20 năm đối với một đời người không quá dài nhưng cũng đủ cho một thế hệ cảm nhận sâu sắc sự chuyển mình của đất nước. Đi lại thời nay, hay rộng hơn là câu chuyện về phát triển vận tải hành khách đã có nhiều bước chuyển mình vượt bậc để khoảng cách về địa lý giữa hai miền đất nước, giữa các địa phương được xóa nhòa khi mất vài giờ chúng ta đã có thể đi dọc từ Bắc tới Nam đất nước bằng một chuyến bay. Hành trình bằng tàu lửa Thống nhất Bắc - Nam giờ đây đã nhanh hơn và từng bước trở thành chuyến đi để thưởng ngoạn, ngắm cảnh thay vì cảnh chen chúc, vạ vật như ngày trước.
Thời gian qua, ngành đường sắt có nhiều cải thiện về dịch vụ, thiết kế điểm dừng để tàu hỏa không chỉ là phương tiện vận tải, mà còn là trải nghiệm du lịch thú vị. Ảnh: K.H |
Những chuyến tàu chậm và đông đúc...
Tôi không bao giờ quên những chuyến tàu chậm đến mức xuất phát từ Huế và phải mất gần một ngày mới về đến quê nhà Quảng Bình. Đó là chuyến tàu của những năm 2000, thời điểm tôi đang là sinh viên học tập tại Huế. Vào những dịp lễ, Tết hay nghỉ hè, có khi, để mua được một tấm vé lên tàu trở về nhà, chúng tôi phải túc trực, xếp hàng chờ đợi tại sân ga từ 4-5 giờ sáng. Thuở đó, việc đi lại chủ yếu bằng tàu Thống nhất Bắc -Nam và xe khách nên những toa tàu dành cho giá vé bình dân luôn chật ních người. Ngoài sinh viên, học sinh đi học xa nhà còn có người lao động ở những tỉnh/ thành phố phía Nam tranh thủ về quê nên không thiếu cảnh khách đi tàu nằm la liệt trên sàn hoặc trong gầm khoang ghế…
Những ai “may mắn” mới có được một chỗ ngồi gần bên khung cửa sổ. Đến tận bây giờ, trong trí nhớ của mình, tôi vẫn còn ấn tượng sâu đậm với những khung cảnh làng quê yên bình, cánh đồng xanh tốt trải dài đến tận chân trời, cả những vùng đất còn khô cằn lâu thật lâu mới chớm thấy một vài ngôi nhà. Hình ảnh trù phú hay những vùng đất còn nghèo khó tiêu điều cứ thế lướt dần qua khung sắt cửa sổ đoàn tàu.
20 năm trôi qua, giờ đây, việc mua vé tàu đã trở nên dễ dàng hơn nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ thông tin hiện đại, không còn thấy hình ảnh những hàng dài người đứng xếp hàng đợi để mua vé như trước đây. Thay cho những hàng ghế làm từ gỗ cứng nhắc là những hàng ghế được bọc nệm êm ái và hẳn nhiên, chẳng còn cảnh chen chúc như vốn đã từng. Xịn sò hơn là những toa tàu riêng lẻ (hay còn gọi là toa giường nằm) được trang trí với dấy dán tường đủ màu sắc trông khá bắt mắt, chăn nệm luôn được thay mới sạch sẽ và hệ thống điều hòa không khí dễ chịu. Từ những chuyến tàu chuyên chở thông thường, nay đã chuyển dần sang tàu du lịch khi ngày càng có nhiều hành khách trong và ngoài nước lựa chọn tàu hỏa Bắc - Nam là phương tiện đi lại trong suốt hành trình tham quan, khám phá dải đất hình chữ S.
Nhiều đổi thay
Chuyến tàu Thống nhất Bắc - Nam được nhiều khách du lịch lựa chọn không chỉ bởi cơ sở vật chất được nâng cấp, đầu tư mới mà hơn cả, đi qua nhiều nhà ga địa phương, ở mỗi điểm dừng, du khách còn có thể chậm rãi quan sát cuộc sống hằng ngày của người dân, thưởng thức những sản vật là đặc sản của vùng miền, tận hưởng những khoảnh khắc kỳ diệu khi đón ánh bình minh ngày mới và lúc hoàng hôn buông xuống trên tàu, được kết nối, trò chuyện với những người mới cùng khoang.
Kể lại chuyến đi xuyên Việt bằng tàu Thống nhất SE2, khởi hành từ ga Sài Gòn, anh Michale (quận Sơn Trà) hào hứng bảo, trước lúc mua vé, anh có tìm hiểu thông tin về hành trình, giá vé ở website của Đường sắt Việt Nam. Tiếp đó là tham khảo những bài viết chia sẻ về chuyến tàu thống nhất Bắc - Nam trên mạng của những du khách người nước ngoài.
Anh Michale nhận xét, việc mua vé tàu trực tuyến nhanh chóng và thuận tiện. Giường ngủ được trải một lớp đệm mỏng, đầy đủ chăn, ga và gối xếp ngăn nắp. Ở đầu giường còn có một chiếc đèn nhỏ để đọc sách và ổ cắm để sạc điện thoại. Rất tiện lợi. Trên tàu có phục vụ ăn uống và có phòng ăn riêng. Thích nhất là cảm giác được nhìn qua ô cửa sổ cảnh làng quê hay phố phường bắt đầu một ngày mới trong yên bình. Một lợi thế nữa khiến Michale lựa chọn đi tàu Thống nhất chính là giá vé. Nếu đi thẳng từ Nam ra Bắc, giá vé là hơn 1,1 triệu đồng cho khoang có phòng ngủ. Điều này giúp anh tiết kiệm tiền thuê khách sạn và chi phí cho cả chuyến đi.
Chia sẻ về hành trình du lịch bằng tàu SE1 hồi đầu năm nay, anh Nguyễn Hùng Anh (quận Hải Châu) cho biết: “Mình mua vé từ Đà Nẵng đến Huế thì dừng lại ở chơi vài ngày rồi mua vé đi tiếp đến các điểm du lịch nổi tiếng khác như Bình Định, Nha Trang, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Lâu lắm rồi mình mới có chuyến đi dài ngày bằng tàu hỏa như vậy. Việc được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên đất nước qua ô cửa kính trên tàu hỏa đã thôi thúc mình lựa chọn tàu SE1 để thực hiện hành trình du lịch xuyên Việt. Không như trước đây, bây giờ tàu được trang bị cơ sở vật chất tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ, tạo cảm giác thoải mái suốt hành trình”.
KHÁNH HÒA