Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, đình làng Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá. Đặc biệt, năm 2001, trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ, đoàn cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Đà Nẵng đã phát hiện nhiều hiện vật có từ thời tiền Sa Huỳnh, Chăm-pa…
Đình Khuê Bắc sau khi được chính quyền trùng tu, tôn tạo trên nền kiến trúc cũ. Ảnh: H.L |
Đình Khuê Bắc nằm dưới chân núi Kim Sơn, được người dân xây dựng đầu thế kỷ XVIII. Ban đầu, đình làm bằng tranh tre, vách nứa, thờ các vị tiền nhân có công lập làng. Đến đời vua Đồng Khánh (1885-1888), đình xây lại bằng gạch với cấu trúc 5 gian, 4 mái, mặt quay về hướng Tây Bắc, nhìn ra dòng sông Cổ Cò. Theo tài liệu từ Bảo tàng Đà Nẵng, đình Khuê Bắc có chiều dài 14,37m, chiều rộng 10,65m, trên khuôn viên 8.687m2. Trước đình là bức bình phong bằng gạch, đá dày 35cm. Toàn bộ tường đình xây bằng gạch, dày 30-40cm, mái lợp ngói âm dương. Phần tiền đình xây theo kiểu vòm cuốn, hai cửa hai bên là lối vào hai lầu chiêng, trống. Khi mới xây dựng, đình có hai con rồng chầu bằng đá cùng 12 cây thị được trồng hai bên. Phía trên cửa giữa có bốn chữ Hán ghép bằng sành sứ, hai bên trang trí cành đào có hai trái.
Tương tự, cửa chính giữa có 2 câu đối được ghép từ sành sứ. Trên mí cửa đình trang trí hoa văn lá cúc dây. Phần mái của hai lầu chiêng, trống được xây nhô cao, với bốn góc uốn cong. Hậu tẩm là ban thờ Thành hoàng bổn xứ; tả ban, hữu ban thờ các vị tiền bối có công. Trước năm 1945, đình Khuê Bắc là nơi hội họp của lực lượng cách mạng. Sau này, khi phong trào “bình dân học vụ” được phát động, đình làng trở thành nơi tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho người dân. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi đình bị tàn phá nặng nề và được chính quyền trùng tu, tôn tạo bề thế, khang trang năm 2015. Hiện nay, vào ngày 20 tháng 3 âm lịch, người dân Khuê Bắc thường tổ chức lễ tế xuân, cầu mong mưa thuận gió hòa theo tục của người xưa.
Điều đáng nói, đây là ngôi đình hiếm hoi tại Đà Nẵng còn lưu giữ các dấu tích của cư dân tiền Sa Huỳnh sinh sống cách đây 3.000 - 3.500 năm. Năm 2001 và 2015, qua 2 lần khảo cổ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình dị vật gồm công cụ đá (rìu, bàn mài, hòn kê, hòn đập), đá nguyên liệu (màu trắng đục, vàng trắng hoặc nâu xám, xanh xám), đá nguyên liệu chế tạo đồ trang sức (màu nâu đỏ, nâu đen, nâu đỏ đen) và số lượng lớn các mảnh gốm.
Bên cạnh đó, tại điểm khai quật Hố I (6x8m), phát hiện lớp văn hóa Chăm sớm, có niên đại thế kỷ II, III sau công nguyên. Hiện vật mang nhiều nét tương đồng với lớp Trà Kiệu và Gò Cấm (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tuy vậy, những hiện vật này bị phá hủy nghiêm trọng và chỉ còn vết tích… Với những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, đình Khuê Bắc được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại Quyết định số 9726/QĐ-UBND ngày 14-12-2010 của UBND thành phố Đà Nẵng.
HUỲNH LÊ