Đầu năm đến nay, sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, đo đạc chi tiết công trình kiến trúc đình làng, kiến trúc nhà ở tại địa bàn huyện Hòa Vang trước khi đưa ra các giải pháp giúp địa phương có cơ sở bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch.
Sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tiến hành đo đạc, phác thảo kiến trúc tại làng cổ Phong Nam. Ảnh: H.L |
Hơn 100 sinh viên Khoa Kiến trúc vừa tổ chức chuyến đi khảo sát, đo đạc chi tiết các công trình kiến trúc tại làng cổ Phong Nam, xã Hòa Châu. Sinh viên Hồ Đoàn Thanh Ngân cho biết, các thành viên phối hợp khảo sát, đo vẽ hiện trạng, làm cơ sở triển khai các giải pháp tôn tạo vừa bảo đảm tính khoa học, vừa giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc các công trình. Sau một ngày làm việc, nhóm đã khảo sát xong hàng chục công trình, gồm công trình kiến trúc Pháp - Nhà thờ Phú Thượng; nhà thờ chư phái tộc Quan Châu; nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ và các ngôi nhà có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm như nhà các ông, bà: Đặng Công Nông, Thi Lý Thanh, Đặng Nga, Đặng Thị Túy Phong, Đặng Tao, Tán Tỉnh, Ông Thị Mãn, Lê Văn Bá, Trần Nhật Duật và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng dân gian khác.
Việc đo đạc thể hiện bản vẽ chi tiết được các thành viên tiến hành tỉ mỉ, cẩn trọng, tránh sai số. “Đa phần các công trình kiến trúc cổ tại làng Phong Nam nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng không giữ được hồ sơ bản vẽ, dữ liệu ban đầu nên công tác trùng tu, tôn tạo gặp nhiều khó khăn. Vì thế, với kiến thức được học, nhóm tiến hành đo đạc và bàn giao số liệu cho địa phương tiếp tục triển khai hoạt động trùng tu, bảo dưỡng và khôi phục”, Ngân hào hứng nói.
Phong Nam là ngôi làng cổ có tuổi đời trên 100 năm còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của làng quê Việt Nam truyền thống. Hiện làng có 17 ngôi nhà cổ và một số công trình kiến trúc tâm linh, làng xã đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Châu cho biết, để có cơ sở triển khai các giải pháp trùng tu, xã Hòa Châu đã có công văn đề nghị Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa hỗ trợ khảo sát, đo đạc, vẽ hiện trạng công trình và đưa ra các giải pháp để địa phương tham khảo, thực hiện. Cũng theo ông Bình, trước đó nhà trường cũng tổ chức một số chương trình workshop về kiến trúc quy hoạch ở huyện Hòa Vang nói chung và làng Phong Nam nói riêng, qua đó tham gia nhiều ý kiến đóng góp phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ di sản và bảo vệ hệ giá trị làng cổ Phong Nam.
Tương tự, tại chương trình workshop quốc tế đề xuất giải pháp kiến trúc nhà ở đối với làng nghề chiếu Cẩm Nê, xã Hòa Tiến do Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) phối hợp Học viện Công nghệ Maebashi (Nhật Bản) tổ chức, sinh viên Trần Văn Thành, khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa cho rằng các công trình nhà ở tại làng nghề chiếu Cẩm Nê đang chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thời tiết mưa ẩm. Chưa kể, vào mùa mưa bão, đây cũng là khu vực chịu ngập nặng, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến các công trình kiến trúc, nhà ở mang dấu ấn địa phương. “Trong quá trình khảo sát, trao đổi, các giải pháp của thầy và trò chúng tôi vừa tập trung vào khả năng chống chịu thời tiết, chống chịu mưu lũ của công trình, vừa thể hiện tinh thần sáng tạo, gắn kết cộng đồng”, Thành chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa cho biết, các hoạt động có sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia Nhật Bản, qua đó góp phần đưa ra được những đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân. “Đây là chuỗi hoạt động trọng tâm của Khoa Kiến trúc nhằm giúp sinh viên có điều kiện cọ sát thực tế, đồng thời hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, tôn tạo các giá trị văn hóa, di sản kiến trúc, cảnh quan. Với trách nhiệm xã hội, thầy trò chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động chung tay vì một cộng đồng mỹ quan hơn trong thời gian đến”, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cam kết.
HUỲNH LÊ