Tròn ba tháng sau ngày mất nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn đọc đón nhận Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (NXB Trẻ), gồm 3 cuốn sách tập hợp gần 200 bài bút ký và một số bài thơ tạo nên tên tuổi ông. Điều đáng nói, tuyển tập xuất bản theo hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm giữa gia đình tác giả và NXB Trẻ nên nội dung lẫn hình thức giữ được sự gần gũi, chân phương và giàu cảm xúc.
Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất bản sau 3 tháng ông rời xa cõi tạm. Ảnh: T.Y |
Thiên nhiên và con người xứ Huế xuất hiện dày đặc trong tác phẩm Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những bút ký Hoa trái quanh tôi, Miền cỏ thơm, Giao lưu với mùa thu, Sử thi buồn, Tính cách Huế, Căn nhà của những gã lang thang, Mấy đặc trưng của “văn hóa văn” vùng Huế, Lời tạ từ gửi một dòng sông, Tết Huế, Khói và mây… giống như lời tự tình đúc kết từ những nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, con người và tình yêu của ông dành cho Huế.
Lớn lên ở Huế, không lúc nào Hoàng Phủ Ngọc Tường không cảm thấy thành phố này như một khu vườn thân mật của mình, ở đó ông có thể tư duy cùng với hoa sen, khát vọng với hoa phượng, mơ mộng với mùi hương sâu thẳm của hoa ngọc lan ban đêm và khi thành phố lộng lẫy trong sắc mai vàng mùa xuân, ông luôn thấy lòng thức dậy một niềm ngưỡng mộ bao la với cuộc sống.
Trong Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường khẳng định người Huế không bộc lộ cái ham muốn chế ngự thiên nhiên theo cách người Hy Lạp và La Mã, mà chỉ tìm cách tổ chức thiên nhiên trở thành một kẻ có văn hóa để có thể tham dự một cách hài hòa vào cuộc sống của con người, cả bên ngoài và bên trong: “Có lẽ ít có một thành phố nào như nơi đây, giữa tạo vật và con người luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh đến như vậy. Cho đến nay, người Huế vẫn còn duy trì một phong tục cổ xưa về tình bạn cao quý đó. Khi người chủ vườn qua đời thì những người già đem buộc băng tang vào những cây quý trong vườn để cây khỏi lụi tàn theo, vì người ta tin rằng cây cũng vui buồn cùng với con người”.
Đan xen giữa những bút ký viết về Huế, người đọc hiểu hơn về một Hoàng Phủ Ngọc Tường đam mê đọc sách qua Những cuốn sách tôi đã đọc hồi còn bé. Ông kể, những cuốn sách đã giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới tuổi thơ ông. Những bài vở trong đó thí dụ như Ai bảo chăn trâu là khổ, Chốn quê hương đẹp hơn cả, từ bao giờ đã ràng buộc tâm hồn ông với cái mảnh đất nguồn cội ấy: “Thường ngày khi nắng lên, tôi ôm một bó sách băng qua đồi, đến nơi đọc sách riêng của tôi, ấy là một khu mộ cổ im mát suốt ngày dưới bóng những cây cổ thụ, nằm giữa một cánh rừng sim muồng và trăm thứ quả dại đầy mật ngọt, tôi tha hồ ăn cho đến cuối mùa thu. Chính nơi cái “thư viện” hoang dã đó, tôi đã ngốn hầu hết các sách thiếu nhi xuất bản hồi tiền chiến, với những tác giả mà trong lặng lẽ, đã trở thành những bậc thầy trong tâm hồn tôi: Xuân Diệu, Thâm Tâm, Thạch Lam, Tô Hoài…”. Trong bài Trường xưa đi học, ông kể lại hành trình đi học lớp nhì tại ngôi trường Phủ thuộc chợ Sãi tại quê nhà Quảng Trị. Đó là ngôi trường nằm trong một ngôi làng cổ, trước mặt là ngôi chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi chấm nước lèo. Nơi đây, ông vừa học, vừa chơi tất cả những trò chơi dân gian như trò ô đánh thẻ, nhảy dây, thả đĩa ba ba, đánh mạng, đá dế…
Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường lần này tập hợp khá nhiều bài viết của ông dành cho Trịnh Công Sơn, như "Hành trình yêu thương của hoàng tử bé", "Căn nhà của những gã lang thang", "Nơi không có hoa hồng"… Đó không hẳn là bài viết, mà là không gian ông dành cho những người bạn, cho Huế và cho lớp thanh niên mơ mộng, nhiều trăn trở khi đó. Là một người bạn cùng thời với Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường như tường tận tâm hồn, sở thích lẫn phạm trù triết học trong nhạc Trịnh. Ông đúc kết, “những năm vào đời của một tài năng, Trịnh Công Sơn đã khám phá ra âm hưởng La thứ dịu dàng của dòng sông ở Huế (Ướt mi, Nắng thủy tinh…), nỗi cô đơn ở ghềnh đá eo biển Quy Nhơn (Biển nhớ, Lời buồn thánh…) và ở thị trấn cao nguyên kia, là chiến tranh và cái chết (Phúc âm buồn, Gọi tên bốn mùa)”. Theo ông, lòng nhân ái nhu mì và sự bao dung không mặc cả là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn, như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận, và nỗi gay gắt của thân phận con người. Điều rất lạ, toàn những ý tưởng triết học đa đoan kia,Trịnh Công Sơn chỉ chọn một người để nói là Người tình. Dù nói về điều gì đi nữa, kể cả cái chết, mọi bài hát của Trịnh Công Sơn đều là tình ca, với giai điệu dịu dàng và thành thực kỳ lạ, và với chất liệu nụ hoa tầm xuân mà chàng thi sĩ trong ca dao đã một lần hái và dâng tặng.
Có thể nói, ngoài những bút ký về Huế và những người bạn: Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Văn Cao, Ngô Kha, Bùi Giáng, Trần Quốc Vượng, Bích Khê..., Hoàng Phủ Ngọc Tường dành phần lớn thời gian nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cốt cách, tinh thần người Việt. Ông dùng lối kể chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc, dẫn dắt người đọc đến một thế giới tâm hồn trong trẻo, minh triết và giàu chất thi ca. Những bài nghiên cứu, nhàn đàm đề cập đến vấn nạn tham nhũng (Thạc thử), về giáo dục (Đại học chi đạo), về nhân sinh quan (Cừu dolly và câu chuyện kiếp sau, Nhiễu điều, Vùng im lặng), về bóng đá (Sân cỏ - cuộc đời), về văn hóa (Làng quê văn hiến, Chuyện về con rồng, Ca dao và mẹ, Bói ngày Tết), về vùng đất (Đèo Hải Vân, Hồ Gươm, Bước tới Đèo Ngang, Người Quảng giỏi)… được tập hợp khá đầy đủ trong Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường lần này, như một lời tạm biệt của nhà văn dành cho bạn đọc và dành cho cuộc đời: “Tạm biệt nhé, những nẻo đường lang thang tôi đi suốt đời không hết; tạm biệt dòng sông đẹp và buồn và uể oải như một thiếu nữ đài trang; tạm biệt con chuồn chuồn đậu lay lắt trên ngọn cỏ may ven sông; tạm biệt thành phố với những ngôi chùa yên tĩnh như một cõi đời nào khác. Tạm biệt ngôi nhà với tuổi trẻ và những cuộc lang thang trĩu nặng phiền muộn của chúng tôi…”.
TIỂU YẾN