Câu chuyện không gian trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được người trong cuộc ví von như “chiếc áo” đã cũ và cần được thay mới. Xa hơn, đó là hy vọng về một không gian mỹ thuật xứng tầm với dòng chảy phát triển của văn hóa thành phố.
Cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nỗ lực bảo quản hiện vật đúng quy trình. Ảnh: XUÂN SƠN |
1. Có mặt tại triển lãm “Mỹ thuật Đà Nẵng 2023” do Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng và Bảo tàng Mỹ thuật thành phố phối hợp khai mạc chiều 9-12, Hoàng Xuân Thảo (SN 2002, đến từ thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) hào hứng chụp lại những tác phẩm đặc sắc thuộc nhiều chất liệu như: khắc gỗ, lụa, gò nhôm, sơn dầu… Thảo cho biết: “Do thích vẽ từ bé nên thỉnh thoảng đến Bảo tàng Mỹ thuật thành phố cùng bạn bè, vừa ngắm các bức tranh, tượng, vừa chụp ảnh do bảo tàng được bài trí rất thích mắt. Tuy nhiên, em nghĩ số lượng tác phẩm có mặt ở các triển lãm nên nhiều hơn chút”.
“Nhiều hơn chút”, trong suy nghĩ của một sinh viên yêu hội họa, có lẽ là một triển lãm có quy mô nhiều tác phẩm hơn. Chia sẻ về chuyện này, họa sĩ Nguyễn Tấn Kiệt, hội viên Hội Mỹ thuật thành phố cho hay, do số lượng tác giả tham gia triển lãm đông, trong khi không gian trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố có giới hạn, nên hội đồng nghệ thuật chỉ cho phép mỗi tác giả lựa ra một tác phẩm mà bản thân yêu thích nhất và cảm thấy đặc sắc nhất để trình làng với công chúng. Thường xuyên có tác phẩm tham gia các sự kiện, triển lãm và gặt hái nhiều giải cao, anh Kiệt thấu hiểu được nhu cầu, đam mê sáng tác của bản thân và các đồng nghiệp. Trên quan điểm cá nhân, anh cho rằng cần thêm nhiều sự quan tâm từ phía thành phố trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có hội họa. Cụ thể là cần thêm nhiều những sân chơi cho giới nghệ sĩ mở rộng giao lưu, nâng cấp quy mô không gian bảo quản, trưng bày của bảo tàng và có thể phát triển quy mô các triển lãm nghệ thuật đến tầm cỡ quốc tế.
Cũng từ góc độ cá nhân, họa sĩ Trần Hải, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố chia sẻ: “Thành phố đã tạo không gian và điều kiện sáng tác, trưng bày rất tốt cho anh chị em nghệ sĩ điêu khắc, hội họa, có thể nói là khá ổn so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn không gian này có thể được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu của nghệ sĩ và công chúng”. Anh Hải lấy ví dụ, có những tác phẩm mỹ thuật hoành tráng, khổ lớn nhưng rất khó trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng dù nơi đây có vị trí đẹp.
Theo họa sĩ Trần Hải, không gian “sức chứa” của bảo tàng này chưa bảo đảm để trưng bày những tác phẩm như thế, cũng như hạn chế khi tổ chức những sự kiện lớn và đông người. Ngoài ra, những họa sĩ, nhà điêu khắc hiện tại trên địa bàn làm việc chủ yếu còn mang tính cá nhân thay vì quy tụ ở một không gian chung. Hiện thành phố đã có nhà sáng tác đóng tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn nhưng vị trí này lại nằm khá xa trung tâm thành phố. Do đó, trên quan điểm của mình, họa sĩ Trần Hải đề xuất cần một “chiếc áo” mới đủ rộng cho mỹ thuật Đà Nẵng và cụ thể hơn là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. “Chiếc áo” này sẽ “gói gọn” mọi thứ trong một địa điểm, ở đó sẽ có phòng trưng bày, có không gian tổ chức các hội thảo hay workshop và không gian cho các nghệ sĩ sáng tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những câu chuyện văn hóa - nghệ thuật không chỉ ở phạm vi trong thành phố mà còn kết nối các địa phương khác.
2. Cũng là câu chuyện “chiếc áo” - không gian cho mỹ thuật như lời những họa sĩ. Khi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hoạt động sôi nổi với trung bình 12 triển lãm mỗi năm, được UBND thành phố công nhận là bảo tàng hạng II, ngày càng được nhiều người biết đến, đón nhận được nhiều hơn sự quan tâm, ủng hộ từ phía những nghệ sĩ, nhà sưu tầm, công chúng, du khách… trong và ngoài nước thì cũng là lúc nỗi lo về “chiếc áo” đã chật ngày một lớn.
“Chiếc áo” này hiện lưu giữ, trưng bày và giới thiệu đến công chúng hơn 2.000 tác phẩm mỹ thuật hiện đại, đương đại và hiện vật mỹ thuật dân gian truyền thống với tổng diện tích khu vực bảo quản chỉ 153m2, phân bố làm 3 tầng, trong đó kho bảo quản lớn nhất 108m2. “Số hiện vật được hiến tặng, các tác phẩm giá trị có mặt ở bảo tàng ngày một nhiều trong khi diện tích kho vẫn thế, độ thông thoáng trong kho giảm dần. Đó là vấn đề, như một “chiếc áo” đã chật khoác lên một cơ thể đang phát triển từng ngày”, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Thị Trinh nhìn nhận.
Bà Trinh chia sẻ, bảo tàng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12-2016 trên cơ sở kế thừa, cải tạo và xây mới trên không gian khuôn viên cũ của Bảo tàng Đà Nẵng. Trải qua thời gian hơn 7 năm, tác động của thời tiết miền Trung khắc nghiệt với những đợt mưa lớn liên tục khiến những người ở đây không khỏi nơm nớp trước nguy cơ xuống cấp của một bảo tàng có tuổi đời còn trẻ trên địa bàn thành phố. Theo bà Trinh: “Đã lộ rõ những dấu hiệu xuống cấp ở không gian Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ảnh hưởng công tác trưng bày và bảo quản, đã có thấm dột, nhiều mảng tường bị thấm nước. Việc bảo quản đâu chỉ diễn ra với những tác phẩm ở trong kho mà còn cả khi tác phẩm được mang ra trưng bày”.
Nhiệm vụ chính của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di sản mỹ thuật của Đà Nẵng và khu vực. Theo đó, công tác bảo quản các tác phẩm hiện vật mỹ thuật đòi hỏi nhiều yếu tố, tuân thủ những nguyên tắc về khoa học trong bảo quản. Đội ngũ cán bộ bảo tàng được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên. Việc bảo quản bao gồm bảo quản trị liệu (tu bổ, sửa chữa tác phẩm có dấu hiệu hư hại) và bảo quản phòng ngừa (phòng ngừa tất cả yếu tố ảnh hưởng, bảo đảm các yêu cầu về mặt khoa học để giữ gìn một tác phẩm). Người làm công tác luôn phải kiểm kê hồ sơ hiện vật, tìm hiểu, tham khảo ý kiến chuyên gia để có thông tin đầy đủ về hoàn cảnh sáng tác, chất liệu, kết cấu… của tác phẩm để hướng bảo quản đúng đắn. Hiện mọi điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ… ở đây vẫn được bảo đảm, nhưng về lâu về dài, như đã nói, sẽ khó thuận lợi khi không gian lưu trữ ngày càng bị thu hẹp.
Bên cạnh đó là câu chuyện con người. Ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, bộ phận nghiệp vụ chỉ 5 người nhưng phụ trách nhiều đầu việc trên 7 khâu công tác cơ bản: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục, truyền thông. Điều này cũng ảnh hưởng công tác cử cán bộ đi tập huấn, trau dồi chuyên môn… Kế đó là chuyện kinh phí, theo lãnh đạo bảo tàng, nguồn thu từ bán vé không quá nhiều do đây là loại hình có phần kén khách, không phải ai cũng có nhu cầu tìm hiểu về nghệ thuật.
Hy vọng về một “chiếc áo” mới cho mỹ thuật Đà Nẵng nói chung, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nói riêng là có cơ sở. Mới đây, trong Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể tại Phương án phát triển hạ tầng văn hóa thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bảo tàng Mỹ thuật cơ sở 2 có tên trong Danh mục dự án, thiết chế văn hóa cấp thành phố xây dựng mới thời kỳ 2021-2030.
“Mọi thứ mới chỉ là bước đầu, còn nhiều những điều cần làm để phát triển quy mô và hoạt động của mỹ thuật thành phố. Hiện tại với quy hoạch vừa công bố, thành phố đang đi đúng hướng. Một “chiếc áo” mới, rộng hơn, lớn hơn cho mỹ thuật, đó là nhu cầu cấp thiết trước mắt để công tác trưng bày, bảo quản được bảo đảm lâu dài, ổn định và bền vững. Nâng cấp không gian sẽ đi kèm với những đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, con người và bản thân bảo tàng cũng lan tỏa rộng rãi hơn giá trị của mình đến công chúng. Đó là điều chúng tôi luôn hy vọng”, bà Nguyễn Thị Trinh chia sẻ.
XUÂN SƠN