Vẻ đẹp người phụ nữ trong tranh Đông Dương

.

Lấy cảm hứng từ thân phận người phụ nữ trong truyện Kiều của Nguyễn Du, triển lãm “Trắng trong ngọc ngà”, diễn ra từ 23-12 đến 7-1-2024 tại Nhà hàng Madame Lân (quận Hải Châu) xoay quanh hình tượng người phụ nữ và miền đất Đông Dương đầu thế kỷ XX. Đây là lần đầu tiên công chúng Đà Nẵng thưởng thức 35 tác phẩm của 14 danh họa đại diện thầy và trò Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945) nhân sự kiện 100 năm thành lập trường.

Tranh
Tranh "Thiếu nữ trên tràng kỷ" của họa sĩ Jean Võ Lăng. Ảnh: T.Y

Mềm mại, uyển chuyển và có phần “thoát tục” là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi thưởng lãm 35 tác phẩm mỹ thuật Đông Dương trưng bày tại triển lãm “Trắng trong ngọc ngà”. Tại đây, hình ảnh người phụ nữ Đông Dương, từ tầng lớp bần cố nông đến giai cấp tư sản được họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khắc họa khá đa dạng và rõ nét. Trong đó, đáng chú ý là bức “Những người gánh lúa” của danh họa người Pháp Joseph Inguimberty (1896-1971) - từng sang Việt Nam giảng dạy tại khoa Trang trí, Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Trên chất liệu sơn dầu, họa sĩ Joseph Inguimberty vẽ 3 người phụ nữ Việt Nam đội nón lá, mặc áo tứ thân đang bước thong dong với gánh lúa trên vai. Bức tranh dù toát lên niềm vui ngày mùa nhưng phảng phất đâu đó là nỗi buồn trên những gương mặt người phụ nữ thuộc tầng lớp bần cố nông. Bên cạnh đó, điểm nổi bật ở “Những người gánh lúa” còn là gam màu dịu dàng, lãng mạn, cho thấy rõ đường đi của ánh sáng qua nét cọ tài ba của Joseph Inguimberty.

Được giới hội họa đánh giá là thành viên trong bộ tứ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam: “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”, bức tranh lụa “Thiếu nữ mặc yếm đào” của họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906-1946) vẽ năm 1937 trở thành tâm điểm đáng chú ý tại sự kiện lần này. Hình ảnh người thiếu nữ mặc yếm đào đứng ngắm con lợn trong vườn nhà (loài vật nuôi tượng trưng cho ấm no, sung túc trong văn hóa dân gian miền Bắc) thể hiện ước mơ tương lai có được cuộc sống yên bình, no đủ của người nông dân xưa.

Bên cạnh đó, triển lãm “Trắng trong ngọc ngà” cũng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu khác như “Tắm tiên” (c.1930s) của họa sĩ Lê Phổ hay “Gội đầu” (1940) của họa sĩ Trần Văn Cẩn - được coi là dòng tranh thể hiện tinh thần tự do (và mong muốn tự do) của người phụ nữ đầu thế kỷ XX.

Bà Lê Hoàng Nam Phương, Giám đốc Phù Sa Art Foundation, đơn vị tổ chức triển lãm, cho biết đây là sự kiện giới thiệu một phần bộ sưu tập tranh mỹ thuật của gia đình. “Sau gần hai thập kỷ sưu tầm, bảo quản, chúng tôi muốn lan tỏa niềm đam mê tranh mỹ thuật Việt Nam tới cộng đồng. Chúng tôi hy vọng triển lãm lần này sẽ mang đến một góc nhìn mới về giai đoạn văn hóa, nghệ thuật Đông Dương, được kể qua lăng kính của những họa sĩ Việt, lẫn họa sĩ nước ngoài”.

Tranh “Những người gánh lúa” của danh họa người Pháp Joseph Inguimberty. Ảnh: T.Y
Tranh “Những người gánh lúa” của danh họa người Pháp Joseph Inguimberty. Ảnh: T.Y

Trong không gian cổ kính, trầm ấm tại Nhà hàng Madam Lân (đơn vị tài trợ), 35 tác phẩm được sắp xếp thành 5 cụm chính và 4 mảng tường dài giới thiệu các nhóm giảng viên, sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, đi từ nhóm dessin (Nguyễn Nam Sơn, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị), nhóm sơn dầu (Joseph Inguimberty, Trịnh Hữu Ngọc), nhóm sơn mài (Alix Aymé, Phạm Hậu) và nhóm đa phương tiện gồm khắc gỗ, lụa, sơn dầu của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Tôn Thất Đào, Hoàng Tích Chù… Có thể nói, sự hội ngộ của 14 họa sĩ khá nổi tiếng thế kỷ XX, với kỹ thuật sáng tác hàn lâm Tây phương kết hợp chất liệu và đề tài mang đậm hồn cốt Việt tại triển lãm “Trắng trong ngọc ngà” mang đến sự thích thú cho người thưởng lãm.

Bởi lẽ, bên cạnh hình tượng người phụ nữ, phong cảnh làng quê Việt Nam cũng được các họa sĩ lãng mạn hóa trong tranh. Ông Ace Lê, Giám tuyển triển lãm chia sẻ, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các sự kiện mỹ thuật Đông Dương đều diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trưng bày tranh mỹ thuật Đông Dương tại Đà Nẵng, Phù Sa Art Foundation mong muốn mang đến làn gió mới cho cộng đồng người yêu nghệ thuật thành phố nói riêng và miền Trung - Tây nguyên nói chung.

Sự khác biệt từ góc nhìn cũng như kỹ thuật sáng tác trên cùng một chất liệu giữa họa sĩ Việt Nam và họa sĩ nước ngoài cũng là điểm nhấn đặc biệt tại triển lãm “Trắng trong ngọc ngà”. Đơn cử, cùng là những bức họa đồng ruộng Ba Vì nhìn từ núi Sơn Tây, nhưng tranh của các họa sĩ Joseph Inguimberty, Jean Võ Lăng hay Trịnh Hữu Ngọc lại có tinh thần và cách tiếp cận hoàn toàn riêng biệt. Có thể nói, sự khác biệt ấy chính là điểm nhấn văn hóa độc đáo trong dòng chảy mỹ thuật Đông Dương, cũng là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam, tính tới thời điểm này.

KỲ NAM

;
;
.
.
.
.
.