Trong xu hướng phục hồi và phát triển mạnh của các hoạt động du lịch; nghệ thuật, vui chơi và giải trí là những ngành đang gia tăng sự đóng góp tích cực đối với nền kinh tế của Đà Nẵng (cả ba chỉ tiêu là mức đóng góp vào tăng trưởng GRDP, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư đều được cải thiện một cách đáng kể trong giai đoạn 2019-2022) và còn nhiều không gian phát triển trong những năm tiếp theo.
Giải Đua thuyền truyền thống thành phố Ðà Nẵng mở rộng. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đạt trên 12%/năm. Tuy nhiên, do tác động kéo dài của Covid-19, quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng năm 2020 bị sụt giảm đến 7,8% và chỉ phục hồi ở mức 1,13% trong năm 2021, dẫn đến áp lực của nền kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng trung bình trên 12%/năm cho toàn giai đoạn 2021-2030 là rất lớn. Vì cơ cấu kinh tế hợp lý theo ngành có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên xác định các ngành kinh tế (mà đặc biệt là các ngành chủ lực) và nghiên cứu đóng góp của các ngành này đối với sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế trở nên cấp thiết đối với Đà Nẵng trong những năm gần đây nhằm hướng đến các mục tiêu tăng trưởng đã được đặt ra.
Công văn số 3729/UBND-VKTXH ngày 17-6-2021 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Báo cáo nghiên cứu đóng góp của các ngành kinh tế chủ lực vào tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng: định hướng và giải pháp” đã xác định 6 ngành kinh tế chủ lực cần tập trung nguồn lực cho sự phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2021-2025 là: dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải kho bãi, công nghiệp chế biến chế tạo, thông tin truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bất động sản.
Năm 2022, khi Covid-19 được đẩy lùi và nền kinh tế mở cửa trở lại, 6 ngành kinh tế chủ lực đã được lựa chọn trước đây tiếp tục nằm trong nhóm 8 ngành kinh tế cấp 1 có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GRDP của thành phố. Theo đó, trước khi xảy ra Covid-19, đóng góp của 6 ngành được lựa chọn là ngành chủ lực đã tạo ra 3,43 điểm % tăng trưởng GRDP. Năm 2022, khi đại dịch được đẩy lùi, sự phục hồi đồng loạt của 6 ngành này đã tạo ra 8,62 điểm % tăng trưởng GRDP, chịu trách nhiệm cho hơn 65% sự phục hồi của nền kinh tế Đà Nẵng.
Có mức đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của nền kinh tế nhưng nhìn chung hiệu quả mang lại của các ngành kinh tế được xác định chủ lực hiện nay của Đà Nẵng chưa tương xứng. Trong 8 ngành kinh tế có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GRDP năm 2022, Thông tin và truyền thông và Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (chiếm tỷ trọng tổng cộng 18,53% GRDP năm 2022) là 2 ngành duy nhất vừa có năng suất lao động vừa có hiệu quả đầu tư đạt mức rất cao/cao.
Hầu hết ngành chiếm tỷ trọng lớn khác như Công nghiệp chế biến chế tạo, Dịch vụ lưu trú ăn uống, Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô-tô và xe máy. Hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm tổng cộng 37,3% GRDP năm 2022) đều đang có năng suất lao động và/hoặc hiệu quả đầu tư đạt mức thấp/rất thấp. Nói cách khác, cơ cấu kinh tế theo ngành của Đà Nẵng hiện nay có thể là rào cản để thành phố nâng cao hiệu suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngược lại với các ngành kinh tế chủ lực, nền kinh tế thành phố đang có một số ngành cấp 1 vừa có năng suất lao động vừa có hiệu quả đầu tư đạt được ở mức cao và phù hợp với xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu như: hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và các dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đang chiếm tỷ trọng chưa tương xứng trong nền kinh tế (chiếm tổng cộng dưới 7% GRDP năm 2022). Do đó, sự chú ý về mặt chính sách và phân bổ nguồn lực phát triển cũng cần hướng về 3 ngành này.
Theo đó, hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ là một trong số ít những ngành cấp 1 có tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn 2019-2022 và có cả năng suất lao động (xếp hạng 5/20 năm 2022) và hiệu quả đầu tư (xếp hạng 7/20 năm 2022) đều đạt được ở mức cao. Đây cũng là ngành phù hợp xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu của nền kinh tế thành phố. Tuy nhiên, ngành này hiện nay đang có tỷ trọng trong GRDP còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển (chiếm 3,44% GRDP năm 2022) và quy mô vốn đầu tư vào ngành này còn ở mức rất thấp (1,04% năm 2022).
Trong xu hướng phục hồi và phát triển mạnh của các hoạt động du lịch; nghệ thuật, vui chơi và giải trí là ngành đang gia tăng sự đóng góp tích cực đối với nền kinh tế của Đà Nẵng (cả ba chỉ tiêu là mức đóng góp vào tăng trưởng GRDP, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư đều được cải thiện một cách đáng kể trong giai đoạn 2019-2022) và còn nhiều không gian phát triển trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành này cũng phù hợp với nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trong lĩnh vực du lịch hiện nay của Đà Nẵng. Kinh nghiệm phát triển dịch vụ du lịch tại các điểm đến nổi tiếng trên thế giới đều cho thấy tồn tại xu hướng giảm tỷ trọng chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản như đi lại, lưu trú và ăn uống và gia tăng tỷ trọng chi phí cho các hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Nói cách khác, ngành này cần nhận được nhiều sự đầu tư phát triển hơn tại Đà Nẵng.
Với kết quả phân tích kể trên, thành phố cần có quan điểm phù hợp về việc nâng cao vai trò của các ngành kinh tế trong yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế. Thứ nhất, đối với những ngành có tỷ trọng giá trị gia tăng lớn và/hoặc thâm dụng vốn/lao động như dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô-tô, mô-tô và xe máy… thì nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và sức cạnh tranh là mục tiêu trọng yếu.
Thứ hai, đối với những ngành vừa có đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP vừa có hiệu suất lớn như thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm… thì cần tạo điều kiện phát triển và ưu tiên hàng đầu là gia tăng tỷ trọng giá trị gia tăng của các ngành này trong GRDP.
Thứ ba, đối với những ngành phù hợp với xu hướng phát triển, hỗ trợ tích cực cho việc chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu như giáo dục và đào tạo, hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ, nghệ thuật, vui chơi và giải trí… thì cần ưu tiên gia tăng vốn đầu tư và dần mở rộng quy mô giá trị gia tăng một cách hiệu quả. Về nguồn lực phát triển, giải quyết các điểm nghẽn và khơi thông các nguồn lực hạn hẹp của nền kinh tế nên được xác định không chỉ là chủ đề và mục tiêu của năm 2023 mà còn là của cả giai đoạn sắp tới.
LÊ THỊ HỒNG CẨM