GIỮ CHÂN CÁN BỘ CƠ SỞ

Đồng hành cán bộ có năng lực

.

Khối lượng công việc tăng, tỉ lệ nghịch với khoản phụ cấp khiêm tốn là khó khăn của không ít địa phương khi muốn giữ chân người hoạt động không chuyên trách. Bởi lẽ, dù đã nỗ lực tạo nguồn chi trả thêm, tổng thu nhập hằng tháng của lực lượng này chỉ dao động 4-5 triệu/tháng, thậm chí ít hơn.

Anh Nguyễn Thanh Trí, cán bộ mảng văn hóa - thông tin phường Nại Hiên Đông (giữa) nhận giải Nhất toàn đoàn Giải thi đấu thể thao tại Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà 2023. Ảnh: T.Y
Anh Nguyễn Thanh Trí, cán bộ mảng văn hóa - thông tin phường Nại Hiên Đông (giữa) nhận giải Nhất toàn đoàn Giải thi đấu thể thao tại Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà 2023. Ảnh: T.Y

Việc tăng, áp lực tăng

Đọc bảng thành tích ấn tượng của anh Nguyễn Thanh Trí, cán bộ mảng văn hóa - thông tin phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), ít ai nghĩ anh đang hoạt động không chuyên trách với mức thu nhập 4,3 triệu đồng/tháng. Anh Trí nhanh nhẹn, hoạt bát, cả ngày như “chân chạy” ngoài đường. Mỗi khi phường, quận có giải đấu thể thao, anh bất đắc dĩ trở thành “ông bầu”, hăng hái tham mưu công tác tổ chức, tập luyện cũng như chuẩn bị từ chai nước, đồ dùng y tế cho vận động viên.

Anh cho hay, thời gian đội tuyển luyện tập là thời gian anh vất vả nhất, bởi nhiều hôm, vừa hết giờ làm việc ở UBND phường là lên xe, ra sân tập cùng anh em. Thậm chí, khi vận động viên điền kinh yêu cầu tập từ 5 giờ sáng hoặc tranh thủ những ngày cuối tuần, anh cũng không ngần ngại gật đầu. Nhờ sự tận tâm và có phần “mát tay” ấy, năm 2023, phong trào văn hóa - thể thao tại phường Nại Hiên Đông có nhiều khởi sắc, nổi bật như đoạt Nhất toàn đoàn Giải thi đấu thể thao tại Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà 2023; Nhất toàn đoàn Giải điền kinh trẻ thành phố hay thành tích vô địch Giải bóng đá nam, bóng chuyền nữ trong nhà và bãi biển Đà Nẵng 2023…

Anh Trí nhớ lại cơ duyên đưa mình đến với hoạt động không chuyên trách tại địa phương. Đó là năm 2003, khi anh trúng tuyển vị trí dân quân thường trực, cán bộ giao liên phường với mức phụ cấp hơn 200.000 đồng/tháng. Thời tuổi trẻ sôi nổi, công việc đi đêm về hôm, nhiều lần theo chân lực lượng tuần tra từ tối muộn đến rạng sáng hôm sau vẫn không ngăn được nụ cười thường trực trên môi Trí. Lần ấy, cũng có người hỏi sao Trí có thể “sống được” với mức thu nhập ít ỏi đó, anh cười, nói “ban đầu mình tham gia phong trào địa phương cho vui, lâu dần thấy gắn bó nên không từ chối bất kỳ nhiệm vụ gì”. Sau thời gian hết lòng vì hoạt động phong trào địa phương, UBND phường Nại Hiên Đông quyết định tuyển dụng Trí vào vị trí người hoạt động không chuyên trách, làm qua hầu hết các lĩnh vực, từ văn thư lưu trữ, thanh tra nhân dân đến lái xe cho đội kiểm tra quy tắc đô thị. Cách đây 2 năm, Trí chính thức phụ trách hoạt động văn hóa - thể thao trên địa bàn.

Thu nhập thấp, cộng áp lực công việc nhiều khiến đôi lần Trí đứng trước quyết định làm tiếp, hay dừng lại. Đặc biệt, năm 2019, khi cầm tấm bằng chuyên ngành Luật (Đại học Luật Hà Nội) trên tay, Trí có thêm cơ hội nghề nghiệp nhưng cuối cùng vẫn chọn gắn bó với phường nhà. “Quan trọng là mình muốn gắn bó, dù vị trí công việc hiện tại có nhiều hạn chế về thu nhập lẫn cơ hội phát triển. Nhưng với tôi, điều đó không quan trọng bằng việc mình tìm được niềm vui trong công tác”, Trí nói.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông thừa nhận, để giữ được những cán bộ không chuyên trách "làm được việc” như Trí, ông và tập thể lãnh đạo luôn cố gắng tạo nguồn thu nhập tăng thêm nhằm bảo đảm trung bình mỗi tháng họ nhận mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng. Theo ông, diện tích phường Nại Hiên Đông khá rộng, gồm 100 tuyến đường và 35.000 dân đang sinh sống nên khối lượng công việc của người hoạt động không chuyên trách tại đây rất nhiều. Đơn cử, vị trí văn thư - lưu trữ mỗi năm dự thảo khoảng 2.000 văn bản hành chính, chưa kể nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý văn bản lên hệ thống chính quyền điện tử.

“Chúng tôi xoay xở nhiều nguồn, từ khoán chi, tiết kiệm chi đến uyển chuyển chia sẻ phụ cấp từ đội ngũ công chức qua, với mục đích ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng khi góp phần giải quyết 30-40% khối lượng công việc nên sẽ ra sao nếu không có họ?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Không chỉ là thu nhập

Không ít cán bộ không chuyên trách chia sẻ rằng, do chỉ nhận phụ cấp nên họ không có được niềm vui tăng lương theo lộ trình, dù khối lượng công việc hằng ngày không thua kém lực lượng công chức, viên chức đang hưởng lương theo Luật Lao động. Thậm chí, tại nhiều vị trí công việc phong trào như phụ nữ, đoàn thanh niên, dân vận, tuyên truyền, văn hóa, thể thao…, cán bộ phụ trách thường xuyên đi sớm về muộn để xử lý công việc, kể cả thời gian cuối tuần.

Thâm niên 12 năm giữ vị trí Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), anh Trương Văn Minh nói mình luôn hạnh phúc bởi được làm công việc ưa thích. Còn nhớ, năm 2007, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn Bộ binh 1, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về địa phương, tham gia lực lượng dân quân thường trực rồi được tín nhiệm vào vị trí Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường.

Cống hiến trong môi trường quân ngũ, với anh Minh là mục đích và lý tưởng sống từ thời thanh niên. Đó cũng là lý do sau đó anh lần lượt lấy tấm bằng hệ cao đẳng quân sự (Trường Đại học Nguyễn Huệ thuộc Bộ Quốc phòng) và cử nhân ngành luật để có thêm kiến thức, kinh nghiệm phục vụ công tác. Anh Minh bảo, nếu nói bản thân không quan tâm đến thu nhập thì không đúng, nhưng nó chưa bao giờ trở thành “rào cản” anh hoàn thành nhiệm vụ. Nhất là trong mỗi đợt tuyển quân, anh dành toàn bộ thời gian bám nắm cơ sở, tổ chức tập huấn, động viên thanh niên trẻ địa phương tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đồng thời, phối hợp lực lượng công an, bảo vệ tổ dân phố tuần tra, tuyên truyền, phổ biến giáo dục, quốc phòng an ninh và cảm hóa thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật…

Bà Lê Thị Nhật Diệu, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho hay, địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng không chuyên trách cống hiến, như quản lý hiệu quả công việc không quản lý con người và tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho những vị trí không chuyên trách phải làm việc ngoài giờ hành chính - dù cũng rất khiêm tốn. Cũng theo bà Diệu, việc tạo môi trường công sở đoàn kết, có văn hóa cũng gián tiếp giữ chân lực lượng hoạt động không chuyên trách. Bởi lẽ, khi mức thu nhập hạn chế, thì niềm vui trong công việc và mối quan hệ chân thành giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa lãnh đạo với nhân viên là điều họ cần để cân bằng cảm xúc.

Hiểu rõ vai trò không thể thiếu của lực lượng không chuyên trách trong bộ máy chính quyền cơ sở, Đà Nẵng vừa nỗ lực thông qua nghị quyết quy định về chức danh, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn. Theo nghị quyết này, thời gian tới sẽ có hơn 700 cán bộ không chuyên trách tại Đà Nẵng được hưởng thêm phụ cấp hằng tháng, cao nhất là 1,17 lần mức lương cơ sở. Ngoài phụ cấp nhích lên sau khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, Đà Nẵng cũng có những quy định mới về hỗ trợ chế độ thai sản cho đối tượng nữ là người hoạt động không chuyên trách, tương đương 8 tháng lương cơ sở nhằm giảm dần khoảng cách giữa họ với lực lượng công chức, viên chức hưởng lương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, đây là một trong những chính sách nhân văn, riêng có của Đà Nẵng trên cơ sở cân đối các nguồn lực khác nhau. Theo ông, chính sách tăng thu nhập, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người hoạt động không chuyên trách là việc làm cần thiết để giữ chân, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến cho phong trào hoạt động tại địa phương.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.