Đánh thức giác quan từ yếu tố cảm xúc

.

“Tôi muốn đánh thức giác quan của khán giả. Trong phim, mọi người sẽ thấy yếu tố cảm xúc là chủ đạo”, đạo diễn Trần Anh Hùng thổ lộ. Có lẽ vì thế mà bộ phim “The Taste of Things” chạm đến cảm xúc của người xem dù chuyện phim khá đơn giản, không quá nhiều biến động. Với khả năng diễn xuất xuất sắc của hai diễn viên chính, bộ phim “The Taste of Things” đã lọt danh sách rút gọn của giải Oscar lần thứ 96.

Một cảnh phim tình cảm và lãng mạn trong “The Taste of Things”. Ảnh: Internet
Một cảnh phim tình cảm và lãng mạn trong “The Taste of Things”. Ảnh: Internet

Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “La Vie et la passion de Dodin-Bouffan, gourmet” (tạm dịch “Đam mê của Dodin Bouffant, một người sành ăn”) xuất bản năm 1924 của nhà văn pháp Marcel Rouff chuyên viết về ẩm thực. Theo chia sẻ của đạo diễn Trần Anh Hùng, ý tưởng làm bộ phim này xuất phát từ việc nhận thấy cuốn tiểu thuyết có nhiều trang viết về ẩm thực rất hay. Tuy nhiên, khi quyết định chuyển thể thành phim, ông phải nhờ tới cố vấn của đầu bếp lừng danh để đạt được sự biến tấu phù hợp nhất bởi có những món ăn mà cuốn tiểu thuyết đề cập, không có thật ngoài đời.

Lấy bối cảnh nước Pháp cuối thế kỷ 19, bộ phim “The Taste of Things” xoay quanh chuyện tình giữa một nữ đầu bếp và ông chủ của cô. Nhân vật nữ chính Eugenie (Juliette Binoche đóng) làm đầu bếp trong nhà hàng do Dodin (Benoit Magimel thủ vai) làm chủ. Với vai trò bếp trưởng của nhà hàng, Dodin là một bếp trưởng nổi tiếng. Còn Eugenie là một đầu bếp đầy nhiệt huyết và đam mê. Hai người đã đồng hành trong công việc suốt 20 năm và nảy sinh tình cảm. Họ chia sẻ với nhau tình yêu dành cho ẩm thực và sáng tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn, thu hút nhiều thực khách đến từ nhiều nơi trên thế giới. Xúc cảm giữa hai người đã trở thành gia vị để Eugenie sáng tạo nên nhiều món ăn ấn tượng hơn, gây nên sự sửng sốt cho những đầu bếp nổi tiếng hàng đầu tại Pháp.

Trong 136 phút xem phim, khán giả không chỉ có cảm giác... thèm ăn bởi vô số các món ngon được đặc tả tỉ mỉ trên màn hình mà còn bâng khuâng về chuyện tình cảm sâu lắng của hai nhân vật chính nhờ cách diễn xuất giống hệt như những vũ công ba lê trên sàn diễn là căn bếp. Diễn viên Benoit Magimel cho biết, sở dĩ anh nấu nướng tài ba trên phim là vì ở ngoài đời anh cũng là người hay vào bếp. “Tôi xem việc nấu nướng là cách thể hiện tình cảm với người mình yêu hay bạn bè”, Benoit Magimel thổ lộ. Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng thừa nhận rằng, ông đã gặp khó khăn khi quay những cảnh nấu nướng có nhiều chuyển động. Ông phải loại bỏ tất cả những hình ảnh đẹp để khiến khán giả chỉ tập trung ngắm các nhân vật nấu ăn, từ đó cảm nhận được cái hồn, sự tinh túy của công việc này.

“Tôi muốn thông qua chuyển động, cử chỉ của nhân vật khi nấu ăn, cách họ truyền tải hương vị trong bếp qua lời thoại, tất cả các hình dạng khác nhau của nguyên liệu họ đang nấu, cho thấy sự sống động của cuộc sống mà khán giả có thể cảm nhận được”, đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ. Đây cũng là một trong những lý do giúp “The taste of things” lọt qua nhiều vòng tuyển chọn tranh giải Oscar năm 2024 của Ủy ban chọn phim Pháp. Bộ phim đã phác họa chân thực và sinh động bức tranh ẩm thực khi lồng ghép một cách khéo léo văn hóa truyền thống của nước Pháp.

Với bộ phim này, Trần Anh Hùng đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2023. Trên trang web chính thức của giải thưởng Oscar năm 2024, phim “The Taste of Things” đã lọt vào danh sách 15 tác phẩm được chọn từ 88 phim hợp lệ được 88 quốc gia gửi dự thi năm nay ở hạng mục phim không nói tiếng Anh hay nhất.

Đạo diễn Trần Anh Hùng (sinh ngày 23-12-1962) là nhà làm phim người Pháp gốc Việt. Ông được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại độc đáo. Tác phẩm Mùi đu đủ xanh của ông là tác phẩm duy nhất cho đến nay đại diện của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử chính thức của Giải Oscar cho Phim ngoại ngữ hay nhất. Ông được xem là đạo diễn mang dòng máu Việt có ngôn ngữ điện ảnh xuất sắc và thành công nhất trên ảnh đàn điện ảnh thế giới.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.