Hành trình thực địa 5 ngày tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nơi được ví “nóc nhà” của tỉnh Gia Lai, có độ cao 1.748m so với mực nước biển và sở hữu hệ động thực vật phong phú giúp những người trẻ hiểu hơn về thiên nhiên và cả bản thân mình.
Hành trình học hỏi 5 ngày tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh giúp những bạn trẻ hiểu hơn về thiên nhiên và môi trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Làm quen với công tác bảo tồn
Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên nhưng đây là lần đầu tiên Nguyễn Cát Tường (SN 2003), sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) được trải nghiệm cuộc sống thực sự dưới những tán rừng thông qua khóa tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam vào cuối năm 2023. Tường cho biết, em chưa hề tưởng tượng đến một ngày bản thân có thể trèo đèo lội suối, đi bộ hàng chục km đường rừng hay học tập, sinh hoạt dưới lán dã chiến. “Chương trình học diễn ra liên tục, lồng ghép các hoạt động sinh hoạt đội nhóm sôi nổi và cũng không ít áp lực lẫn thách thức. Lần đầu tiên em được giao trách nhiệm đọc bản đồ, sử dụng GPS và la bàn… Chương trình khóa tập huấn được đầu tư với sự thuyết giảng từ những chuyên gia nhiều kinh nghiệm”, Tường chia sẻ.
Xác định chuyến tập huấn là cơ hội quý giá trong đời sinh viên, Phan Công Vũ Linh (SN 2001), học ngành Bác sĩ thú y tại Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm sắp xếp việc học để tham gia. Tại đây, Linh được tiếp xúc với những dụng cụ, thiết bị thực địa. Dù trải qua các buổi học lý thuyết, Linh và các bạn vẫn gặp không ít khó khăn khi phối hợp xác định tọa độ. Vì chưa có kinh nghiệm, có khi những người trẻ phải đi một quãng đường vòng đầy dốc mới tìm được tọa độ thay vì đi đường thẳng.
Theo thông tin từ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), chương trình này là hoạt động thường niên do nhà trường phối hợp Hội Động vật học Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức từ năm 2006 với sự đồng hành của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Viện Sinh thái học miền Trung, Tổ chức WildAct và LVDI Việt Nam... Mục tiêu khóa học nhằm xây dựng năng lực cho các nhà bảo tồn trẻ, giúp học viên có nền tảng kiến thức lý thuyết và thực tế về bảo tồn thú linh trưởng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Các học viên có 3 ngày học lý thuyết tại Trường Đại học Sư phạm liên quan sơ cấp cứu, thông tin nhận dạng 25 loài thú linh trưởng Việt Nam và về ngành bảo tồn. Sau đó là 5 ngày trải nghiệm ăn, ngủ, học tập và làm việc tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Tiếp tục lan tỏa
Cuộc sống ở lán dã chiến giữa một vườn quốc gia có diện tích 41.780ha vùng lõi và 118.598ha vùng đệm là hành trang quý giá mà những bạn trẻ mang về sau chuyến hành trình. Tự nhận mệt nhưng vui, Linh kể đã học được nhiều kiến thức thú vị về loài linh trưởng, có thêm mối quan hệ bạn hữu và biết thêm nhiều chương trình ý nghĩa về bảo tồn thiên nhiên.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 2005), sinh viên ngành Sư phạm Sinh, Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm, đã tự tin hơn, hòa mình hơn sau những bỡ ngỡ ban đầu. “Em nhớ nhất là hoạt động “truyền lửa” của ngành bảo tồn. Mọi người quây quần thành vòng tròn, ban tổ chức sẽ phát một hộp nến. Thầy hướng dẫn sẽ đốt hộp nến đầu tiên và kể về con đường đưa thầy đến với công tác bảo tồn, về niềm tin, hy vọng của bản thân. Ngọn lửa này được chia sẻ cho người tiếp theo để họ kể câu chuyện của mình và cứ thế lan tỏa", Oanh nói.
Còn với Cát Tường, chuyến đi Kon Ka Kinh không chỉ cung cấp thêm kiến thức về bảo tồn mà còn giúp mình xác định hướng đi và mục tiêu cá nhân. “Vỏn vẹn 5 ngày ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, em trả lời được câu hỏi "bằng sức lực của bản thân thì mình sẽ hỗ trợ được gì cho công tác bảo tồn thiên nhiên”. Theo em, việc bảo tồn không đơn thuần là nhiệm vụ và trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức nào mà đây là một hoạt động cần sức lực của cả cộng đồng để phát triển và duy trì lâu dài”, Tường chia sẻ.
LÂM VIÊN - ÁNH QUỲNH