Một thế hệ trẻ đầy tự tin

.

Ba mươi tuổi, tôi quyết định tạm ngừng công việc để lần nữa thi đại học. Còn nhớ, trong phòng thi vòng chung tuyển, giám khảo đề nghị tôi cân nhắc lựa chọn học tại chức thay vì chính quy. Một trong những lý do thầy đưa ra là sự cách biệt tuổi tác của phần đông sinh viên lớp chính quy so với tôi. Nhưng tôi kiên định với con đường của mình và tin rằng sẽ học được nhiều từ những bạn học tươi trẻ và giàu sức sống. Và điều này đã được khẳng định trong suốt bốn năm đại học.

Bài học lớn nhất mà tôi học được từ thế hệ gen Z (thuật ngữ được biết đến rộng rãi để định danh những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997-2012) chính là tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám dấn thân và dám phá bỏ khác biệt”. Khác với những tiết học đại học của mười hai năm trước, giảng đường không chỉ là “bục giảng” của riêng thầy cô mà còn là nơi để các bạn thể hiện quan điểm, cá tính. Và để có được sự tự tin khi tranh luận với các luận điểm sắc bén ấy, các bạn chủ động trong việc tìm hiểu và học hỏi. Không chờ đợi thầy cô cũng chẳng phụ thuộc giáo án, các bạn luôn sẵn sàng tự đặt câu hỏi và đi tìm các câu trả lời phù hợp. Thầy cô không còn là “người thầy chân lý” mà là người gợi mở, hướng dẫn, cố vấn…

Nghĩ khác và mơ lớn đã trở thành tuyên ngôn sống của thế hệ gen Z. Các nhà nghiên cứu cũng từng khẳng định gen Z được xem là thế hệ tiên phong cho những trào lưu xã hội khi lớn lên trong thời kỳ công nghệ cùng với sự bùng nổ của internet. Cũng bởi không thích quy tắc hay khuôn mẫu cũ, họ luôn mong muốn thể hiện sự khác biệt. Tinh thần khai thác giá trị mới thể hiện rõ nét trong từng phim bài tập cuối học kỳ. Mỗi phim là một sự thử nghiệm đầy cá tính; không chỉ thể hiện góc nhìn độc đáo của người nghệ sĩ trẻ mà còn bày tỏ khát khao sáng tạo và sự khẳng định giá trị riêng.

Họ cũng là những người không ngồi đợi cơ hội mà tự tạo cơ hội, từ việc chủ động học hỏi, tham gia các cuộc thi đến việc năng động kết nối và xây dựng các mối quan hệ. Cảm giác như, thế hệ gen Z luôn trong trạng thái vận động. Và quả ngọt của tư duy đa dạng và đổi mới không ngừng đó là nhiều giải thưởng lớn trên các lĩnh vực, là sự dẫn đầu xu hướng của thời đại… Có thể thấy, họ đã và đang tỏa sáng rực rỡ theo một cách rất riêng.

Nhưng dẫu sáng tạo hay phá cách ra sao, những người trẻ vẫn luôn dành một niềm yêu rất riêng với các giá trị truyền thống. Đó là bản rap “Việt Nam kiêu hùng” đầy lòng tự hào dân tộc của cô gái 16 tuổi Hoàng Quỳnh Anh (Cadmium) trong cuộc thi Rap Việt mùa 3. Đó là bộ trang phục "Trống Lân ngày hội" và mong mỏi gìn giữ bản sắc truyền thống của chàng học sinh lớp 10 Cù Thanh Long khi tham gia cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc của Miss Grand Vietnam 2023. Đó là 26 bạn trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc truyền cảm hứng yêu thích văn học qua bộ thẻ bo góc in hình các văn nhân Việt Nam đầy tinh thần trẻ trung. Đó là Hanbin (Ngô Ngọc Hưng, SN 1998) - được xem là nam thần tượng Kpop người Việt thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại - thường xuyên quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như thể hiện lòng yêu nước trước khán giả quốc tế…

Nhưng một thế hệ luôn muốn tiên phong dẫn dắt xu hướng mới cũng chính là thế hệ mang nhiều lo âu và dễ tổn thương­­. Theo khảo sát về căng thẳng tại Hoa Kỳ  năm 2021 của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%). Và khoảng 37% thành viên nhóm gen Z - tỷ lệ cao hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây - cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nói như PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, là: các em lại đang sống trong một thế giới “bị trả giá” - PAID. Trong đó, P (pressure) là áp lực; A (alwways on) kết nối 24/7; I (information overloaded) bội thực thông tin và D (distracsted) phân tâm.

Không nói đâu xa, không ít bạn học trẻ trong lớp tôi đã và đang đối mặt với căn bệnh trầm cảm bởi nhiều lý do: sợ bị bỏ lỡ, áp lực đồng trang lứa, niềm lo về những điều chưa chắc chắn và cả nỗi sợ bị phê phán… Nhưng ngay cả khi rơi vào trạng thái xấu, các bạn vẫn luôn dũng cảm đối mặt để vượt qua. Nhận thức rõ sức khỏe tinh thần, không ngại chia sẻ vấn đề đang gặp phải, nhanh chóng điều trị và kiên trì chữa lành, các bạn luôn biết mình cần gì và nên làm gì.

Làm bạn và học hỏi từ những người trẻ cách mình 12 tuổi có thể nói là một trong những trải nghiệm quý giá của tôi - một người thuộc thế thệ gen Y (khái niệm dùng để chỉ những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996, còn được gọi là Millennials hay thế hệ 8X - 9X). Và tin rằng, với sự năng động, đột phá, gen Z sẽ có nhiều cống hiến và tạo nên các giá trị mới cho cộng đồng.

YÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.