Danh dự và lòng tự trọng

.

Đó là cụm từ được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhắc đến tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng  “Về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”. Khi “danh dự và lòng tự trọng” được nhấn mạnh trước hàng trăm cán bộ, công chức, đảng viên các sở, ngành, quận, huyện, nó như một lời nhắc nhớ để mỗi người tự soi và tự ngẫm.

Có thể hiểu, danh dự là sự coi trọng của dư luận xã hội dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp; còn tự trọng là gìn giữ phẩm cách, danh dự của mình. Danh dự và lòng tự trọng khi đặt vào vị trí của từng cán bộ, đảng viên thì chuẩn mực lại càng được nâng cao, như một nghĩa vụ, trọng trách không thể thiếu trong toàn bộ hoạt động phục vụ nhân dân. Danh dự và lòng tự trọng không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của cả quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và định hướng bản thân đúng đắn.

Đối với mỗi cán bộ, công chức, đảng viên, việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… không chỉ để xứng đáng với vai trò “công bộc” của nhân dân; mà còn vì chính bản thân cán bộ, công chức, đảng viên - để bảo vệ danh dự và lòng tự trọng của mỗi người.

Thomas Szass, một học giả người Hungary đã từng nói rằng: “Người sáng suốt coi lòng tự trọng là không thể thương lượng, và sẽ không đổi nó lấy sức khỏe, sự giàu sang, hay bất cứ thứ gì khác”. Đáng tiếc là trên thực tế, có một bộ phận cán bộ, công chức đã đánh đổi danh dự và lòng tự trọng của mình để trục lợi cá nhân, tham nhũng, tiêu cực, gây hại đến cái chung. Mà một khi mất đi lòng tự trọng, nghĩa là họ đã không còn danh dự, không còn uy tín và không còn phẩm chất đạo đức. Trong số đó, có cả những người đã từng giữ chức vụ lãnh đạo cao; có những người đã từng đi qua các cuộc kháng chiến; có người từng là nhà giáo; có người từng là bác sĩ giỏi… nhưng chỉ vì không chiến thắng được bản thân, không vượt qua được những cám dỗ đã làm mất đi danh dự của chính mình và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Con số thống kê về những đảng viên từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố bị xử lý kỷ luật, bị truy tố những năm gần đây như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với mỗi cán bộ, đảng viên để nhận thức rõ hơn, đã là đảng viên - phải đặt danh dự và lòng tự trọng của chính mình lên trước và đặt danh dự của Đảng lên trên tất cả.

Danh dự và lòng tự trọng của mỗi người không chỉ được xem xét dựa trên khía cạnh công việc, dựa trên sự cống hiến ở ngành, lĩnh vực công tác. Mà nó cần được đặt trong một hệ quy chiếu đầy đủ, ở đó bao gồm cả khía cạnh cuộc sống với những gì gần gũi nhất. Những cán bộ, đảng viên biết giữ gìn danh dự và đề cao lòng tự trọng thì vừa phải phấn đấu hoàn thành tốt những công việc được giao, vừa bảo đảm chuẩn mực đạo đức trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày, không vi phạm những điều đảng viên không được làm, tôn trọng thuần phong, mỹ tục và không ngừng tạo dựng uy tín đối với tập thể đảng viên và quần chúng xung quanh. Bởi họ hiểu, nếu đánh mất danh dự và lòng tự trọng, họ sẽ không còn xứng đáng là cán bộ, công chức, không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Danh dự và lòng tự trọng - tưởng chừng là hai khái niệm tách rời nhau, nhưng thực chất danh dự và lòng tự trọng lại có sự gắn bó mật thiết. Một người không có lòng tự trọng thì sẽ không giữ được danh dự cho mình, ngược lại, một người không có danh dự thì chắc chắn lòng tự trọng của họ cũng đã bị tha hóa. Xây dựng được danh dự đã khó, để bảo toàn được danh dự lâu dài bằng lòng tự trọng còn khó hơn nhiều. Nêu cao danh dự và lòng tự trọng, mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ biết gìn giữ phẩm cách, giá trị khi đối diện với người khác, với tập thể mà ngay cả khi chỉ có một mình, vẫn luôn nghĩ đến cái Tâm, cái Đức, sự hướng Thiện cho bản thân.

Khởi nguồn từ lời tuyên thệ trong ngày kết nạp Đảng, danh dự đảng viên sẽ trở thành định hướng, mục tiêu rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu, sẽ trở thành lời thì thầm tận trong tâm tưởng để mỗi người không ngừng hoàn thiện về nhân cách, đạo đức và tiến bộ, trưởng thành hơn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp (nhiệm kỳ 2020-2025): “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi đảng viên, phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng”.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.