"Authentic" là từ khóa của năm 2023

.

Merriam-Webster, công ty xuất bản sách tham khảo và từ điển nổi tiếng của Mỹ vừa công bố từ khóa của năm 2023 là “authentic” (tạm dịch: tính chính xác, tính xác thực, tính nguyên bản). Sự lựa chọn này phản ánh nỗi lo sợ của xã hội về trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - viết tắt là AI).

Mối quan tâm của cộng đồng đối với từ “authentic” (tính xác thực) phản ánh nỗi lo sợ của xã hội về trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: wired.com
Mối quan tâm của cộng đồng đối với từ “authentic” (tính xác thực) phản ánh nỗi lo sợ của xã hội về trí tuệ nhân tạo (AI). Ảnh: wired.com

Thông báo của Merriam-Webster nêu rõ: “Authentic” là thuật ngữ hàng đầu trong năm 2023 mà mọi người “suy nghĩ, viết, khao khát và đánh giá hơn bao giờ hết”.

Ranh giới giữa “thật” và “giả” mờ nhạt

Từ “authentic” có nhiều nghĩa như: tính chính xác, tính xác thực, tính nguyên bản, không giả mạo; hay có nghĩa là đúng với tính cách, tinh thần, đặc điểm... Đây cũng là nguồn gốc của tiếng lóng “hàng auth”, chỉ hàng chính hãng, không phải hàng giả hay hàng nhái. Việc Merriam-Webster chọn “authentic” là từ khóa của năm càng minh chứng cơn khát của cộng đồng về “tính xác thực” giữa lúc AI và “deepfakes” (kỹ thuật sử dụng AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật) bùng nổ.

Ông Peter Sokolowski, Tổng Biên tập Merriam-Webster lý giải với hãng tin AP: “Sự trỗi dậy của AI đã thu hút sự quan tâm đến từ “authentic”. Ranh giới giữa “thật” và “giả” ngày càng mờ nhạt. Chúng ta có thể tin một học sinh đã viết bài báo này hay không? Chúng ta có thể tin một chính trị gia có đưa ra tuyên bố này hay không? Chúng tôi không phải lúc nào cũng tin vào những gì chúng tôi thấy nữa. Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng bản thân tính xác thực là một màn trình diễn”.

Số lượng người tìm kiếm ý nghĩa của từ “authentic” gia tăng đáng kể trong năm 2023 khi con người cố gắng xác định đâu là thật và đâu là giả. “Chúng tôi nhận thấy có một cuộc khủng hoảng về tính xác thực trong năm 2023”, ông Peter Sokolowski nói thêm.

Các biên tập viên Merriam-Webster cho hay, AI và “deepfakes” bùng nổ dẫn đến việc người xem mất niềm tin khi theo dõi các nội dung trực tuyến. Hơn nữa, sự quan tâm đối với từ “authentic” được thúc đẩy với những câu chuyện về AI, phát ngôn của người nổi tiếng và mạng xã hội. Các ca sĩ như Sam Smith và Taylor Swift đã phổ biến từ này trong năm 2023 bằng cách đưa ra những tuyên bố về việc theo đuổi “giọng hát đích thực” (authentic voice) hoặc “con người đích thực” (authentic self). Ngay cả tỷ phú Elon Musk - chủ sở hữu nền tảng X (tên gọi cũ là Twitter) cũng cố gắng coi X là nền tảng xác thực nhất của mạng xã hội.

Năm 2022, Merriam-Webster chọn “gaslighting” (thao túng tâm lý) là từ khóa của năm. Vào năm 2021 và 2020, các từ khóa này lần lượt là “vaccine” (vắc-xin) and “pandemic” (đại dịch).

Những tranh cãi

Trong thông cáo báo chí, Merriam-Webster cũng cho biết mặc dù “rõ ràng là một chất lượng đáng mơ ước nhưng “authentic” lại khó xác định và gây tranh cãi - hai lý do khiến nó đưa nhiều người đến với từ điển”.

Báo HeraldNet cho rằng, từ “authentic” khi được dùng để chỉ sự sáng tạo và hành vi của con người vẫn rất khó hiểu. Một bức ảnh chụp từ phim có chân thực hơn ảnh chụp từ máy ảnh kỹ thuật số không? Liệu rượu Scotch đích thực có nhất thiết phải được sản xuất tại một nhà máy chưng cất quy mô nhỏ ở Scotland không? Khi giao tiếp xã hội, bạn có phải là người chân thật, là người đích thực, nghĩa là bạn theo đuổi điều gì đó tự nhiên?

Càng nghĩ về “authentic”, người ta càng thấy ý nghĩa của từ này giống một lý tưởng khó nắm bắt, một điều còn phức tạp hơn do tác động của AI.

Cuối năm 2022, OpenAI đã phát hành rộng rãi ChatGPT 3.5, đánh dấu bước đột phá của AI. Song, việc áp dụng nhanh chóng ChatGPT dẫn đến những câu hỏi về tính chính xác của các câu trả lời. Chatbot này cũng trở nên phổ biến trong giới học sinh, nhưng buộc nhà trường phải xoay xở và có giải pháp phù hợp để đánh giá chính xác chất lượng bài làm của học sinh.

Ngoài ra, vấn đề về tính xác thực cũng đã nảy sinh ở các lĩnh vực khác. Tháng 11-2023, “Now and Then” (tạm dịch: “Hiện tại và mai sau”) - một ca khúc được coi là “bài hát cuối cùng của Beatles” đã được phát hành. “Now and Then” là tuyển tập âm nhạc do John Lennon viết và biểu diễn ban đầu vào năm 1978, với phần nhạc bổ sung được các thành viên ban nhạc khác thu âm vào những năm 1990. Một thuật toán học máy gần đây đã được sử dụng để tách giọng hát của John Lennon khỏi phần đệm đàn piano của ông và điều này cho phép phát hành phiên bản cuối cùng. Nhờ thế, nhạc phẩm này đến với công chúng sau hơn 4 thập niên kể từ khi được thu âm nháp (demo). Tuy nhiên, không phải ai cũng tin đó là bài hát đích thực của Beatles.

AI cũng được gọi tên

Ngoài Merriam-Webster, một số nhà xuất bản từ điển lớn khác cũng đã công bố từ khóa của năm 2023. Cụ thể, từ điển Cambridge chọn từ “hallucinate” (ảo giác), từ điển Collins chọn “AI”, Oxford chọn “rizz” (phong cách, sự quyến rũ, sự hấp dẫn). Trong đó, từ “hallucinate” cũng chỉ những thông tin không chính xác hoặc gây hiểu lầm do AI tạo ra.

Về phía Nhà xuất bản Collins, ông Alex Beecroft - Giám đốc điều hành đơn vị này nêu rõ, AI là tiêu điểm lớn của năm nay, thông qua cách mà công nghệ này phát triển và nhanh chóng trở nên phổ biến trong cuộc sống của chúng ta như email, phát sóng trực tuyến hoặc những điều từng được coi là triển vọng tương lai nay đã trở thành công nghệ ứng dụng hằng ngày.

KHÁNH LINH (theo HeraldNet, Chicago Sun Times, ABC News)

;
;
.
.
.
.
.