Trong thế giới ngày càng giao lưu và hội nhập sâu rộng, việc không thông thạo tiếng Anh là một nỗi lo. Nhưng thông thạo tiếng Anh mà không giỏi tiếng mẹ đẻ lại càng đáng lo hơn.
Học sinh và giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên môn tiếng Anh cấp quận tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu. Ảnh: Đ.H.L |
Giữa lúc các trung tâm tiếng Anh và các trường quốc tế mọc lên như nấm, không ít phụ huynh lại phó mặc chuyện học hành của con cái mình cho nhà trường dẫn đến một số trẻ gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt. Liệu tình trạng này đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo?
Chưa đến lúc phải quá lo lắng
Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe một vài bà mẹ trẻ kể về con mình không học giỏi tiếng Việt bằng các bạn cùng lứa mặc dù nói tiếng Anh rất giỏi. Em N.V.T (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) sinh ra trong một gia đình có điều kiện nên bố mẹ muốn hướng T. đi du học hoặc định cư ở nước ngoài sau này. Khi lên 3 tuổi, T. được gửi vào học một trường mầm non quốc tế. Được tiếp xúc với người nước ngoài từ nhỏ nên T. nói tiếng Anh lưu loát như trẻ em bản xứ. Tuy nhiên, khi học đến lớp 3, ba mẹ em chợt hoang mang khi nhận ra con mình gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng Việt và quyết định chuyển con mình sang học trường công để củng cố tiếng Việt.
Một trường hợp khác, em T.N.K.H (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có lợi thế là mẹ từng đi du học ở nước ngoài nên được mẹ dạy nói tiếng Anh từ nhỏ và luyện nói tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Nhờ đó, K.H sớm biết tiếng Anh và nói rất tốt nhưng lại phản xạ rất kém khi giao tiếp tiếng Việt khiến bố mẹ của K.H phải hạn chế nói tiếng Anh với con hằng ngày và chuyển qua giao tiếp tiếng mẹ đẻ nhiều hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Anh Quỳnh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho rằng, cũng không hẳn do học tiếng Anh nhiều mà khiến con không nói thành thạo tiếng Việt. Hiện nay có một bộ phận gia đình khá giả nhưng cha mẹ không có thời gian nói chuyện với con mà phó mặc hết cho nhà trường. Chẳng hạn như con bạn của chị ở Úc, được học trong môi trường quốc tế 100% bản xứ nhưng vẫn nói tiếng Việt sành sỏi do bố mẹ luôn quan tâm trò chuyện với con bằng tiếng mẹ đẻ. Qua đó để thấy giáo dục gia đình rất quan trọng. Trong thực tế, tùy tính cánh từng bé, những bé năng động hoạt bát, nói nhiều, hoặc có khiếu ngôn ngữ nhưng cũng có bé thụ động, lười giao tiếp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng học tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Do đó, các bố mẹ cần quan tâm giao tiếp thường xuyên với con mình để con chủ động hơn trong việc học ngôn ngữ”, chị Quỳnh chia sẻ.
Khuyến khích sử dụng đa ngôn ngữ
Từng là giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) và hiện đang giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học ở Melbourne (Úc), tiến sĩ Nguyễn Đức Chỉnh cho rằng, việc cho trẻ học ngoại ngữ từ sớm là rất tốt vì sử dụng tiếng mẹ đẻ cùng các ngôn ngữ khác sẽ phát triển khả năng tư duy, giúp trẻ làm việc tốt hơn sau này. Không ít người lo lắng việc học tiếng Anh quá sớm sẽ lấn át tiếng Việt nhưng thực tế trong môi trường tiếng Việt ở Việt Nam thì các em vẫn có thể phát triển tiếng Việt bình thường với sự đồng hành của cha mẹ. Thậm chí, ngay cả ở Úc, cộng đồng người Việt ra ngoài giao tiếp bằng thứ tiếng khác nhưng khi ở nhà vẫn nói tiếng Việt theo đúng phương diện đa ngôn ngữ.
“Để trả lời cho câu hỏi “học ngoại ngữ ở lứa tuổi nào là phù hợp nhất?” là rất khó. Tuy nhiên, theo tôi, dạy trẻ học ngoại ngữ càng sớm thì càng tốt. Còn những trường hợp gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt là do môi trường học tập, có thể do bố mẹ ít quan tâm đến con cái, do đó đối với trường hợp này chỉ cần cho con mình đi học thêm tiếng Việt là có thể cải thiện ngay. Trong môi trường quốc tế hiện nay cần khuyến khích sử dụng đa ngôn ngữ”, tiến sĩ Nguyễn Đức Chỉnh đề xuất.
Việc gia đình có điều kiện để cho con học ở các trường quốc tế theo đúng chuẩn quốc tế là rất tốt. Tuy nhiên thực tế hiện nay cũng cho thấy, không ít các trường học quốc tế ở Việt Nam ghi là trường quốc tế nhưng không theo chuẩn nào. Trong khi đó, chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường công ở Việt Nam cũng đã được nâng cao. Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, hiện nhà trường có tất cả hơn 1.400 học sinh. Nhà trường đã triển khai dạy tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2020-2021. Nhà trường đã chủ động đề xuất vị trí giáo viên dạy tiếng Anh bảo đảm số lượng cho 5 khối lớp.
Để thúc đẩy hoạt động dạy và học tiếng Anh, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu thường xuyên tổ chức các hoạt động cho CLB tiếng Anh. Trong ngày 4-11 vừa qua, nhà trường đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên môn tiếng Anh cấp quận để giáo viên tiếng Anh trong toàn quận đến trao đổi kinh nghiệm. Qua đây, các em được tham gia nói tiếng Anh, đặc biệt đảm nhiệm việc dẫn chương trình là một em học sinh của trường, có khả năng nói tiếng Anh rất lưu loát. “Nhà trường còn phối hợp các trung tâm tiếng Anh có uy tín tại Đà Nẵng để tổ chức các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh. Nhờ đó, các trung tâm hỗ trợ nhà trường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi, phần thưởng… cho các hoạt động, còn nhà trường chịu trách nhiệm về nội dung. Bên cạnh đó, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thường xuyên của cụm chuyên môn tiếng Anh của quận Hải Châu cũng giúp đội ngũ giáo viên tiếng Anh của nhà trường được trao đổi, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào dạy học nên chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường không ngừng được đổi mới và nâng cao, đáp ứng yêu cầu dạy và học tiếng Anh của học sinh trong giai đoạn hiện nay”, cô Nguyễn Quỳnh Vân nhấn mạnh.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG