Trước tác động của toàn cầu hóa, quá trình dạy, học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc nắm vững kiến thức mà cần vận dụng linh hoạt nét đẹp văn hóa, tư duy và khả năng cảm nhận ngôn ngữ, trên tinh thần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Ths. Ngôn ngữ Anh Lê Đặng Thùy Trang cho rằng cha mẹ cần duy trì thói quen giao tiếp song ngữ với con cái. Ảnh: T.Y |
Chị Lê Đặng Thùy Trang, Ths. Ngôn ngữ Anh, giáo viên lớp Brilliant English (Đà Nẵng) cho rằng, mọi người cần phân biệt song ngữ và học ngoại ngữ như một ngôn ngữ thứ hai. Song ngữ là khả năng giao tiếp bằng hai ngôn ngữ. Thông thường, những người song ngữ được tiếp xúc với hai ngôn ngữ từ thời thơ ấu, điều này cho phép họ tiếp thu cả hai ngôn ngữ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phải hết sức tỉnh táo và cân bằng trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ này, nếu không có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ”, chị Trang nói.
* Giảng dạy tiếng Anh đang đối mặt với thách thức khi có khả năng trẻ sẽ “quay lưng” lại với tiếng Việt. Suy nghĩ của chị về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, vấn đề này ngày càng đáng lo ngại. Từ kinh nghiệm giảng dạy của mình, tôi đã tiếp xúc khá nhiều trường hợp trẻ “quay lưng” lại với tiếng Việt, nhất là trẻ ở độ tuổi tiểu học, mầm non. Khi kiểm tra đầu vào, các em nói tiếng Anh khá giỏi nhưng khi được hỏi những câu hỏi tiếng Việt thì các em tốn nhiều thời gian suy nghĩ và trả lời rất chậm, thậm chí nói từng từ một. Thực trạng này dẫn đến việc trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn cùng lứa tuổi, thường thu mình lại và tự chơi một mình. Lâu dần, các bạn dễ mất khả năng giao tiếp với cộng đồng nói tiếng Việt xung quanh.
* Theo chị, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
- Tình trạng trẻ “quay lưng” lại với tiếng Việt theo tôi đến từ 2 nguyên do: thứ nhất, phụ huynh cho trẻ xem các chương trình ngoại ngữ ngay khi trẻ vừa bập bẹ biết nói và việc này diễn ra trong thời gian dài; thứ hai, phụ huynh cho trẻ học ngoại ngữ với thời lượng “áp đảo” so với hấp thụ tiếng Việt.
Trong xã hội ngày nay, nhiều phụ huynh không dành thời gian nói chuyện bằng tiếng Việt với con, thay vào đó cho con ngồi hàng giờ trước tivi hay điện thoại, nghe liên tục các chương trình tiếng Anh, dẫn đến việc trẻ hấp thu một cách bị động, lâu dần trở thành phản xạ ngôn ngữ. Thực tế, có không ít đứa trẻ phát âm tiếng nước ngoài khá chuẩn nhưng không thực sự hiểu nghĩa của từ đó. Điều đáng buồn là nhiều gia đình cứ nghĩ con em mình nói được tiếng Anh là giỏi, đến khi phát hiện con bị rối loạn ngôn ngữ thì tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để chữa trị.
Bên cạnh đó, không ít phụ huynh sợ con mình không theo kịp bạn bè, cộng thêm những lời tư vấn “có cánh” của các trung tâm ngoại ngữ nên đầu tư cho con đi học từ 2-3 tuổi. Gia đình có điều kiện còn cho con học trường quốc tế để con được tiếp xúc 100% ngôn ngữ nước ngoài, sau một thời gian thấy con không biết nói tiếng Việt mới hốt hoảng xin cho con quay lại học trường công lập. Quá trình giảng dạy, tôi từ chối khá nhiều phụ huynh đưa trẻ 2,3 tuổi đến xin học vì thấy rõ mặt trái của việc học tiếng Anh vượt trội so với tiếng Việt sẽ gây ra một số hệ lụy đáng tiếc trên.
* Có ý kiến cho rằng, rất khó để người học ngoại ngữ “hòa nhập mà không hòa tan” giữa một xã hội vận động như hiện nay, chị nghĩ sao?
- Điều này không hẳn đúng, nếu người học tiếp cận ngoại ngữ đúng độ tuổi và đúng phương pháp. Bằng chứng là rất nhiều kiều bào định cư ở nước ngoài, “tắm” trong ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài hàng chục năm nhưng vẫn giữ được nét trong sáng của tiếng Việt. Dân tộc ta cũng từng ngàn năm Bắc thuộc nhưng chúng ta vẫn giữ được sự trường tồn của tiếng Việt, thậm chí ngày càng phong phú hơn.
Dù vậy, thực tế việc suy giảm khả năng sử dụng tiếng Việt đang diễn ra ở một bộ phận giới trẻ. Các bạn thường dùng những từ “Tây hóa” để chêm vào phần nói hay viết của mình nhằm thể hiện sự sành điệu hoặc đơn giản là dùng nhiều thành thói quen. Các bài nhạc trẻ hiện nay cũng theo kiểu nửa lời Việt, nửa lời nước ngoài. Thậm chí một số người nổi tiếng khi được phỏng vấn trên sóng truyền hình cũng vô tư dùng ngôn ngữ nửa Tây, nửa ta. Theo tôi, nguyên nhân không hoàn toàn đến từ việc dạy và học ngoại ngữ, bởi việc học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào dạy ngữ pháp, từ vựng, luyện đề. Các chủ đề trong giáo trình dạy tiếng Anh bậc phổ thông cũng tập trung chủ yếu vào văn hóa Việt Nam. Do đó, vấn đề còn lại nằm ở ý thức cá nhân và sự tác động từ bên ngoài. Các bạn trẻ hiện nay bị bao phủ trong hỗn độn thông tin của mạng xã hội và học rất nhanh từ các trào lưu đó. Hằng ngày, hằng giờ bị tiêm nhiễm bởi những hình ảnh, lời nói, cách hành xử không hay và vô tình biến mình thành một kênh bắt chước. Vì thế, để “hòa nhập mà không hòa tan”, không lạm dụng quá nhiều bài hát, lễ hội từ phương Tây mà quên đi những nét đẹp văn hóa truyền thống, người dạy cần lồng ghép nhiều bài tập, lời thoại tiếng Anh về văn hóa, vùng đất và cân bằng giữa tiếng Việt, tiếng Anh trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày.
* Chị có lời khuyên nào dành cho phụ huynh trong quá trình cùng con học ngoại ngữ?
- Ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là cơ sở của văn hóa và sự tiếp nhận thông tin. Đây là điều mỗi phụ huynh cần quan tâm trước khi cho con học ngoại ngữ. Đặc biệt, phụ huynh cần xác định ngôn ngữ mẹ đẻ là rất quan trọng đối với trẻ, giúp trẻ phát triển mối quan hệ trong gia đình, hòa nhập cộng đồng và xây dựng tình yêu quê hương, đất nước. Cùng với việc tạo điều kiện cho trẻ nghe nhạc thiếu nhi nước ngoài, tham gia lễ hội Hellowen, lễ giáng sinh, lễ tạ ơn… để hiểu hơn về văn hóa nước ngoài, phụ huynh cũng cần duy trì cho trẻ nghe các bài hát đồng dao, ca nhạc thiếu nhi Việt Nam, Tết Trung thu, Tết Nguyên tiêu để trẻ nhớ về gốc gác, cội nguồn.
Qua tham vấn những gia đình có con thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh, tôi nhận thấy ba mẹ cần xây dựng thói quen đọc sách và kỹ năng viết cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Đồng thời, duy trì môi trường, thói quen giao tiếp song ngữ. Ví dụ, nếu mẹ nói tiếng Anh thì nhất định ba phải nói tiếng Việt và ngược lại. Ngoài ra, ba mẹ không nên bài xích ngôn ngữ mẹ đẻ với con cái, không có tư tưởng sính ngoại về ngôn ngữ và tuyệt đối không dùng ngôn ngữ ngoại lai, nửa này nửa kia khi giao tiếp với người lớn tuổi. Chưa kể, cần giúp con hòa nhập cộng đồng, xây dựng môi trường giao tiếp lành mạnh về ngôn ngữ tiếng Việt và tránh không để con bắt chước tiếng lóng trong tiếng Việt thông qua mạng xã hội và các thước phim độc hại.
* Xin cảm ơn chị.
T.Y (thực hiện)