chủ trương chọn mời những nhà khoa bảng Nho học có tư tưởng cấp tiến, cách mạng tham gia điều hành tờ báo. Năm 1907, khi trở lại Hà Nội, với những hoạt động dân quyền nổi tiếng, được dư luận chú ý, Phó bảng Phan Châu Trinh được Babut mời làm chủ bút(1), thay Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ. 

“Chi bằng học”

Làm chủ bút Đại Việt tân báo song Phan Châu Trinh vẫn tích cực tham gia viết báo. Đáng chú ý là trên số báo số 135, ra ngày 22-12-1907 đăng bài viết “Hiện trạng vấn đề” của ông. Bài báo ra đời trong bối cảnh ở Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục đang phát động mạnh mẽ phong trào tân học và Phan Châu Trinh thường xuyên được mời đến nói chuyện, giảng bài.

Mở đầu bài báo, Phan Châu Trinh đề cập đến tác động của những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật của phương Tây đối với phần còn lại của thế giới: “Từ nhiều thế kỷ, người phương Tây đã đạt được sự phát triển lớn lao, họ đặt chân dần dần trên khắp mặt địa cầu. Nơi đâu có chỗ cho một con tàu cập bến, nơi đâu con người có thể tới, đều thấy dấu vết những bước chân của họ. Nơi nào họ tới, họ đều mang theo nền văn minh, nền thương mại, cả quân đội của họ. Nơi đâu họ đã yên vị, họ đều áp đặt nền chính trị, truyền bá học vấn và sự khôn ngoan của họ”.

Nghĩ về hiện tình đất nước lúc bấy giờ, tác giả dẫn không khỏi đau xót: “…Tôi càng suy nghĩ bao nhiêu, nỗi khổ đau càng tăng thêm bấy nhiêu, và những giọt nước mắt thầm lặng từ từ lăn trên gò má. Tôi tự nhủ: đầu óc chúng ta thật là ngớ ngẩn biết bao!… Chúng ta chẳng khác gì một người đang hấp hối nhưng lại từ chối liều thuốc cứu mạng. Than ôi! Chúng ta hãy chỉ tự trách mình nếu chúng ta không được tự do bằng những người khác. Chúng ta chính là những kẻ cai ngục của bản thân mình”.

Cụ Phan chỉ rõ căn nguyên dẫn đến sự tụt hậu quá xa của cả dân tộc so với hoàn cầu: “Đầu óc chúng ta là thế nào? - bụng rỗng tuếch, nhưng lại vẫn làm thơ. Túi tiền của chúng ta trống trơn vậy mà chúng ta vẫn mải mê bàn luận về Khổng Mạnh. Một số trong chúng ta có may mắn được học tiếng Pháp, mới chỉ viết được dăm ba câu, nói được vài ba chữ, đã tưởng rằng nắm được hết các môn khoa học của những vị thầy của mình. Không ai có thể vỗ ngực cho mình đã đạt tới đỉnh cao của khoa học, và khi mới chỉ bước chân vào ngưỡng cửa của những điều huyền bí của khoa học là đã có thể trở thành người hướng đạo cho đồng bào mình trên con đường cao quý của sự tiến bộ...”

Tác giả bài báo chất vấn đồng bào mình bằng những lời thống thiết lay động tâm can: “Nếu chúng ta chẳng phải là những con rối bằng gỗ thì sao chúng ta cảm thấy đau đớn khi bị áp sắt nung vào da thịt? Tại sao chúng ta lại có thể bình thản khi sấm sét đang gầm thét trên đầu?”. Phan Châu Trinh cho rằng: “Trên thế giới này người ta kính nể kẻ mạnh và coi khinh những kẻ yếu; và người ta cũng chẳng rủ lòng thương hại những kẻ dốt nát và những kẻ ngu ngốc”.

Với nhãn quan của một nhà Duy tân sau chuyến sang Nhật trực tiếp quan sát những chuyển biến thần kỳ trên nhiều mặt của xứ sở Phù Tang, nhất là tiếp thu tư tưởng thực học, học hành theo phương pháp khoa học hiện đại, Phan Châu Trinh nhận ra một yêu cầu cấp bách - yêu cầu phải học, thực học, rời bỏ ràng buộc của Nho giáo để vượt qua bóng tối, để tiến bộ. Kết thúc bài báo, tác giả Phan Châu Trinh nhấn mạnh: “Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ, tức là Chi bằng học - không chi bằng cái học cả”.

Theo Phó Giáo sư Vũ Trọng Khánh, “Chi bằng học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng”.

Cũng xin được nhắc lại rằng, hằng năm, trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đều đặn tưởng niệm ngày mất cụ Phan Châu Trinh - 24-3 và đăng ảnh ông rất trang trọng. Số báo nào, cụ Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh trong bài báo “Hiện trạng vấn đề”, xem như một lời danh ngôn: “Vậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi bằng học”.

VÂN TRÌNH

(1): Người chịu trách nhiệm chính trong công tác biên tập của một tờ báo hoặc tạp chí, tương đương với tổng biên tập ngày nay.

;
;
.
.
.
.
.