* Trong lần lên thăm Đà Lạt tôi thấy ở đây có Nhà thờ Con Gà, tên gọi giống Nhà thờ Con Gà ở Đà Nẵng. Vì sao lại có tên gọi trùng hợp như thế? (Trần Quang Hà, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt có tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa Thánh Nicôla Bari nhưng lại có tên gọi khác là Nhà thờ Con Gà, bởi trên đỉnh tháp chuông có tượng một chú gà khá lớn. Đây là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 19-7-1931.
Tượng Gà trống Gaulois trên đỉnh tháp chuông Nhà thờ Con Gà Đà Lạt. Ảnh: V.T.L - Hình 1 |
Theo các tài liệu thuyết minh, trên thánh giá đặt trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà (cách mặt đất 27m) bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hóa chất đặc biệt đồng dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió. Con gà vừa là biểu tượng của nước Pháp (Coq Gaulois: Gà trống xứ Gaulle), vừa là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-su quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người): “Đêm nay gà chưa gáy, con sẽ chối Ta ba lần...”.
Con gà xoay theo hướng gió trên một vòng bạc rất nhẹ. Người dân bản xứ kháo nhau rằng con gà là “đài dự báo thời tiết” rất hiện đại. Thực ra vì con gà ở trên cao, để phòng gió tạt gãy đổ người ta đã thiết kế cho nó quay hướng theo chiều gió.
Một điều lý thú, Nhà thờ Con Gà Đà Lạt là bối cảnh để nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác bài hát Bài thánh ca buồn vào năm 1944.
Cũng theo các tài liệu thuyết minh, Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng có tên chính thức là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng. Đây là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại Đà Nẵng thời Pháp thuộc, được khởi công từ tháng 2-1923 trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú), đến ngày 10-3-1924 đã làm lễ cung hiến và khánh thành.
Giống như Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, trên nóc Nhà thờ Chính tòa Đà Nẵng ở vị trí cột thu lôi cũng có tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim dùng làm vật xác định hướng gió. Vì vậy mà nhà thờ này cũng có tên là Nhà thờ Con Gà. Con gà được làm bằng hợp kim nên khá nhẹ, bên ngoài là lớp tráng phủ cực kỳ đẹp mắt.
Ở Đà Nẵng từng có một vườn hoa tên là Vườn hoa Diên Hồng, dân gian quen gọi là Vườn hoa Con Gà, nằm trong khu đất nay giới hạn bởi 4 con đường: Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hồng Thái, Yên Bái. Nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, CA, 2007, cho biết, chính giữa khu đất này là một đài kỷ niệm lính Việt tòng chinh qua Pháp và chết trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Trên đỉnh đài có một cột thu lôi mà phần trên cùng là một con gà trống bằng đồng, đó là Coq Gaulois - biểu tượng của nước Pháp. Vì thế, người Việt ở Đà Nẵng bấy giờ gọi là Công trường Con Gà hay Tháp Con Gà.
Ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một nhà thờ Công giáo gắn biểu tượng gà trống Gaulois. Theo Wikipedia, đó là Nhà thờ Huyện Sỹ (tên chính thức là: Nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ) đã hơn 100 tuổi. Đây là nhà thờ của giáo xứ Chợ Đũi thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà thờ do ông bà Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Ngọn tháp chuông chính cao 57m kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois.
ĐNCT