MÙA CƯỚI

Nhìn nay, nhớ xưa

.

Ngày nay, không khí bận rộn chuẩn bị tổ chức lễ cưới được thay thế bằng cảm giác thảnh thơi bởi mọi thứ đã có dịch vụ. Dẫu vậy, khi lo toan không còn, nhiều người lại nhớ về một đám cưới xưa với những rộn ràng vun vén từ mâm cỗ đến cổng ngõ, sân khấu, bàn thờ gia tiên như lời chúc phúc dành cho đôi uyên ương trong ngày trọng đại.

Hình ảnh cô dâu đi giữa đoàn rước thường thấy trong những đám cưới thập niên cũ. Ảnh: TL
Hình ảnh cô dâu đi giữa đoàn rước thường thấy trong những đám cưới thập niên cũ. Ảnh: TL

Trọn vẹn ý nghĩa

Nhà bà Nguyễn Thị Phương (SN 1953), phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ vừa tổ chức lễ cưới cho con trai. Ngoài dọn dẹp nhà cửa, bà Phương không phải động tay, động chân vào bất cứ việc gì bởi mọi thứ đã có dịch vụ lo. Bà Phương kể, theo lời dặn con trai, bà chỉ cần nghỉ ngơi, làm đẹp, sắm sẵn áo dài tham gia đoàn rước dâu rồi đến thẳng nhà hàng.

Với mong muốn đóng góp chút gì trong ngày trọng đại của con, bà giành việc chuẩn bị 5 mâm quả cưới với đầy đủ trầu cau, rượu trà, nem chả, trái cây và bánh kem. Trước lễ cưới một ngày, bà chạy xe máy đến cửa hàng hoa tươi, tự tay lựa từng quả cau, lá trầu theo con số 105 thay cho lời chúc “trăm năm hạnh phúc”. Ngồi nhìn những quả cau được người thợ xếp chồng lên nhau theo hình rồng, phượng, bà Phương chợt nhớ đến buồng cau mẹ từng chăm chuốt trong ngày mình theo chồng cách đây 32 năm. Đó là buồng cau được hái xuống từ cây cau phía sau nhà. Dù không căng mẩy, đều đặn như những trái cau được cửa hàng tuyển lựa, nhưng cũng giúp làm đầy đặn mâm lễ ngày đưa dâu.

Ngày bà Phương đám cưới là ngày vui của cả gia đình, tộc họ. Bà con xa, láng giềng gần, không ai bảo ai, đều đến nhà phụ gia đình dọn dẹp, nấu nướng. Công việc chuẩn bị được mẹ bà lên kế hoạch từ nhiều tháng trước. Ngoài vườn, những vạt rau đang thì xanh mướt. Một con heo được gia đình nuôi thúc chờ ngày “mổ thịt”. Phía sau nhà, bầy gà đã trổ giò phổng phao. Mẻ làm từ cơm nguội lên men, còn giấm bổng nấu từ rượu nếp. Mẹ bà cũng chuẩn bị sẵn ang gạo nếp và một ít đậu xanh để nấu xôi đặt lên bàn thờ... Trong đám cưới, mọi người phân chia công việc rõ ràng. Trong khi phụ nữ đứng bếp nấu nướng thì cánh đàn ông lo việc dựng rạp, dọn dẹp bàn thờ gia tiên. Vui nhất là đám con nít, xúng xính áo quần, chạy nhảy vui đùa và trở thành “tay sai vặt” của người lớn. Đêm trước ngày rước dâu, gia đình bà mời bà con, họ hàng và láng giềng thân cận đến uống ly rượu, ăn đĩa lòng heo thay lời cảm ơn đã giúp đỡ che rạp, trang trí, nấu nướng cho ngày mai. Bà Phương - khi ấy là cô dâu - cũng lăng xăng phụ mọi người chuẩn bị món này, thức nọ. Trong nhà đầy ắp tiếng cười, tiếng mọi người í ới gọi nhau.

Trong cuốn album kỷ niệm của gia đình, vợ chồng bà Phương chỉ giữ được một tấm ảnh chụp ngày rước dâu. Nhìn hình ảnh đám trẻ con chạy lăng xăng sau chân cô dâu, chú rể làm bà bất giác bật cười. “Ngày đó, tôi chỉ mặc bộ áo dài trắng có cài voan trên đầu, tay ôm chùm hoa huệ, đi cạnh là ông xã mặc áo com lê, quần ống loe. Lúc cô dâu, chú rể vừa bước ra khỏi chiếc cổng được kết cao bằng lá dừa, ngay lập tức đám con nít ào tới, rúc rích đọc to “cô dâu, chú rể làm bể bình bông, đổ thừa con nít” khiến ai cũng không nhịn được cười”, bà Phương nhớ lại.

Chẳng có cặp đôi nào yêu nhau mà không nghĩ đến cảnh được làm cô dâu, chú rể. Trong nhiều trường hợp, người trong cuộc đã phải vượt qua rất nhiều rào cản không gian, thời gian, thậm chí điều kiện chiến tranh để đến được với nhau. Những lúc như thế, đám cưới là một nỗi hân hoan khó tả, dù được tổ chức trong hoàn cảnh thiếu trước, hụt sau. Trong bữa tiệc nhỏ kỷ niệm 50 năm ngày cưới cách đây không lâu, bà Hồ Thị Kim Thanh (SN 1943), quận Hải Châu vui vẻ kể lại cho cháu con câu chuyện cưới của mình. Theo đó, năm 1959, bà tổ chức lễ dặm hỏi trước khi người yêu thoát ly lên rừng hoạt động cách mạng. Phải 15 năm sau, ông bà mới chính thức trở thành vợ chồng sau một lễ cưới đơn giản nhưng ấm tình đồng đội. Bà Thanh nói, đám cưới ngày ấy chỉ có bánh, kẹo và vài gói thuốc lá. Đầu cô dâu cài tạm những bông hoa dại hái sau khu nhà đang ở tại huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), chú rể vẫn giản dị trong trang phục bộ đội, đầu đội mũ tai bèo. Theo tiêu chuẩn, vợ chồng bà được cấp trên cho một ít thuốc lá Cẩm Lệ cùng kẹo thơm của Xí nghiệp quốc doanh Hải Hà. Địa điểm tổ chức cưới là hội trường nơi sắp diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam năm 1973. Sân khấu ngoài chữ song hỷ, còn có dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Không mâm cao cổ đầy, không quà cưới rình rang, không bạn bè, người thân chúc tụng, niềm vui trong ngày cưới của vợ chồng bà là lời ca, tiếng hát của đồng đội và những bộ ấm chén, xoong nồi, phích nước kèm ít lương khô mọi người gửi tặng.

Chung lời chúc phúc

Qua tấm ảnh cưới đen trắng đã ố vàng, Hồ Thị Dạ Thảo (SN 1997), phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, “gặp lại” hình ảnh mẹ mình mặc chiếc váy cưới trắng tay phồng, đầu đội voan bồng bềnh, tay ôm bó thược dược nhiều màu sắc. Sự e ấp, đoan trang của người con gái mới lớn thể hiện qua nụ cười nhẹ và ánh mắt mơ màng. Thảo có thể cảm nhận được niềm vui giản dị nhưng đầy hân hoan của mẹ trong ngày cưới. “Đám cưới mỗi thời mỗi khác nhưng tôi vẫn bị cuốn hút bởi nét hoài cổ trong trang phục cưới của mẹ mình. Ngày cưới, mẹ trang điểm khá đơn giản với phấn trắng, má hồng và môi đánh chút son đỏ. Đi bên cạnh là ba trong bộ com lê kết hợp quần ống le, cùng đoàn rước dài đi thành 2 hàng trên đường làng”, Thảo chia sẻ.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc của ba mẹ khiến Thảo càng thêm trân trọng những cột mốc quan trọng của gia đình. Cô cho hay, mình và chồng sắp cưới đang ấp ủ thực hiện bộ ảnh theo phong cách “ông bà ta” với áo dài xưa kết hợp gam màu đỏ tươi và vàng cam. Đặc biệt, chữ song hỷ sẽ xuất hiện xuyên suốt tập ảnh, mang ý nghĩa nhân đôi niềm vui, niềm hạnh phúc cho đôi uyên ương. Mong là vậy, chứ chuyện cưới xin giờ đâu thể trở lại như xưa. Cũng khó mà yêu cầu mọi người bỏ công, bỏ việc để hỗ trợ mình mọi việc. Thế nên, ngoài lễ nghi còn giữ lại theo phong tục người xưa, thì bộ ảnh cưới theo phong cách hoài niệm là điều Thảo dễ thực hiện hơn cả. Là người hoài cổ, cô từng vượt gần trăm cây số về xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) dự cưới, với mơ hồ mong muốn “gặp lại” đám cưới quê chan chứa tình làng nghĩa xóm. Thảo hình dung cảnh người nhà xúm tụm phụ nhà trai, nhà gái dọn đám, hình dung cảnh thanh niên trai tráng trong làng giúp dựng rạp, bắt đèn, ra rả tiếng cười nói… Thế nhưng, đám cưới ở quê bây giờ không khác thành phố là mấy khi mọi thứ đã có dịch vụ lo, từ dựng rạp, nấu ăn đến các nguyên liệu phục vụ những lễ nghi trang trọng.

Gần 20 năm kết hoa, kết mâm quả phục vụ đám tiệc, cưới hỏi, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, chủ cửa hàng hoa tươi Thanh Thủy cho hay, “xưa bày, nay bắt chước” nên các lễ vật cưới vẫn được các gia đình mua sắm theo phong tục truyền thống. Trong đó, tục nhà trai mang đến nhà gái 5 mâm quả trong lễ ăn hỏi hay một đôi đèn đặt trên khay trầu rượu trong ngày rước dâu vẫn được xem là nghi lễ quan trọng không thể bỏ qua. Có thể nói, trầu, cau luôn là biểu tượng của tình yêu, sự thủy chung nên không thể thiếu trong các nghi lễ cưới hỏi xưa và nay. Chỉ khác chăng là kỹ thuật trang trí có phần cầu kỳ hơn nhằm mang đến không gian trang trọng, chỉn chu nhất cho ngày trọng đại của mỗi gia đình.

Theo thời gian, nghi lễ cưới đã thay đổi phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng đều chung lời chúc phúc đôi uyên ương luôn được hạnh phúc, bền lâu. Dẫu vậy, không ít người vẫn tỏ ra tiếc nuối bầu không khí ấm áp, rộn ràng khi gia đình có người đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Dù những hoài niệm cưới ấy, giờ đã xa, đã qua. 

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.