Không là chủ nhân các học hiệu danh giá (Ngũ phụng tề phi, Tứ kiệt, Tứ hổ…), song bốn học sinh Khâm Thiên giám triều Nguyễn người Quảng đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử.
Trường đào tạo các nhà thiên văn, lịch pháp
Khâm Thiên giám được thành lập thời vua Gia Long. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Quan tượng đài được xây dựng để Khâm Thiên giám quan sát thiên tượng, trên đài dựng đình Bát phong. Năm 1918, Khâm Thiên giám từ Nam đài được chuyển về gần Bộ Học (trên đường Hàn Thuyên, phường Thuận Thành, thành phố Huế ngày nay). Trải qua thời gian, trụ sở Khâm Thiên giám đã đổ nát, chỉ còn Quan tượng đài, được trùng tu vào năm 2013.
Quan tượng đài của Khâm Thiên giám được trùng tu vào năm 2013. Ảnh: V.T |
Khâm Thiên giám là cơ quan đảm nhận công việc nghiên cứu thiên văn, chế tác lịch pháp, suy tính những điều tốt xấu qua sự biến đổi của các hiện tượng tự nhiên để phục vụ hoạt động của triều đình. Đây cũng là một trong những cơ quan quan trọng nhất thể hiện cho nền khoa học, mà cụ thể là thiên văn học, lịch pháp, khí tượng thủy văn của người Việt ở thế kỷ XIX, có tác động sâu sắc không chỉ đến mọi hoạt động của vua và triều đình mà còn chi phối công việc sản xuất nông nghiệp và các lễ nghi ngoài dân gian.
Không những thế, Khâm Thiên giám còn là một “trường đào tạo” nhân lực chuyên nghiệp, cung cấp nguồn quan sinh có chất lượng để bổ dụng vào các chức danh quản lý và chuyên môn tại Khâm Thiên giám và Ty Chiêm hậu các địa phương. Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho hay: Năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhà vua cho “chuẩn định điều lệ khoa học của Khâm Thiên giám”.
Theo đó, người học được chia làm hai đối tượng: ngoài những người đang làm việc trong Giám thực hiện việc học tập theo chế độ bắt buộc thì còn thu nhận cả những người bên ngoài tình nguyện đến học. Những người này được hưởng chế độ ưu đãi của triều đình: mỗi tháng được cấp 1 quan tiền và 1 phương gạo. Chương trình đào tạo được phân thành 2 lĩnh vực: lịch pháp và thiên văn, thời gian học của mỗi lĩnh vực là 3 năm.
Đối với học tập biên soạn lịch pháp, "năm đầu dạy phương pháp suy tính lịch Hiệp Kỷ; năm thứ hai dạy phương pháp lịch Thất Chính; năm sau dạy phương pháp suy tính nhật thực, nguyệt thực và ngày nên làm việc gì, ngày nên kiêng việc gì, nên bỏ nên thêm". Về đào tạo thiên văn, "năm đầu dạy về hình thể 28 vì sao và những sao đi theo; năm thứ nhì dạy về khu vực của 3 sao Tử vi, Thiên thị, Thái vi; năm sau lấy chỗ đóng của 5 sao, cùng là hình thể của các sao mà bản đồ của Trung và Tây hợp lại vẽ ra và những phần đất thuộc về 28 ngôi sao trên trời cốt được thuộc làu".
Lưu danh sử xanh
Chưa có tư liệu thống kê số liệu và danh sách học sinh Khâm Thiên giám triều Nguyễn là người Quảng Nam. Song, theo Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân của Nguyễn Thế Anh (NXB Văn học, 2008), đã có 4 người ở xã Phiếm Ái, nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là học sinh Khâm Thiên giám: Trương Tổn, Trương Hoành, Trương Côn, Trương Đính. Họ là anh em ruột, thuộc phái Nhì, chi Nhì của tộc Trương làng Phiếm Ái.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, các ông là những người có học thức, đã từng thi cử và đều là học sinh Khâm Thiên giám. Đây có lẽ là hiện tượng lạ vì hiếm có gia đình nào thời bấy giờ ở đất Quảng có nhiều người cùng học tại một trường khoa học như thế. Có mặt ở đây, họ hẳn là những người có khả năng, hiểu biết nhất định về thiên văn, khí tượng, lịch pháp và tương lai sẽ giữ các chức quan của Khâm Thiên giám và Ty Chiêm hậu các địa phương.
Thế nhưng, tiếp thu chủ thuyết của phong trào Duy Tân, không chấp nhận cảnh sưu cao, thuế nặng cũng như sự lộng hành, sách nhiễu dân của quan lại địa phương, năm Mậu Thân - 1908, nhân một bữa đám giỗ, Trương Tổn, Trương Hoành, Trương Côn, Trương Đính cùng Cử nhân Trương Nhiếp, Cử nhân Trương Liên, Hứa Tạo (Lý trưởng làng Ái Nghĩa), Lương Châu (người làng Hà Tân, con rể Cử nhân Trương Nhiếp) bàn chuyện “sưu cao thuế nặng”.
Sau đó, các vị làm tờ đơn xin giảm sưu, thuế và tổ chức đi lấy chữ ký của các làng trong huyện. Đầu tháng 3-1908, nhóm này phát động quần chúng ở các làng kéo về huyện đường Đại Lộc, sau đó xuống Tòa Công sứ tại Hội An đấu tranh với sự tham gia của hàng nghìn người. Quá hoảng sợ, Công sứ Charles ban đầu tìm cách xoa dịu, sau đó ra mặt đàn áp quần chúng một cách dã man và bắt giam Trương Tổn, Trương Hoành, Trương Côn, Trương Đính và các yếu nhân khác.
Nói về vai trò “thủ xướng” của bốn anh em tộc Trương, ngày 14 tháng 3 năm Duy Tân thứ 2 (14-4-1908), Phủ Phụ chính nhận định: “Công ích đã vâng chuẩn định, 13 phủ, tỉnh và đạo đều đồng như nhau, thế mà dân Đại Lộc tỉnh ấy là bọn Trương Tổn sáu tên đều là thư sinh đã từng thi cử, há không biết quốc pháp hay sao? Như có khoản kêu gì đáng lẽ liên danh ký đơn, ủy người khiếu nại, hầu vâng xử trí mới phải, sao lại đàm tụ họp hạt dân đến hơn bốn trăm người, tới tỉnh và huyện đường nói nhiều lời khinh dễ, tức như tên Hứa Tạo bị bắt giam, mà chúng sấn vào công đường, mưu toan cướp lấy, đã là bất pháp, khiến cho dân các hạt khác bắt chước nổi lên làm càn, tụ tập chung quanh tỉnh thành, đón chận tỉnh đường, kéo bắt phủ quan.
Những tình tiết như thế là do chúng thủ xướng, cái mòi ấy thật không nên để cho lan tràn”. Phủ Phụ chính đề xuất nhà vua: “Bọn Trương Tổn, Trương Hoành, Trương Côn, Trương Đính, Hứa Tạo và Lương Châu, nghĩ nên chiếu luật Ẩu bản quan, xử trượng 100, đồ 3 năm; nhưng trong lúc hạt dân còn đương xuẩn động, không tiện lưu giam, nên tùng nghiêm gia một bậc, xử trượng 100, lưu 2.000 dặm, phát Lao Bảo phối dịch chung thân, để răn”.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Đời người từ xưa ai mà không chết/ Hãy để lại tấm lòng son soi vào sử xanh). Hai câu thơ bất hủ ấy của Văn Thiên Tường, đời Tống, quả ứng nghiệm với bốn học sinh Khâm Thiên giám: Trương Tổn, Trương Hoành, Trương Côn, Trương Đính. Họ là những người con yêu dấu của đất Quảng vị quốc vong thân, muôn đời lưu danh sử xanh!
VÂN TRÌNH